Pháp luật
Bi kịch từ ma túy
Ở độ tuổi xế chiều, trong khi những người cùng lứa đang vui thú điền viên hoặc vui vầy bên con cháu, bị cáo lại “ngựa quen đường cũ”, lựa chọn quay về con đường sai trái…
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Người phụ nữ tóc pha lẫn sợi bạc ngồi nhắm mắt, lẩm bẩm điều gì đó trong miệng như cầu nguyện. Trời nóng nhưng bà mặc 2 chiếc áo, ánh nắng chênh chếch xuyên qua cửa sổ hắt bóng bà xuống nền gạch thành một khối đen trơ trọi, ảm đạm. Bà là N.T.T (quê Nghệ An), bị cáo trong phiên tòa về vận chuyển trái phép chất ma túy do TAND thành phố Đà Nẵng xét xử.
Bị cáo ra tòa khi đã 68 tuổi. Hiếm hoi lắm mới thấy một người vướng vòng lao lý ở độ tuổi chớm “cổ lai hy”, càng họa hoằn hơn khi bị cáo từng có 1 tiền án 14 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy và vừa mãn hạn tù chưa đầy 5 năm.
Thế nhưng, nhắc đến bà T., người ta không nhớ đến tội lỗi bà đã làm, họ chỉ thi nhau nhao nhao bàn luận về cuộc đời đầy bi kịch của người đàn bà đang đứng cô độc giữa phòng xử đó. Giàn giụa nước mắt, bị cáo cho biết, làng quê nghèo nơi bị cáo sinh sống là tâm “bão” ma túy. Ác mộng “cái chết trắng” lần lượt đánh sập từng căn nhà, góc phố, trong đó có tổ ấm của bị cáo. Người con trai đầu tiên của bị cáo sau thời gian dài chìm ngập trong ma túy thì trở nên ngây dại, tâm thức giờ như đứa trẻ thơ, phải cần người cận kề chăm sóc. Người con trai khác cũng vướng vòng lao lý vì chạy theo ma túy.
Kể đến đây, bị cáo khóc nghẹn: “Con bị cáo giờ đang cần bị cáo lo lắng, đùm bọc. Bị cáo năm nay cũng gần 70 tuổi rồi, lại đang bị tiểu đường rất nặng, chẳng biết còn có thể sống được thêm bao nhiêu năm nữa. Bị cáo biết lỗi rồi, mong HĐXX cho bị cáo một cơ hội để bị cáo được trở về quây quần với con cháu trong những ngày tháng cuối đời…”.
Chủ tọa đau đáu: “Bị cáo cũng nhận thức được bi kịch ma túy mang lại ở làng quê của mình. Các con của bị cáo cũng có thể coi là một trong những nạn nhân của ma túy. Tác hại của ma túy như thế nào, bị cáo cũng biết rồi, tại sao lại còn đi gieo rắc nó, làm khổ những người khác? Bản thân bị cáo cũng từng có thời gian dài chịu án phạt về điều này, tại sao lại không chịu hối cải? Biết mình đã không còn nhiều thời gian sum vầy cùng con cháu, tại sao lại còn tái diễn sai phạm?”. Trước những câu hỏi của tòa, bị cáo cúi đầu thinh lặng, bối rối quẹt vội dòng nước mắt. Hỏi ra mới biết, bị cáo không làm chủ được bản thân trước cám dỗ 10 triệu đồng tiền công vận chuyển.
Ngày 5-10-2017, T. giả trang bằng bộ đồ áo nâu của Phật tử cùng chuỗi tràng hạt rồi thuê xe, giả vờ từ Nghệ An vào Đà Nẵng đi lễ chùa. Nhằm che mắt lực lượng chức năng, T. nhờ người tài xế quen hay chở mình đi chùa xin lá uống chữa bệnh tiểu đường để không bị chú ý. Khi đến đèo Ngang (Hà Tĩnh), T. nói cần xuống xe để đi vệ sinh nhưng thực chất là tìm cách nhận một bánh heroin có trọng lượng 353,65 gam của một người đàn ông tên Hương, không rõ lai lịch, địa chỉ. Nhưng kế hoạch tỉ mỉ của bị cáo vẫn không thể thoát khỏi lưới pháp luật. Hôm sau, khi đang lưu thông trên đường Cách mạng Tháng Tám (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) để giao ma túy, T. bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ cùng số tang vật.
Án tuyên, T. ngã quỵ khi nghe mức án tù chung thân về hành vi “Vận chuyển trái phép chất ma túy”. Thất thần theo cán bộ hỗ trợ tư pháp ra xe về trại giam, đôi mắt bị cáo nhắm ghiền, đôi môi lắp bắp lời ăn năn muộn màng: “Biết rứa đâu có làm”. Trên gương mặt in hằn dấu vết thời gian của bị cáo, những giọt nước mắt đua nhau chảy xuống.
Mỗi một lựa chọn của chúng ta ở quá khứ đều dẫn đến nhân quả ở tương lai. Thế nên, thay vì phải nói “giá như” khi kết cuộc đáng tiếc đã xảy ra, mỗi người cần nên cân nhắc lựa chọn của bản thân thật kỹ càng. Đừng để chuyện đã rồi thì mới hối tiếc như bị cáo của vụ án trên.
KHA MIÊN