Pháp luật
Cái giá của bạo lực
Mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Nhưng không phải ai cũng có thể giải quyết mâu thuẫn một cách khéo léo, mềm dẻo và thỏa đáng. Những phận người vướng vòng lao lý chỉ vì “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” vừa được TAND hai cấp thành phố Đà Nẵng đưa ra xét xử trong thời gian qua là bài học đắt giá.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
“Yên hùng lửa rơm”
Trong quá trình sống cùng nhà trọ, anh N.V.L nảy sinh mâu thuẫn với ba anh em ruột P.V.X, P.V.H (SN 1988), P.V.D (SN 1991, quê Đăk Lăk). Rạng sáng 12-10-2017, anh L. bị X., H., D. đánh nên không dám về nơi ở. Tối cùng ngày, muốn lấy quần áo cho con, anh L. đã rủ theo anh N.C.T và anh N.L.T.A đi cùng để yểm trợ.
Tưởng đâu mọi chuyện sẽ được “dĩ hòa vi quý”. Nào ngờ, căng thẳng giữa đôi bên trầm trọng hơn. Đến trước nhà trọ, khi anh L. đang kể với hai người bạn về mâu thuẫn giữa đôi bên, D. đang ở trên tầng 2 của ngôi nhà nói vọng xuống: “Thích thì chơi luôn!”. Có quen biết nhau, anh T. nói lại: “Út, mày xuống đây, chém chết mày luôn!”.
Tức giận, D. vào trong nhà nói to: “Tụi nó kéo đến đòi chơi anh em mình”. Khi nhìn thấy nhóm của D. mở cửa đi ra, anh T. vội vàng mở cốp xe, lấy ra một cây mã tấu và chém trúng một người. Sau đó, anh T. tiếp tục cầm mã tấu đuổi đánh người khác. Thấy vậy, H. lấy một thanh gỗ đuổi theo, đánh anh T. gục ngã. Sau khi đánh thêm 1 cái vào lưng của anh T., H. cầm cây gỗ đã gãy đôi đuổi đánh anh L. Thấy vậy, D. cầm một cây gỗ khác chạy theo hỗ trợ nhưng không được nên quay về, dùng cây gỗ đánh một cái vào chân anh T.
Tại phiên xử, H. lúng búng giãi bày về hành vi nông nổi của mình như sau: “Bị cáo thấy anh T. cầm mã tấu chém người nhà của mình nên muốn giải vây thôi. Bị cáo không ngờ…”. Trong khi đó, D. rưng rức khóc: “Vì anh T. hăm dọa bị cáo nên bị cáo tức. Nhưng bị cáo chỉ đánh có một cái thôi…”.
Hội đồng xét xử phân tích cho H.: “Có rất nhiều cách để giải vây cho người thân của mình trong ôn hòa, sao bị cáo lại không dùng để rồi phải đánh đổi tuổi trẻ của mình. Bị cáo có nuối tiếc không? Bị cáo nói giải vây, tại sao khi bị hại đã gục ngã, bị cáo còn tiếp tục đánh? Nếu ai cũng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực như bị cáo thì xã hội này sẽ đi về đâu?”. Quay qua D., hội đồng xét xử nói: “Còn D., bị cáo có nhận ra lỗi của mình không? Nếu như bị cáo không lớn tiếng thách thức, kìm hãm cơn giận của mình, lẽ ra, mọi chuyện đã có thể khác đi...”.
Nghe hội đồng xét xử phân giải thiệt hơn, cả hai đều cúi gằm mặt. Những đôi bàn tay bối rối khi thì siết chặt vào nhau, khi lại lúng túng vò nát vạt áo. Nói lời sau cùng, cả hai rưng rức xin lỗi, bày tỏ nỗi ăn năn muộn màng và mong muốn nhận mức án nhẹ để sớm làm lại cuộc đời. Cái giá của bạo lực trong vụ án này là anh T. mang thương tích 62%, phải lắp một mắt giả, còn H. lãnh 5 năm tù, D. lãnh 33 tháng tù cùng về tội “Cố ý gây thương tích”.
Bỏ quên tình thân
Vụ việc thứ hai, mâu thuẫn lại xuất phát từ… bàn nhậu. T.C.C (SN 1975, ngụ quận Hải Châu) là anh em con cô cậu với B.Đ.M.S (SN 1999, ngụ quận Thanh Khê). Tối 20-5-2017, trong lúc ngồi uống bia, cả hai nảy sinh mâu thuẫn nên xông vào đánh nhau. Được người nhà can ngăn, S. bỏ về, còn C. quay lại quán nhậu tiếp. Khoảng 5 phút sau, thấy S. trở lại, C. nhặt một mảnh thủy tinh bể rồi đi ra ngoài. Cả hai tiếp tục lao vào đánh nhau. Trong lúc vật lộn, C. dùng mảnh thủy tinh đâm S. 2 nhát.
Trước tòa, vị chủ tọa đau đáu: “Bị cáo với bị hại đều là chỗ bà con thân tình, có mâu thuẫn thì anh em ngồi lại với nhau, nhẹ nhàng phân tích phải trái. Bị cáo cũng lớn hơn bị hại 24 tuổi, lẽ ra, phải chín chắn, suy nghĩ thấu đáo hơn.
Đằng này, khi mọi người đã can ngăn rồi, bị cáo còn hành xử nông nổi. Giả dụ như hậu quả đáng tiếc hơn xảy ra, bị cáo nghĩ thế nào?”. Cúi gằm mặt, C. rưng rưng, gửi lời xin lỗi đến gia đình bị hại và tha thiết mong hội đồng xét xử cho mình một cơ hội để sửa sai.
Cơn giận nông nổi làm bị hại mang thương tích 15%, khiến bị cáo lãnh mức án 2 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” dù bị hại đã có đơn xin xem xét cho bị cáo được hưởng án treo.
Hai vụ án trên đây chỉ là số ít trong các vụ việc giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Có thể thấy, bạo lực chưa bao giờ là phương án tốt để giải quyết mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống. Những vụ án trên đây là bài học sâu sắc để mỗi người tự soi rọi và học cách kiểm soát cảm xúc của bản thân và cân nhắc hướng xử lý khi giải quyết hiềm khích để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra!
NAM BÌNH