Pháp luật

Cảnh báo tình trạng chó thả rông

15:27, 23/04/2023 (GMT+7)

ĐNO - Gần đây, ở một số tuyến đường như đường Phạm Ngọc Thạch, Hoàng Tích Trí, Đức Lợi 1, Quang Trung... (quận Hải Châu), liên tiếp xảy ra tình trạng chó thả rông, không rọ mõm cắn người gây thương tích.

Tình trạng dắt chó đi dạo, chó thả rông không rọ mõm vẫn đang diễn ra trên tuyến đường Như Nguyệt, Bạch Đằng...
Tình trạng dắt chó đi dạo, chó thả rông không rọ mõm vẫn đang diễn ra trên tuyến đường Như Nguyệt, Bạch Đằng... tiềm ẩn nguy cơ xảy ra việc chó cắn người đi đường.

Bà Lê Thị V. (trú tại phường Thuận Phước) hiện đang không khỏi bàng hoàng sau khi bị chó cắn lúc đang đi gom nhặt phế liệu.

Theo chị V. thì vào chiều 17-4,  trong lúc gom nhặt phế liệu cho tổ dân phố để gây quỹ từ thiện tại đường Hoàng Tích Trí (phường Thuận Phước) thì vô tình bị một con chó hiện được một hộ gia đình nuôi cắn vào chân trái. May mắn thay chủ hộ vừa mới đi tiêm phòng dại cho chó nên không xảy ra trường hợp đáng tiếc.

Trường hợp khác từ chị Hoàng Thị H. (trú tại đường Phạm Ngọc Thạch, phường Thuận Phước) vô tình bị chó của một hộ gia đình hàng xóm cắn vào chân trong lúc người này đang vào nhà hỏi thăm. Vết thương sâu khiến chị H. rất đau đớn và liền lập tức cùng người xung quanh sơ cứu, rửa sạch vết thương bằng dung dịch y tế và đưa đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng để cấp cứu.

Tại trung tâm trên, hai trường hợp bị chó cắn được tư vấn, hướng dẫn các bước triển khai phương án phòng ngừa bệnh dại một cách cụ thể.

Theo Bác sĩ Huỳnh Đức Nghĩa, công tác tại Phòng khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng cho biết: "Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên khi bị chó, mèo, động vật có vú... cắn, cào thì mọi người phải rửa vết thương bằng xà phòng, sát trùng vết thương bằng các dung dịch y tế sau đó khẩn cấp đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế gần nhất. Hãy đưa động vật đi tiêm phòng trước khi xảy ra các sự việc đáng tiếc, bởi vì hiện bệnh dại vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu".

Ngoài ra, theo ghi nhận tại Công viên 29-3, Công viên Thanh Niên..., có nhiều người dân dẫn chó đi dạo nhưng không đeo rọ mõm... Tình trạng này không những dễ xảy ra các vụ việc đáng tiếc cho người mà còn làm mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Trước đó, tình trạng chó thả rông cũng được Báo Đà Nẵng phản ánh tại các tuyến đường thuộc địa bàn phường Thuận Phước, phường Hải Châu I. Sau khi nhận được phản ánh, chính quyền các phường đã rà soát, tuyên truyền chủ hộ xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, bảo đảm vệ sinh môi trường. Đồng thời yêu cầu viết cam kết đối với chủ hộ nuôi chó không được phóng uế gây mất vệ sinh, ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân trong khu vực.

Theo ông Nguyễn Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Phước thông tin, phường đã có những phương án kiểm tra, nhắc nhở các hộ gia đình nuôi nhốt chó trong khuôn viên cũng như viết cam kết đối với chủ hộ nuôi chó không được phóng uế gây mất vệ sinh, ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân trong khu vực.

Ngoài ra, theo báo cáo từ UBND phường thuận Phước, từ đầu năm 2023 đến nay, phường đã triển khai tiêm phòng dại cho 620 cá thể chó, mèo ở trên địa bàn phường.

Cũng về vấn đề tiêm phòng, bà Phạm Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1 cho biết, UBND phường đã tiêm phòng cho 321/344 cá thể chó, mèo cùng những động vật có nguy cơ lây nhiễm bệnh dại trên địa bàn.

"Thời gian tới, phường sẽ tiếp tục cập nhật và lên danh sách tiêm phòng cho tất cả các cá thể chó, mèo; phát tờ rơi tuyên truyền về mức độ nguy hiểm mà bệnh dại gây ra; thành lập tổ bắt chó, mèo thả rông trên địa bàn phường...nhằm bảo đảm không có sự việc đáng tiếc nào xảy ra", bà Thủy cho biết thêm.

Cần phải có những biện pháp xích, nhốt, rọ mõm... chó, mèo để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc.
Cần phải có những biện pháp xích, nhốt, rọ mõm... chó, mèo để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc.

Theo quy định mới tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP, mức phạt với hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng đã tăng. Việc thả rông vật nuôi như chó, mèo… trong chung cư hay công viên có thể bị phạt đến 500.000 đồng. Trường hợp chủ để vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác có thể bị phạt 1- 2 triệu đồng.

HIỀN NHÂN

.