.

Cần có biện pháp bảo đảm hành lang an toàn đường sắt

.

Trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, đoạn bắt đầu từ điểm giao với đường Xuân Hà 2 và đường Hà Huy Tập (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) không có hàng rào chắn bảo vệ, cũng không có đường ngang.

Các tấm gỗ lấn chiếm đường ray.
Các tấm gỗ lấn chiếm đường ray.

Vào những giờ tan học, học sinh từ trường THCS Lê Thị Hồng Gấm (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) hồn nhiên đi bộ hoặc dắt xe đạp, chạy nhảy băng qua đường ray để về nhà (thuộc phường Chính Gián, quận Thanh Khê).

Một người dân phường Chính Gián cho biết, nhiều người sống ở cạnh đường ray trên địa phận phường Xuân Hà chọn cách để xe máy ở phường Chính Gián rồi đi bộ băng ngang qua đường ray để vào nhà (nếu đi từ đường Thái Thị Bôi). Những người sống cạnh đường ray thuộc phường Chính Gián cũng làm tương tự như vậy nếu đi từ đường Trần Cao Vân. Người dân 2 bên đường ray đã mặc nhiên chấp nhận… bất cứ đoạn nào trên đường ray cũng có thể trở thành “đường ngang”.

Tháng 8-2015, một bà cụ bán vé số (sinh năm 1938, trú phường Xuân Hà) đã gặp tai nạn tử vong khi đang băng ngang qua đường ray ở khu vực này. Bà cụ bị khiếm thính nên đã không nghe được tiếng còi tàu và tiếng người dân la lên cảnh báo rằng có tàu chạy đến gần.

Đoạn đường sắt này cũng bị một số người dân bày dụng cụ lao động (tấm gỗ, gạch, đá,…) lấn chiếm, ảnh hưởng đến an toàn hành lang đường sắt.

Đề nghị chính quyền địa phương và các đơn vị chủ quản có kế hoạch tuyên truyền và biện pháp xử lý những vấn đề trên, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân địa phương và an toàn giao thông đường sắt chạy qua trên địa bàn quận Thanh Khê.

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.