.

Khai thác hiệu quả các ao, hồ

.

Ngoài sông, biển; ao hồ là tài sản thiên nhiên quý giá của mọi đô thị. Ao, hồ không chỉ là nơi điều tiết nước mưa, là “cái rốn” để hút nước khi ngập lụt, tạo cảnh sắc thiên nhiên mà còn là “lá phổi”, là máy điều hòa khí hậu khổng lồ của đô thị.

Đà Nẵng hiện có hơn 40 hồ, đầm lớn, nhỏ với tổng diện tích mặt nước 1,8 triệu m2, dung tích chứa nước tối đa hơn 3 triệu m3. Ngoài số ít là hồ công viên đúng nghĩa, đa số các hồ giữ vai trò là hồ điều tiết, đặc biệt vào mùa mưa, khi lưu lượng nước lớn. Tuy nhiên, hiệu quả điều tiết của nhiều hồ chưa cao do hệ thống kênh thoát nước chưa đủ khẩu độ. Hiện tượng bồi lắng ở các hồ khá phổ biến, lòng hồ bị lấn chiếm và sử dụng với mục đích khác, làm giảm khả năng điều hòa của các hồ. Tình trạng ngập úng vẫn xảy ra thường xuyên, ngay cả khi chỉ mới xuất hiện vài cơn mưa lớn mang tính cục bộ. Một số hồ ở Đà Nẵng bị ô nhiễm. Tuy chưa đến mức báo động, nhưng hiện tượng ô nhiễm nước ao, hồ và bồi lắng bùn đáy là vấn đề cần sớm giải quyết.

Về giải pháp, cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác quản lý môi trường các hồ nước; đặc biệt là ý thức của cộng đồng, nhất là những cư dân sống lân cận khu vực hồ. Nguồn ô nhiễm chủ yếu từ các cống dẫn nước thải thành phố đổ tùy tiện vào hồ và một phần do nước mưa làm kéo xuống hồ lượng đất cát và rác thải không nhỏ (người dân tùy tiện ném xuống hồ). Vì vậy, cần nghiêm cấm san lấp, lấn chiếm, gây ô nhiễm hồ, xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; sử dụng diện tích công viên, vườn hoa công cộng sai chức năng, mục đích.

Việc cải tạo hồ bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt phải phù hợp với quy định về kiến trúc, cảnh quan, môi trường của thành phố. Cần xác định trách nhiệm chính của tình trạng ô nhiễm môi trường nước hồ, để từ đó đưa ra các phương án từng bước hạ thấp tỷ lệ ô nhiễm của “lá phổi” thành phố. Nên chăng giao các cơ quan chuyên môn, như Công ty Công viên cây xanh, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải  nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để bảo vệ và duy trì môi trường cảnh quan của các hồ; nhất là các hồ công viên. Chẳng hạn có thể trồng loại hoa vàng và đỏ thuộc họ Rong riềng. Đây là loại cây có rễ dài và hấp thu mạnh mẽ các chất hữu cơ và vô cơ chứa trong nước thải. Hoặc chọn một góc hồ để trải các thảm xốp nổi trên bề mặt với những lỗ nhỏ gài cây hoa nói trên vào tạo thành một vườn hoa trên hồ. Hoa nở vừa đẹp và rễ sâu tới 60cm nên làm sạch nước hồ rất nhanh. Lưu ý, không nên dùng bèo Nhật Bản vì loại bèo này phát triển rất nhanh, chiếm hết mặt hồ, không tạo cảnh đẹp, và nhất là rễ của chúng không dài như loài hoa kia. Về lâu dài, cần tiến tới việc xử lý nước thải trước khi cho chảy vào hồ lớn, nước thải được tập trung trong một hồ nhỏ và xử lý bằng chế phẩm vi sinh vật để phân hủy nốt các chất hữu cơ còn sót lại và làm giảm đi mạnh mẽ các chỉ số về BOD, COD, NH3, NO2, NO3, SH2… Cách này giải quyết được tình trạng “nước nở hoa”, nghĩa là các loại vi tảo gặp nhiều thức ăn hữu cơ đã phát triển quá mức trên mặt nước.

Về các hồ giữ vai trò điều tiết, cần tận dụng các hồ tự nhiên và nâng cao dung tích điều hòa bằng cách tăng độ sâu; bố trí hợp lý về quy mô và vị trí hồ điều tiết để phát huy tối đa hiệu quả; lợi dụng tổng hợp hồ điều tiết làm giảm ngập úng, tạo cảnh quan và nuôi trồng thủy sản để nâng cao hiệu quả kinh tế, có thể xã hội hóa đầu tư. Đi vào các giải pháp mang tính kỹ thuật cụ thể: Cần có cửa van điều tiết dòng chảy vào và ra khỏi hồ, đóng mở hợp lý để điều tiết tốt nhất; cần ngăn chặn rác và bồi tại các cống ra vào hồ. Ngoài ra, cần quan tâm cải tạo, nạo vét thường xuyên, tăng độ sâu hồ ở mức cần thiết...

Dân Hùng

;
.
.
.
.
.