Pháp luật

Phòng, chống tội phạm công nghệ cao

06:22, 13/09/2022 (GMT+7)

Cũng như nhiều địa phương trên cả nước, tình hình tội phạm công nghệ cao tại Đà Nẵng đang có xu hướng phức tạp, gia tăng về số lượng vụ việc với các phương thức lừa đảo tinh vi, xảo quyệt. Nhiều người dân sập bẫy lừa đảo với số tiền bị chiếm đoạt lớn. Trước thực trạng trên, lực lượng chức năng thành phố chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm tội phạm sử dụng công nghệ cao, góp phần giữ vững trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Công an quận Cẩm Lệ tổ chức tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên trên địa bàn trong việc nâng cao ý thức cảnh giác đối với tội phạm công nghệ cao. Ảnh: Công an quận Cẩm Lệ cung cấp
Công an quận Cẩm Lệ tổ chức tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên trên địa bàn trong việc nâng cao ý thức cảnh giác đối với tội phạm công nghệ cao. Ảnh: Công an quận Cẩm Lệ cung cấp

Bài 1: “Ma trận” lừa đảo trên không gian mạng

Công nghệ thông tin, mạng xã hội ngày càng phát triển tác động tích cực đến mọi lĩnh vực đời sống. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, nguy cơ xâm phạm an ninh, lợi ích của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng luôn thường trực, để lại hậu quả nghiêm trọng. Trong khi đó, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng sử dụng không gian mạng phạm tội rất tinh vi, khó phát hiện, kiểm soát. Thực tế cho thấy, rất nhiều người dân đã bị lừa đảo trên không gian mạng với số tiền bị chiếm đoạt từ chục triệu đến hàng tỷ đồng.

Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp

Theo Thượng tá Lê Cao Tâm, Trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố, mặc dù cơ quan chức năng thường xuyên cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm công nghệ cao, tuy nhiên, người dân vẫn chủ quan và nhiều trường hợp sập bẫy của các đối tượng này. Thời gian qua, Công an thành phố và các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương thường xuyên nhận được rất nhiều đơn trình báo bị chiếm đoạt tài sản liên quan đến các vụ việc lừa đảo do tội phạm công nghệ cao gây ra.

Đa phần các đối tượng tội phạm đánh vào tâm lý hám lợi, mất cảnh giác của nạn nhân, điển hình là hình thức lừa đảo “Tuyển cộng tác viên làm việc tại nhà”.

Ông L.T.L (SN 1988, trú huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đến Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Cẩm Lệ trình báo vụ việc bị đối tượng N.T.K.N (SN 1992, trú phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) lừa đảo chiếm đoạt số tiền 200 triệu đồng. Cụ thể, thông qua mạng xã hội, ông L.T.L quen biết và bị đối tượng N.T.K.N dụ dỗ đăng ký làm cộng tác viên cho “trang Tikishop”. Sẵn đang thất nghiệp, công việc lại không cần nhiều vốn và kinh nghiệm nên ông L.T.L đồng ý.

Công việc của ông L.T.L là đặt hàng được chỉ định trên “trang Tikishop”, sau đó chuyển tiền giá trị của sản phẩm cho số tài khoản có sẵn nhưng không nhận hàng. Sau ít phút, ngoài nhận lại được số tiền đã chuyển, ông L.T.L còn cộng thêm 20% tiền “hoa hồng”. Tuy nhiên, khi giá trị đơn hàng tăng dần từ 3 triệu đến 80 triệu đồng, ông L.T.L không thể rút lại tiền gốc cũng như tiền “hoa hồng”.

Trong khi đó, đối tượng N.T.K.N liên tục hối thúc ông L.T.L tiếp tục nạp tiền vào tài khoản được chỉ định, nếu không sẽ mất tất cả số tiền đặt cọc trước đó. Vì tiếc tiền, ông L.T.L vay mượn người thân, “vay nóng” và nhiều lần nạp vào tài khoản với tổng số tiền 200 triệu đồng. Đến khi không đủ khả năng tiếp tục nạp tiền, ông L.T.L mới tá hỏa phát hiện mình đã bị lừa. Lúc này, đối tượng N.T.K.N cũng chặn tất cả liên hệ với ông L.T.L.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Quế (SN 1975, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) chia sẻ về việc thường xuyên nhận được cuộc gọi từ số lạ xưng là cảnh sát giao thông. Đối tượng liên tục thông báo bà Quế điều khiển ô-tô vi phạm luật giao thông, bị phạt nguội và yêu cầu “người vi phạm” chuyển tiền vào tài khoản lạ hoặc cung cấp mật khẩu tài khoản ngân hàng để nộp phạt. Trong khi đó, gia đình bà Quế không có ô-tô và bản thân bà chưa có bằng lái xe ô-tô.

Khi bà Quế bày tỏ nghi vấn lừa đảo và cho rằng mình không vi phạm thì đối tượng lạ liền tỏ thái độ đe dọa, tiếp tục dùng những đầu số khác nhau gọi điện làm phiền. “Trong tháng 8-2022, tôi đã nhận được 4 cuộc gọi liên quan đến vấn đề nêu trên. Không hiểu vì sao các đối tượng này có số điện thoại của tôi để liên lạc và yêu cầu nộp phạt”, bà Quế nói.

Nạn nhân tham gia hình thức “Tuyển cộng tác viên làm việc tại nhà” đến Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Hòa Vang trình báo do bị lừa đảo. Ảnh: N.QUANG
Nạn nhân tham gia hình thức “Tuyển cộng tác viên làm việc tại nhà” đến Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Hòa Vang trình báo do bị lừa đảo. Ảnh: N.QUANG

Phương thức, thủ đoạn tinh vi

Theo Đại úy Nguyễn Ngọc Tâm, Đội phó Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Cẩm Lệ, tội phạm công nghệ cao sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi gây không ít khó khăn cho lực lượng Công an. Cụ thể, các đối tượng sử dụng phần mềm công nghệ cao “Voice over IP” có chức năng giả mạo đầu số, sau đó, giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện cho người dân thông báo có liên quan đến các vụ án hình sự, ma túy, tai nạn giao thông,…; gây sức ép yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản lạ để phục vụ điều tra, xác minh, sau đó chiếm đoạt.

Bên cạnh đó, nhiều đối tượng lập các website đầu tư tài chính, các ứng dụng có giao diện tương tự đầu tư tài chính quốc tế, sau đó sử dụng nhiều thủ đoạn để thu hút, lôi kéo nhiều người tham gia. Sau một thời gian, sàn giao dịch thông báo dừng hoạt động để bảo trì hoặc lỗi không thể truy cập, khách hàng không đăng nhập được để rút tiền hoặc bị mất hết tiền trong tài khoản. Ngoài ra, nhiều tội phạm thực hiện hành vi chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội, sau đó, tạo ra các tin nhắn đến danh sách bạn bè của người bị hại để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo Thiếu tá Lê Trần Bá Đức, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Hòa Vang, tình hình tội phạm công nghệ cao trên địa bàn thời gian qua có chiều hướng gia tăng. Nhiều người bị chiếm đoạt số tiền lớn, chủ yếu là công nhân, sinh viên, người lớn tuổi và người cần tìm việc làm sau Covid-19. Đối tượng tội phạm lợi dụng sơ hở của người dân trong việc chia sẻ hình ảnh căn cước công dân, hộ khẩu lên mạng xã hội, sau đó lấy cắp thông tin cá nhân bán cho đối tượng khác làm giả giấy tờ để mở tài khoản nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các khoản vay vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính.

“Hiện nay, việc lập tài khoản tại một số ngân hàng còn lỏng lẻo và có trường hợp để lộ thông tin khách hàng từ các ngân hàng. Khi tội phạm sử dụng các tài khoản ngân hàng có lai lịch nhân thân không rõ ràng để chuyển tiền sẽ gây khó khăn cho công tác điều tra, phá án. Chính vì vậy, các ngân hàng nên có quy trình nghiêm ngặt hơn trong việc mở tài khoản, từ đó sẽ tạo thuận lợi cho quá trình điều tra, truy soát của cơ quan công an”, Thiếu tá Đức chia sẻ.

Theo Thượng tá Lê Cao Tâm, phần lớn những người cho thuê, cho mượn thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng không biết việc sử dụng thông tin, tài khoản để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Mặc dù vậy, có trường hợp dù biết rõ nhưng vì hám lợi vẫn tiếp tay, tạo cơ hội cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.

“Trước tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp, khó lường, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, người dân cần chủ động nắm bắt thông tin, nâng cao cảnh giác. Khi phát hiện tội phạm có dấu hiệu lừa đảo phải nhanh chóng thông báo cho lực lượng công an kịp thời điều tra, xử lý”, Thượng tá Lê Cao Tâm khuyến cáo.

NGỌC QUỐC - NGUYỄN QUANG

.