Ký sự pháp đình
Đồng tiền và sự đánh đổi
Không làm chủ được bản thân trước ma lực của đồng tiền, bị cáo đã đánh đổi không chỉ tự do của mình mà còn cả tuổi thơ thiếu thốn tình thương của con trẻ...
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
1. Một ngày cuối tháng 8, chiếc xe chuyển tù nhân đỗ ở sân TAND thành phố. Người đàn ông trung niên với đôi mắt hoe đỏ, cúi gằm mặt, thẫn thờ bước chậm từng nhịp vào phòng xử án. Đó là bị cáo L.V.L (SN 1974, quê tỉnh Kon Tum), ra tòa với tội danh “Vận chuyển trái phép chất ma túy”.
Bước vào chỗ ngồi của bị cáo, L. gục trên bàn khai báo, bàn tay to bè che kín gương mặt sạm đen, khắc khổ. Chỉ mới 44 nhưng người đàn ông này già hơn rất nhiều so với tuổi. Mái tóc lốm đốm sợi bạc, đuôi mắt hằn vết chân chim. Phiên tòa bắt đầu, bị cáo dùng hai tay tựa vào chiếc bàn, từ từ đứng dậy khi hội đồng xét xử (HĐXX) bước ra. Lời chủ tọa vang lên: “Vì lý do sức khỏe, trong quá trình diễn ra phiên tòa, cho bị cáo được ngồi để trả lời”.
Khi nghe công bố cáo trạng, bàn tay L. run rẩy bấu chặt vào vạt áo nhăn nheo. Trước tòa, bị cáo kể mình là người nghèo khổ, chỉ vì không làm chủ được bản thân trước cám dỗ của ma lực đồng tiền mà đánh liều “gật đầu” nhận lời vận chuyển ma túy. Chừng như chứng thực cho lời khai rệu rã của bị cáo, gấu quần nhàu nhĩ, bạc phếch của L. hơi run rẩy dưới chiếc bàn.
2. Bị cáo chào đời đã gắn liền với sự khốn khó. Cha mẹ bị cáo trầy trật mưu sinh cũng chỉ có thể cố gắng cho con học hết lớp một để biết chữ, biết số. Thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của mẹ cha và kinh tế kiệt quệ của gia đình, từ thuở nhỏ, L. đã chăm chỉ lao động. Ai thuê làm gì thì L. làm cái đó, không nề hà cực nhọc, vất vả. Nắng chói trên đầu, L. cũng mặc; mưa chảy ướt vai, L. cũng ráng. Vậy mà, cái nghèo vẫn đeo bám dai dẳng.
Đã vậy, tai ương còn bất ngờ đổ ập xuống. Trong một lần đi bốc vác, L. bị thanh sắt rơi trúng chân để lại thương tích. Đồng lương ít ỏi bữa có bữa không nay vì sức khoẻ L. giảm sút lại càng eo hẹp. Nhiều lần, L. cầm tiền công trên tay mà ướt đẫm nước mắt khi nghĩ đến thùng gạo đã cạn khô và 3 đứa con nheo nhóc đang tuổi ăn tuổi lớn.
Thế rồi, trong quá trình làm nghề bốc vác tại bến bến xe Kon Tum (tỉnh Kon Tum), L. quen biết với một người đàn ông tên Hải (chưa rõ nhân thân, lai lịch) và được người này thường xuyên giúp đỡ. Vậy nên, ngày 13-1-2018, khi Hải thuê vận chuyển ma túy từ thành phố Hải Phòng đến bến xe Kon Tum với tiền công 8 triệu đồng, L. ngần ngừ một lúc rồi nhận lời.
Một tuần sau, L. nhận trước 4 triệu đồng và đón xe đi Hải Phòng. Hôm sau, theo số điện thoại mà Hải cho, L. liên lạc với một phụ nữ lạ mặt để nhận hàng. Khi gặp, người phụ nữ yêu cầu L. liên lạc với vợ - chị N.T.V để lấy tiền. Cùng lúc này, tại Kon Tum, một người phụ nữ khác đưa cho V. 20 triệu đồng để chuyển tiền cho chồng. Thắc mắc về khoản tiền lớn, V. hỏi thì L. nói là tiền mượn nên V. năn nỉ người phụ nữ cho 1 triệu đồng để nuôi con. Sau đó, V. chuyển cho chồng 19 triệu đồng.
Tại bến xe thành phố Hải Phòng, sau khi giao số tiền này, L. nhận thùng hàng có chứa ma túy và yêu cầu phụ xe chuyển vào gầm xe khách. Đến khoảng 9 giờ sáng 22-8, tại Bến xe Trung tâm thành phố Đà Nẵng, L. bị cơ quan chức năng bắt quả tang vì hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Số ma túy thu giữ là 150,72g (loại heroin).
3. “Cuộc sống chật vật, ngặt nghèo quá nên bị cáo mới làm liều. Bị cáo sai rồi”, L. rấm rức biện minh cho hành vi nông nổi của mình. Giờ nghị án, L. lại áp mặt xuống bàn, bờ vai không ngừng rung lên. Thế nhưng, những giọt nước mắt hối lỗi muộn màng không thể giúp L. ngược về quá khứ để lựa chọn làm lại.
Sau quá trình xét hỏi, phát biểu quan điểm luận tội, vị kiểm sát viên đề nghị thay đổi tội danh của bị cáo, chuyển từ tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” sang “Mua bán trái phép chất ma túy”. HĐXX cho rằng L. biết việc Hải mua bán ma túy nhưng vẫn giúp sức nên tuyên phạt L. 18 năm tù.
Nhìn bóng dáng liêu xiêu muốn quỵ ngã của bị cáo giữa sân tòa, lại chua xót nghĩ về hình ảnh người phụ nữ ôm 3 đứa trẻ thơ dại ngóng đợi nơi bậc cửa nhà... Gia đình vốn đã ngặt nghèo, nay lại vắng đi trụ cột lao động, tổ ấm ấy liệu có thể trụ vững qua 18 năm?!
KHA MIÊN