Bạn đọc
Tình trạng cho khỉ ăn trên bán đảo Sơn Trà: Cần giải pháp căn cơ
Việc cho khỉ ăn xuất hiện trên bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) từ nhiều năm nay đã và đang gây nguy hại đến khả năng sinh tồn tự nhiên của loài khỉ cũng như sự an toàn của người dân và du khách. Giải pháp trước mắt cho tình trạng này chỉ mới dừng ở tuyên truyền và cần phương án căn cơ để bảo đảm hài hòa môi trường du lịch ở khu vực này.
Đàn khỉ tràn xuống đường Hoàng Sa để chờ du khách cho ăn. Ảnh: X.S |
Hệ quả xấu của việc cho khỉ ăn
Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực miếu Đôi dưới chân bán đảo Sơn Trà là nơi có số lượng cá thể khỉ vàng khá lớn. Từ khoảng 16 giờ mỗi ngày, khi thời tiết mát mẻ, đàn khỉ này kéo xuống khá đông, nhiều cá thể tràn ra mặt đường Lê Văn Lương. Điều này kéo theo một bộ phận người dân, du khách trong và ngoài nước tập trung ngắm khỉ và cho khỉ ăn với các loại thức ăn như trái cây, bánh, kẹo… Không chỉ tại khu vực trên, hình ảnh này còn xuất hiện thường xuyên tại nhiều điểm trên bán đảo Sơn Trà như khuôn viên chùa Linh Ứng, ngã ba Bãi Bắc, trước khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula, đỉnh Bàn Cờ… Bên cạnh đó, nhiều du khách sau khi rời đi bỏ lại các bao bì còn chứa thức ăn thừa, vô tình trở thành nguồn thức ăn quen thuộc của khỉ.
Theo Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, việc người dân, du khách cho khỉ ăn khi tham quan bán đảo Sơn Trà vô tình hình thành cho loài linh trưởng này thói quen phụ thuộc nguồn thức ăn từ con người. Điều này lâu dài sẽ ảnh hưởng công tác bảo tồn thiên nhiên, khiến khỉ mất dần tập tính tự nhiên là tự kiếm ăn. Nếu khỉ ăn trúng loại thức ăn không phù hợp có thể tác động xấu tới sự sinh trưởng, phát triển của chúng. Ngoài ra, việc khỉ tràn ra đường nhiều và du khách dừng đỗ xe cho khỉ ăn cũng ảnh hưởng an toàn giao thông, an ninh trật tự tại khu du lịch trên bán đảo Sơn Trà.
Liên quan vấn đề trên, ông Phan Minh Hải, Phó trưởng ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho hay, ban thường xuyên cử nhân viên nhắc nhở du khách tại tuyến đường từ nút giao thông Lê Đức Thọ đến khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula, khuôn viên chùa Linh Ứng, đặc biệt tăng cường các giờ cao điểm trong ngày (buổi sáng 7 giờ 30 đến 10 giờ 30; buổi chiều 15 giờ đến 17 giờ) và các ngày cuối tuần. Đồng thời khuyến cáo người dân và du khách với nội dung: “Hãy dừng ngay hành động cho khỉ ăn! Hãy tôn trọng đời sống hoang dã của loài khỉ!” thông qua các bảng biểu trực quan cỡ lớn, loa phát thanh và các phương tiện thông tin đại chúng; gửi văn bản đến các công ty lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, địa phương, trường học để tăng cường tuyên truyền.
Song song đó, ban phối hợp Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn tăng cường công tác tuần tra, nhắc nhở người dân và du khách không cho động vật hoang dã ăn trái cây và thức ăn đóng gói sẵn khi tham quan. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, nhắc nhở vẫn gặp khó khăn khi số lượng khách tham quan bán đảo Sơn Trà ngày càng nhiều, trong khi lực lượng làm nhiệm vụ hạn chế về số lượng.
Bảo đảm hài hòa môi trường du lịch
Báo Đà Nẵng ghi nhận nhiều chia sẻ từ bạn đọc xoay quanh việc cho khỉ ăn trên bán đảo Sơn Trà. Trong đó, có ý kiến cho rằng nên có chế tài xử lý những trường hợp cho khỉ ăn. Về vấn đề này, ông Phan Minh Hải cho hay, các nghị định, thông tư liên quan hiện hành về bảo vệ động vật hoang dã chỉ đề cập việc xử lý các hành vi về ngược đãi, săn bắt động vật hoang dã. Trong khi đó, việc cho khỉ ăn không nằm trong nhóm hành vi này. Do đó, hiện chỉ có thể nhắc nhở, tuyên truyền với du khách chứ không thể áp dụng xử phạt và về lâu dài cần giải pháp căn cơ để dứt điểm tình trạng này.
“Hiện thành phố đang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu đề án đánh giá cụ thể các loài linh trưởng trên bán đảo Sơn Trà. Thông qua đề án này, các chuyên gia sẽ đưa ra giải pháp căn cơ trong việc giải quyết câu chuyện xung đột giữa loài khỉ và con người ở khu vực kế cận chân núi, bán đảo Sơn Trà; cũng như có giải pháp làm sao để cho khỉ không tụ tập xuống dưới đường, để người dân và du khách không cho khỉ ăn”, ông Hải thông tin.
Đề xuất ý kiến với Báo Đà Nẵng, bạn đọc Lê Trâm (SN 1992, hướng dẫn viên du lịch) cho rằng, việc loài khỉ và động vật hoang dã phát triển với số lượng lớn trên bán đảo Sơn Trà chứng tỏ môi trường sinh trưởng thuận lợi. Do đó nên tận dụng lợi thế này để biến việc tham quan, ngắm khỉ như một sản phẩm du lịch lâu dài. Nhiều nơi như Nha Trang (Khánh Hòa), Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh), Sabah (Malaysia) hay Công viên Khỉ tuyết Jigokudani (Nhật Bản) đã hút khách nhờ loại hình tương tự, vì thế Đà Nẵng có thể nghiên cứu phương án khai thác phù hợp, trong đó cần nhấn mạnh câu chuyện “không cho khỉ ăn” với du khách và yêu cầu mọi trải nghiệm chỉ dừng ở việc ngắm nhìn, chụp ảnh... trong các tour để bảo đảm hài hòa môi trường du lịch.
XUÂN SƠN