Pháp luật
Bài 2: Đi tìm nguyên nhân
6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn thành phố xảy ra 88 vụ việc có người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật, với tổng số 279 trường hợp (272 nam và 7 nữ). So với 6 tháng đầu năm 2022, tăng 27 vụ/76 trường hợp. Đáng chú ý, địa bàn, tính chất, hành vi vi phạm ngày càng nguy hiểm, tập trung ở nhóm hành vi giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản… Hầu hết trường hợp vi phạm đã nghỉ học, sống lang thang hoặc thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình, nhà trường; có mối quan hệ xã hội phức tạp với nhiều thành phần, đối tượng hình sự, sử dụng các loại chất gây nghiện, chất kích thích…
Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố phát hiện, ngăn chặn nhóm thanh - thiếu niên điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng và sử dụng hung khí để gây rối trật tự công cộng tại đường Võ Chí Công (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ). Ảnh: LÊ HÙNG |
Thiếu sự quan tâm từ gia đình
Theo Thượng tá Trần Cảnh, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố, thời gian qua, trên địa bàn thành phố nổi lên một số hiện tượng vi phạm pháp luật có nguy cơ trở thành trào lưu, xu hướng tiêu cực để thể hiện bản thân của một bộ phận giới trẻ. Đáng chú ý như tình trạng thanh - thiếu niên sử dụng mô-tô vi phạm trật tự an toàn giao thông và không chấp hành hiệu lệnh, chống đối, chống người thi hành công vụ; tự chế tạo hoặc mua sắm các loại hung khí mang theo khi tham gia giao thông hoặc sử dụng để quay tiktok và tham gia đánh nhau, giải quyết mâu thuẫn bất chấp hậu quả.
Bên cạnh đó, sử dụng mô-tô, xe gắn máy độ chế, tụ tập “biểu diễn”, gây rối, lạng lách, đua xe trên các tuyến phố và quay clip, livestreams lên các trang mạng; tham gia hoặc tự lập các hội, nhóm trên mạng xã hội, rủ rê tụ tập, phân chia địa bàn, phô trương hội, nhóm… Những thực trạng này đang trở thành vấn đề đáng báo động về việc quản lý, giáo dục con em trong gia đình và xã hội và có nguy cơ trở thành “nguồn” đa dạng dẫn đến nhiều hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật.
Thượng tá Trần Cảnh cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng người chưa thành niên phạm tội phần lớn do môi trường giáo dục từ gia đình. Một số gia đình buông lỏng việc quản lý, giáo dục con cái, phó mặc cho xã hội. Trường hợp này thường rơi vào các gia đình có kinh tế khó khăn, phát sinh mâu thuẫn, bố mẹ ly hôn. Một số gia đình nuông chiều con cái thái quá dẫn đến việc đua đòi ăn chơi, bước vào con đường phạm tội, hoặc ngược lại có cha mẹ không hiểu biết tâm lý lứa tuổi nên áp dụng các biện pháp giáo dục hà khắc, thậm chí đánh đập, không quan tâm quản lý, giáo dục con cái mà ỷ lại nhà trường, xã hội nên không phát hiện kịp thời những biểu hiện bất thường của con như: bỏ học, đi lang thang, nghiện hút, nghiện game online.
Thậm chí, nhiều gia đình còn bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật của con em mình, từ đó trẻ vị thành niên có các thói quen ỷ lại dẫn đến tình trạng ngày càng lún sâu vào con đường phạm pháp. “Trẻ vị thành niên đang ở độ tuổi tâm sinh lý thay đổi, ham thích cái mới, muốn khám phá cái lạ lẫm, dễ học đòi và dễ bị lôi kéo. Từ tác động của nhiều yếu tố tiêu cực bên ngoài, một số trường hợp hình thành nên những tính cách xấu như: ích kỷ, hẹp hòi, bất cần, lười nhác, thích hưởng thụ... và tự đi vào con đường phạm tội như gây rối, trộm cắp, cướp giật để thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Từ thực trạng cho thấy tình hình tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp có thể tiếp tục gia tăng với tính chất, mức độ nghiêm trọng”, Thượng tá Trần Cảnh nói.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Tuấn Lợi, Đoàn Luật sư thành phố nhìn nhận, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thanh - thiếu niên vi phạm pháp luật gia tăng là do thiếu sự giám sát, quan tâm, buông lỏng quản lý, giáo dục của gia đình. “Những thanh - thiếu niên phạm tội, vi phạm pháp luật thường không được gia đình giáo dục, giám sát đến nơi đến chốn. Cũng có thể có gia đình khó khăn, cha mẹ phải kiếm sống nên thiếu sự quan tâm hoặc cha mẹ ly hôn. Không loại trừ những gia đình khá giả, cha mẹ lo làm ăn kinh tế, nuông chiều, không dành thời gian chăm sóc con em mình. Đặc biệt, ở lứa tuổi vị thành niên, các em chưa nhận thức được việc làm của mình nên hành động phạm tội của các em thường dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng”, luật sư Lợi nói.
Theo Phó Bí thư Thành Đoàn Nguyễn Thị Anh Thảo, các vụ việc xảy ra trên địa bàn thành phố thời gian qua cho thấy, những thanh - thiếu niên tham gia gây rối, đánh nhau đều còn rất trẻ, nhiều trường hợp 14-15 tuổi. Hoàn cảnh gia đình của các thanh - thiếu niên này đa phần bị khiếm khuyết, cha mẹ ly hôn, ly thân hoặc đi làm ăn xa không ai quản lý, chăm sóc…
Tác động từ mặt trái của mạng xã hội
Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan đến từ bản thân và gia đình, một trong những nguyên nhân quan trọng khác tác động đến hành vi của thanh - thiếu niên là những tác động của mặt trái của mạng xã hội. Thượng tá Trần Cảnh cho rằng, các trang mạng xã hội phát triển mạnh, tạo điều kiện cho các em dễ dàng tiếp cận những trò chơi, phim ảnh có nội dung bạo lực. Những trang mạng có nội dung xấu, cổ súy cho hành vi tiêu cực trong xã hội nên dần hình thành cách suy nghĩ lệch lạc so với chuẩn mực đạo đức xã hội, kéo theo việc các em thực hiện các hành vi nguy hiểm cho xã hội. Bên cạnh đó, do các em chưa được trang bị kiến thức cơ bản để tự phòng ngừa các thông tin, hình ảnh xấu, độc hại trên mạng nên có nguy cơ tiếp cận các hình ảnh bạo lực, phản cảm, qua đó lập các nhóm kín để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí đăng tải, khoe khoang, coi đây là thành công của bản thân…
Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia tội phạm học, Phó viện trưởng Viện an ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhìn nhận thực tế gần đây, không chỉ tại Đà Nẵng mà hầu hết các địa phương đều xuất hiện hiện tượng xã hội khá phổ biến, đó là hình ảnh hàng chục thanh - thiếu niên di chuyển bằng xe máy, mang theo hung khí “nóng” diễu phố. Đây không phải là hành vi có tổ chức theo kiểu băng, nhóm mà là hành động tự phát do tâm lý lứa tuổi - thích phiêu lưu, mạo hiểm, chưa hoàn thiện nhân cách, dễ bị kích động, lôi cuốn theo hiện tượng xã hội. “Thanh - thiếu niên ở tuổi mới lớn thường có xu hướng kết bạn, thể hiện bản thân trên mạng xã hội mà không cần nghĩ đến hậu quả.
Đây chính là một trong những mặt trái của mạng xã hội đối với lứa tuổi thanh- thiếu niên, đặc biệt lứa tuổi vị thành niên”, Đại tá Thìn nói. Đồng thời cho biết, việc thanh - thiếu niên ở Đà Nẵng hay bất cứ địa phương nào cùng mang theo một loại hung khí là dao phóng lợn đi hỗn chiến, “diễu phố” cũng xuất phát từ tâm lý lứa tuổi. PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, cùng với lên án, áp dụng chế tài của pháp luật; mỗi gia đình phải là một “pháo đài” ngăn chặn các hành vi bột phát mà không nghĩ đến hậu quả của lứa tuổi mới lớn khi tham gia vào hội, nhóm trên mạng. Báo chí, truyền thông cũng cần lan tỏa những hành động tốt - đặc biệt cảnh báo những cái giá phải trả cho những hành động thiếu cân nhắc, thiếu suy nghĩ của thanh - thiếu niên.
LÊ HÙNG - NGỌC KHÁNH