Pháp luật
Nguồn cơn của lao lý
Không ít vụ án nảy sinh từ việc không kiểm soát được cơn giận, dù chỉ là những việc rất nhỏ từ cuộc sống thường nhật. Thế nhưng, nguyên nhân của cơn giận trong vụ án dưới đây lại được xem là hy hữu, trở thành bài học đắt giá cho những người hành động nông nổi, nhất là những người trẻ tuổi…
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
1. Trong vụ án “Cố ý làm hư hỏng tài sản” vừa được TAND quận Ngũ Hành Sơn đưa ra xét xử sơ thẩm mới đây, sau khi nghe vị kiểm sát viên công bố cáo trạng, người dự khán ồ lên ngạc nhiên khi biết được nguyên cớ xuất phát từ… cái thẻ ATM. Chuyện xảy ra vào khoảng 20 giờ ngày 9-1-2018, sau khi thăm người quen tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, P.Q.L (SN 1995) cùng bạn là anh L.V.N (SN 1990) và anh H.Đ (SN 1993, cùng quê Quảng Nam) rủ nhau ra quán vỉa hè trước cổng bệnh viện để ăn uống.
Chén tạc chén thù đến 1 giờ sáng hôm sau, anh N. đến trạm ATM trước cổng bệnh viện để rút tiền thì gặp sự cố máy “nuốt” thẻ. Bực tức, N. trở về quán, kể lại sự việc cho bạn. Nghe vậy, L. vào trạm ATM thử bấm các nút để thẻ ra lại nhưng không được. Trong cơn ngà ngà say, lửa giận trong L. bốc cháy ngùn ngụt. “Giận mất khôn”, L. không đủ bình tĩnh, ra vỉa hè nhặt 1 cục đá đập 2 lần vào màn hình và 1 lần vào khe nhận thẻ máy ATM, làm máy bị hư hỏng. Mặc dù được N. chạy lại khuyên can, lôi kéo ra ngoài, L. vẫn không hạ hỏa, tiếp tục ném đá vào cửa ra vào làm trạm ATM này và trạm ATM gần đó vỡ cửa kính. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản hơn 34,6 triệu đồng.
2. Đứng ở bục khai báo dành cho bị cáo là gương mặt còn non nớt, bối rối trước ánh nhìn nghiêm nghị của chủ tọa phiên tòa. L. lí nhí giãi bày về hành vi nông nổi của mình: “Lúc đó, bị cáo say và bực tức quá nên mất bình tĩnh, không làm chủ được hành vi của mình. Bị cáo chỉ nghĩ đến việc phải làm sao để lấy lại thẻ cho bạn vì bạn đang cần tiền gấp nên suy nghĩ không thấu đáo. Bị cáo hối hận lắm rồi, mong tòa xem xét cho bị cáo”.
Tòa giải thích: “Thẻ ATM bị “nuốt” thì bạn bị cáo báo với ngân hàng sẽ cùng giải quyết. Đằng này, chỉ để đạt được mục đích của bản thân, bị cáo lại coi thường pháp luật và thiếu ý thức tôn trọng tài sản của người khác, sẵn sàng có hành vi xâm phạm tài sản của người khác. Đánh đổi hành vi sai trái này với vết mực đen trong lý lịch, bị cáo thấy có đáng không”. Cúi đầu, L. cất tiếng nói: “Bị cáo sai rồi”.
3. Hành xử của L. khiến tôi nhớ đến những dòng chữ của TS Les Carter trong “Cái bẫy của cơn giận”: “Chúng ta thường không làm chủ bản thân, cứ để nóng giận kéo đi vì những chuyện rất nhỏ”. Giá mà chàng thanh niên 23 tuổi kìm được lửa giận thì đã không hành xử sai trái và phải đánh đổi tuổi trẻ của mình bằng 12 tháng tù về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”.
NAM BÌNH