Tình mẫu tử

.

Từ lúc con bị bắt giam về tội “Giết người”, người mẹ xuống tóc, hằng ngày ăn chay sám hối cho lỗi lầm con mình gây ra. Một mình tần tảo sớm khuya, cố gắng nuôi con nên người, thế nhưng, cuộc đời người phụ nữ ấy nhận lại chỉ toàn là đắng cay.

Ngày 12-3, Tòa án nhân dân (TAND) thành phố đưa ra xét xử sơ thẩm bị cáo P.T (SN 1989, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) về tội “Giết người”. Tại phiên tòa trên, điều khiến những người dự khán chú ý, xót xa nhất không phải bị hại, cũng không phải bị cáo mà là mẹ của bị cáo - bà T.T.L (SN 1966). Từ ngày con bị bắt giam, bà quyết định xuống tóc, ăn chạy niệm Phật vì luôn trách bản thân đã giáo dục con không tốt.

Nghĩ về cuộc hôn nhân đứt gánh, nghĩ đến đứa con trai vướng vòng lao lý, bà T.T.L càng thấy cuộc đời mình trầm luân trong buồn khổ. Một mình nuôi con, bà rất sợ con thua thiệt, vấp ngã… Do đó, bà phải cố gắng hơn những người phụ nữ khác để các con được ăn học, có việc làm đoàng hoàng. Sau khi con trai tốt nghiệp lớp 12, bà L. cho T. đi học lái xe, rồi vay mượn mua cho con chiếc ô-tô. Từ đó, T. chạy dịch vụ Grab, cuộc sống của ba mẹ con bà L. cũng được gọi là tạm ổn định.

Thế nhưng, niềm vui còn chưa kéo dài được bao lâu thì nỗi buồn thế chỗ. Ngày nhận được tin con đánh chết người, bà L. cứ nghĩ mình đang nghe nhầm, thậm chí khi biết đó là sự thật bà vẫn không muốn đón nhận. “T. vốn là đứa hiền lành từ nhỏ. Từ khi vợ chồng tôi ly hôn, T. bị sốc và có triệu chứng trầm cảm. Dù đã tìm mọi cách nhưng đôi lúc, T. vẫn trở nên nóng nảy, thiếu kiềm chế. Tội của con hôm nay, phần nhiều là do tôi không thể cho con một cuộc sống tốt, một gia đình đầy đủ tình thương”, bà L. tự trách bản thân.

Khi đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố công bố bản cáo trạng, bà L. chăm chú nhìn về phía con, nước mắt rơi lã chã. Theo đó, ngày 25-6-2020, khi chở khách đến kiệt 241 Nguyễn Phước Nguyên (phường An Khê, quận Thanh Khê), T. đậu xe sát vỉa hè trước nhà số 239 và 241 rồi ngồi trong xe đợi đón khách về. Thấy T. đỗ xe trước tiệm cắt tóc của mình, ông N.V.T (SN 1963) đi ra nói T. di chuyển xe lên phía trước để chừa đường cho khách vào cắt tóc. Nghe ông N.V.T nhắc nhở, T. không những không đi mà còn bước ra cự cãi. Lời qua tiếng lại, hai bên lao vào đánh nhau bằng tay không. Tuy nhiên, do tuổi cao sức yếu, ông N.V.T bị T. đánh trúng vào phần thái dương, gục tại chỗ. Được người thân đưa đi cấp cứu lập tức nhưng ông N.V.T vẫn không qua khỏi. Sau đó, T. bị truy tố về tội “Giết người”.

Tại tòa, bà L. ngồi không vững, đôi mắt đỏ hoe liên tục nhìn quanh khán phòng như tìm kiếm sự giúp đỡ. Có lẽ vì thế, gia đình bị hại thương cảm, xin giảm nhẹ hình phạt cho T. “Nỗi đau mất chồng, mất cha của gia đình tôi không thể một lời nói hết. Tuy nhiên, T. còn trẻ, còn tương lai, còn hy vọng. T. lớn lên thiếu tình cảm và sự chăm sóc của cha đã là thiệt thòi, tôi không muốn T. phải mất đi niềm tin vào cuộc sống. Vì vậy, tôi xin Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét tuyên mức án thấp nhất để T. sớm được trở về với mẹ, với em và làm lại cuộc đời…”, bà Đ.T.H.T - vợ của bị hại nói tại tòa.

Sau giờ nghị án, HĐXX TAND thành phố tuyên phạt bị cáo P.T mức án 9 năm tù giam. Khi T. bị các chiến sĩ công an dẫn đi, bà L. chạy theo xin được ôm con 1 lần. Sau đó, bà L. loay hoay lấy trong chiếc túi cũ ra 1 chai sữa và đưa cho con uống... Câu nói “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ” thể hiện rất rõ trong câu chuyện về mẹ con T. Dù con lầm đường lạc lối, người mẹ ấy vẫn luôn yêu thương, tin tưởng và chờ đợi con quay về.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.