Ký sự pháp đình
Một phút bất cẩn
Hậu quả của tai nạn giao thông không chỉ là nỗi đau giày vò người thân của nạn nhân mà còn để lại nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với người gây tai nạn. Vì vậy, mỗi người khi ra đường cần tôn trọng, tuân thủ luật giao thông để tránh điều đáng tiếc xảy ra...
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
1. Sinh ra trong gia đình khó khăn, N.D (SN 1983, ngụ quận Liên Chiểu) quyết định nghỉ học sớm, theo chân cha làm thuê, làm mướn kiếm sống. Bước sang tuổi 25, D. quen biết và kết hôn với người con gái ở cách nhà không xa. Hạnh phúc nối niềm vui khi 2 đứa con lần lượt chào đời. Bận rộn chăm sóc con thơ, vợ của D. nghỉ làm công nhân. Từ đó, D. trở thành lao động chính trong nhà, miệt mài “bán sức” cho nghề phụ thợ hồ để gồng gánh mưu sinh của cả gia đình.
Mặc dù công việc nặng nhọc, vất vả nhưng D. chưa một lần than vãn. Chỉ cần nghĩ đến nụ cười của con thơ, bao nhiêu mệt nhọc cũng tan biến. Chiều chủ nhật 15-10-2017, D. xin về sớm để vui sinh nhật của đứa con lớn. Vừa chạy xe, D. vừa nghĩ đến việc cả nhà sẽ cùng nhau đi chơi. Trên đường về, D. quyết định đi tìm mua món quà nhỏ cho con. Nào ngờ, niềm vui bỗng chốc vụt tắt vì phút bất cẩn của D.
Khi điều khiển xe máy trên tầng 2 cầu vượt ngã ba Huế, do không chú ý quan sát, D. tông vào bà L.T.H. đang đi bộ qua đường hướng từ trái sang phải theo chiều xe D. đang chạy. Mặc dù được người dân đi cấp cứu nhưng nạn nhân qua đời. Riêng D. bỏ đi khỏi hiện trường và đến công an đầu thú sau đó. Trở về sau khi làm việc với cơ quan công an, D. đến nhà thắp nén nhang và gửi lời xin lỗi người thân gia đình bà H.. Rồi, D. vay mượn khắp nơi được 20 triệu đồng khắc phục một phần hậu quả. Trong khoảng thời gian này, vợ của D. phát hiện mình đang mang thai đứa thứ 3.
2. Tại phiên tòa sơ thẩm do TAND quận Thanh Khê xét xử, D. lí nhí thừa nhận mình không có giấy phép lái xe. “Bị cáo từng có ý định đi học bằng lái xe máy nhưng vì công việc chồng chất nên sau cùng vẫn chưa thể sắp xếp được thời gian. Bị cáo cũng nhận thức điều khiển xe máy không có bằng lái là vi phạm pháp luật”, D. rụt rè nói. Đồng thời, D. cho biết, hôm ấy, bị cáo điều khiển xe máy đi khá chậm, khoảng 35km/giờ. Tầng 2 cầu vượt ngã ba Huế là đường chỉ dành cho ô-tô, xe máy. Do đó, khi xảy ra vụ tai nạn, bị cáo không nghĩ có người lại đi bộ ở trên cầu và mình đã gây ra vụ tai nạn.
Khi thấy nạn nhân ngã xuống, D. rất hoảng loạn. “Lúc ấy, bị cáo đã cùng người dân đưa bà H. đến bệnh viện cấp cứu. Lo sợ, bị cáo đã bỏ đi khi nạn nhân còn nằm trong phòng cấp cứu. Trở về nhà, bị cáo kể lại toàn bộ sự việc với vợ. Vợ bị cáo khuyên nên đến trình diện cơ quan công an. Khi ấy, bị cáo cũng có khoảng thời gian suy ngẫm lại sự việc và nhận thức hành vi sai trái của mình nên đã làm theo lời vợ”, D. thành thật.
Trong khi đó, gia đình bà H. cho biết, khi vụ tai nạn xảy ra, hay tin người thân mất thì rất đau xót. Họ càng tức giận hơn khi được thông báo người lái xe máy đã bỏ trốn. Tuy nhiên, lúc D. đến nhà thắp hương, nói lời xin lỗi và bày tỏ tâm tư, hối lỗi của mình thì mất mát phần nào vơi đi. Họ lại động lòng khi biết hoàn cảnh khó khăn của bị cáo, vợ bị cáo vừa sinh không lâu trước ngày D. ra tòa. Do đó, họ khẩn thiết xin tòa giảm nhẹ mức án cho bị cáo.
3. Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, cấp sơ thẩm tuyên phạt D. 18 tháng tù giam. Sau đó, D. viết đơn kháng cáo xin được hưởng án treo. Gia đình của bị hại cũng viết đơn xin giảm án cho bị cáo. TAND thành phố xử phúc thẩm nhận định bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, như: thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng vẫn tự nguyện bồi thường cho gia đình bị hại, đã tự nguyện ra đầu thú, gia đình người bị hại đề nghị giảm nhẹ hình phạt... mặt khác, người bị hại trong vụ án này cũng có phần lỗi là đi bộ vào đường cấm người đi bộ và không chú ý quan sát.
Từ đó, HĐXX cho rằng, không cần thiết phải cách ly bị cáo khỏi xã hội mà nên tạo điều kiện để bị cáo có thể chăm sóc gia đình và các con. Từ đó, chấp nhận đơn kháng cáo, sửa án sơ thẩm, cho bị cáo được hưởng án treo.
DUY AN