Nỗi lòng "con dại, cái mang"

.

Nghe Hội đồng xét xử (HĐXX) đặt câu hỏi: “Trách nhiệm của cha mẹ ở đâu trong việc giáo dục con cái?”, bà B. mới tự trách mình, giá như quan tâm con hơn thì có lẽ lúc này không phải đau lòng chứng kiến cảnh con chịu hình phạt của pháp luật.

Đặt túi đồ lớn cạnh cửa phòng xử hình sự của TAND thành phố Đà Nẵng, bà B. lấy vạt áo lau mồ hôi trên khuôn mặt khắc khổ, sạm đen vì dãi nắng dầm mưa. Không lấy chồng nên bà B. chấp nhận có con với một người đàn ông xa lạ. Thương con trai B.H.N.H (SN 2003, trú huyện Hòa Vang) sinh ra thiếu tình thương của cha, thiệt thòi nên bà B. yêu thương, chiều chuộng con hết mực. Bà cố gắng làm việc, kiếm tiềm lo cho con.

Khi H. biết tự chăm sóc bản thân, bà gửi con cho người thân, đi làm việc ở xứ người. Thời gian đầu, bà thỉnh thoảng về thăm con. Sau này, con ngày một lớn, áp lực kinh tế lại càng đè nặng lên đôi vai, những lần về nhà, những cuộc điện thoại hỏi han thưa dần. Và cứ thế, gánh nặng mưu sinh kéo bà đi mãi, xa dần với con...

Ở lứa tuổi “nổi loạn”, không có người lớn bên cạnh, H. bắt đầu ăn chơi, tụ tập cùng bạn bè quanh xóm. Học hết lớp 6, H. không chịu đến trường, một mực đòi bỏ học đi làm thuê kiếm tiền. Bà B. khuyên ngăn không được đành chiều theo ý con. “Từ bé H. là đứa con ngoan, tôi cũng không rõ nó đi làm gì. Ban đầu nó đi học sửa xe gần nhà rồi theo bạn đi làm ở Quảng Nam. Hỏi thì nó nói đi làm công nhân, hầu như không về nhà. Thỉnh thoảng có gửi tiền tôi, khi vài trăm, lần một vài triệu, kêu từ giờ con nuôi mẹ”.

Nghĩ con chăm chỉ làm ăn, bà B. cũng mừng. Cho đến khi H. liên tiếp bị tòa án tuyên phạt 9 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” rồi tới tội “Giết người”... Chẳng là hôm ấy, anh V.H.A (SN 1982, trú huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) nhậu với nhóm công nhân ở công trình tại quận Cẩm Lệ. Sau cuộc nhậu, anh A. xảy ra mâu thuẫn và bị đánh. Ấm ức nên anh A. gọi điện về nhà kể cho vợ là N.T.T (trú huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) nghe. Ngay lúc đó, chị T. huy động lực lượng mang theo hung khí, từ Quảng Nam ra Đà Nẵng đòi công bằng cho chồng.

Biết được chị T. cùng 6 anh em của mình ra tới Đà Nẵng, H. liền nhập hội, tham gia đi đánh nhau. Trong lúc cả nhóm hỗn chiến, H. chém trúng đầu khiến anh L. gục tại chỗ. Hậu quả L. bị rạn xương đầu, thương tích 11%. Suốt cả phiên tòa, bà B. cũng như cha mẹ của 6 bị cáo khác đều tỏ thái độ bức xúc, phẫn nộ khi nghĩ chính bị cáo T. xúi bậy con mình vào con đường tội lỗi. Nhưng rồi họ lại chết lặng khi nghe các con gọi T. bằng tiếng “mẹ nuôi”.

“Trong thời gian đi làm thuê, bị cáo được mẹ T. quan tâm, chăm sóc, cho ăn ở như con cái trong nhà. Bị cáo cũng xem T. như mẹ, các anh chị em như ruột thịt nên khi biết mẹ nuôi ra đưa ba A. về, bị cáo không suy nghĩ nhiều, tham gia liền…”, H. nói.

Đứng cạnh con, trái tim bà B. như có ai đó bóp chặt, cổ họng nghẹn đắng, lúng túng trình bày: “Thưa quý tòa, trước hết tôi xin nhận lỗi của mình. Vì gia đình khó khăn, tôi làm ăn xa, cả năm đầu tắt mặt tối, không có thời gian quan tâm cháu…”.

“Chị có biết trách nhiệm, nghĩa vụ của cha mẹ trong việc nuôi dạy con? Đặc biệt một số bị cáo ở đây chưa đủ 18 tuổi, bị cáo nhỏ tuổi nhất chỉ mới 15. Đây là lứa tuổi trẻ vị thành niên, dễ bị lôi kéo, có những hành vi không kiểm soát, các con cần có người lớn bên cạnh điều chỉnh, hướng dẫn… Con đi đâu, làm gì cũng không biết, chị lấy lý do bào chữa cho rằng con còn nhỏ nên không hiểu? Nhỏ thì phải có sự giáo dục của gia đình, cha mẹ, bởi giáo dục gia đình là nền tảng hình thành nhân cách con người. Người lớn nên xem xét lại trách nhiệm của người làm cha mẹ”, chủ tọa nói lớn.

Nghe tới đây, bà B. chỉ biết nấc lên từng tiếng xót xa: “Tất cả là lỗi của tôi. Con dại, cái mang, tôi cố gắng dành dụm tiền để bồi thường chi phí điều trị cho anh L. Tôi xin chịu tội thay con, chỉ mong gia đình anh L. tha lỗi cho con, HĐXX giảm nhẹ hình phạt”.

Sau quá trình xét xử, HĐXX quyết định mức hình phạt mà các bị cáo phải chịu tổng cộng 46 năm 6 tháng tù. Trong đó, bị cáo N.T.T là người chủ mưu, rủ rê các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội chịu mức án cao nhất 7 năm 6 tháng tù. Bị cáo H. trực tiếp thực hiện hành vi chịu mức án 7 năm tù. Bước ra phòng xử, bà B. vội vã chạy theo con trai trước khi con bị giải lên xe. Cả hai cùng khóc, chiếc xe vụt ra khỏi cổng để lại trong bà sự tiếc nuối, dằn vặt bản thân.

Đối với cuộc đời bà H. lúc này, nỗi đau thực sự chạm đáy. Chỉ trong chốc lát, bà trở thành người phụ nữ đơn độc, còn rất lâu hai mẹ con mới đoàn tụ. Nhưng vì con, bà cố gắng mỉm cười, nguyện gánh những sai lầm để con có chỗ dựa sau lần vấp ngã. Chỉ hy vọng, thời gian chấp hành hình phạt sẽ giúp các bị cáo học cách kiềm chế bản thân tốt hơn, tránh những sai phạm đáng tiếc… Khi con vướng vào vòng lao lý, các bậc sinh thành mới thấm thía lời nhắc nhở dù quen nhưng chưa bao giờ cũ: hãy quan tâm con cái trước khi quá muộn.

MỘC LAN

;
;
.
.
.
.
.