.
Tuyên truyền bảo đảm trật tự an toàn giao thông và đô thị

Làm sao cho hiệu quả?

.

Nhìn vào thực tiễn, chúng ta thấy công tác tuyên truyền bảo đảm trật tự an toàn giao thông tuy nhiều nhưng vẫn còn nặng về hình thức. Nhiều băng-rôn, khẩu hiệu, biển báo… nhưng hiệu quả đến đâu vẫn chưa có đánh giá khoa học, khách quan.

Các biển chỉ dẫn hướng đi, địa điểm quan trọng trên các giao lộ vẫn lí nhí nhiều chữ nên chẳng ai dừng xe để đọc; trừ trường hợp người lạ lần đầu tiên vào thành phố không có bản đồ. Tuyên truyền trên các loa phóng thanh ở phường, trên các xe lưu động lại càng ít gây chú ý. Đời sống ở một quận trung tâm nhộn nhịp như Hải Châu, giờ cao điểm người ta vội vã để tránh nạn kẹt xe, luôn tranh thủ về nhà sớm sau giờ đi làm, nên cách thức tuyên truyền này chẳng có hiệu quả gì nhiều!

Trật tự đô thị và an toàn giao thông mang rất nhiều nội dung, liên quan đến mọi mặt đời sống xã hội, diễn ra liên tục và luôn tác động liên hoàn. Những tính chất đó đòi hỏi quản lý Nhà nước, quản lý xã hội và các đoàn thể cần có những biện pháp đổi mới từ tuyên truyền đến thi hành pháp luật.

Thử đặt vấn đề: hàng trăm pa-nô, phướn, băng-rôn, lượt xe tuyên truyền và hàng chục ngàn tờ rơi, các cuộc tuyên truyền… thực hiện tại quận Hải Châu tốn kém bao nhiêu từ ngân sách và hiệu quả đến đâu. Đã có các điều tra xã hội để lấy kết quả chưa? Và thử đặt câu hỏi: Luật Giao thông đường bộ quy định xử phạt với hành vi người điều khiển phương tiện đi ngược chiều, vừa điều khiển phương tiện vừa nghe điện thoại, hoặc phương tiện phải chở đúng trọng tải, số người… đã được nghiêm túc thực hiện chưa?

Vì vậy, các cơ quan, đoàn thể cần suy nghĩ để thay đổi cách tuyên truyền hiệu quả hơn, không sa vào hình thức. Các cơ quan thi hành pháp luật phải triệt để hơn, kiên quyết hơn với mọi hành vi vi phạm; vì đó cũng là cách thức tuyên truyền.

Chỉ khi đó, trật tự đô thị và an toàn giao thông mới có kết quả thực chất!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.