Ký sự pháp đình
Chuyện buồn hơn nước mắt
1. Chưa đặt chân lên chiếc xe, người phụ nữ đã khóc nức nở, mắt nhắm nghiền, đôi bàn tay áp vào nhau theo hình dáng cầu nguyện. Khi nào không khóc, người phụ nữ lẩm bẩm tụng kinh, lời kinh khi được khi mất vì cơn xúc động.
Chiếc xe khởi hành, tiếng tụng kinh càng lúc càng vấp váp, hoảng loạn. Chuyến xe đưa người phụ nữ đến nơi sẽ diễn ra phiên tòa sơ thẩm lưu động do TAND quận Thanh Khê xét xử. Người phụ nữ tên Đinh Thị Hồng (46 tuổi, ngụ quận Thanh Khê), chủ cơ sở kiêm bảo mẫu nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười, cũng là bị cáo trong vụ án “Hành hạ người khác”.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Cùng lúc này, ba người đàn ông - 1 lớn, 2 nhỏ - là chồng và con của Hồng, đang nhấp nhổm đứng đợi xe chở phạm nhân. Xe chuyên dụng vừa dừng, họ lao vội đến tìm kiếm bóng dáng người thân. Bốn đôi bàn tay chới với tìm đến nhau nhưng hẫng hụt rơi vào khoảng trống bởi những bước di chuyển vội vàng, nhốn nháo.
Phòng xử án nhỏ xíu, chật hẹp, chồng và người con lớn của bị cáo vừa kịp len qua đám đông để có mặt bên trong. Trong khi đó, đứa con út của bị cáo chưa đủ tuổi nên bị cản lại phía ngoài. Gương mặt cậu nhóc 11 tuổi buồn thiu. Vóc dáng nhỏ con của cậu bé lọt thỏm giữa nhiều người dự khán đang đứng chen nhau nơi cánh cửa phòng xử án. Sau một hồi cố gắng rướn người nhưng không nhìn thấy gì, cậu tiu nghỉu, thất thểu tìm góc nhỏ để ngồi.
2. Đứng ở vị trí dành cho bị cáo, gương mặt bà Hồng tái dại vì sợ. Trong suốt phiên xử, bị cáo không ngừng khóc, chỉ có thanh âm khi nức nở, khi nghẹn ngào, khi vỡ òa... Trước mọi câu hỏi của hội đồng xét xử (HĐXX) về hành vi phạm tội của mình, bị cáo đều luôn miệng nói “bị cáo sai rồi, bị cáo biết lỗi rồi, bị cáo xin lỗi...”.
Một vị hội thẩm nhân dân chất vấn: “Bị cáo có ý thức hành vi đè trẻ xuống đút ăn có thể gây sặc không? Bị cáo biết những hành vi của mình là phản giáo dục, không đúng phương pháp nhưng tại sao vẫn làm?”. Lúc này, bà Hồng mới run rẩy biện minh: “Phụ huynh phàn nàn trẻ còi cọc mà trẻ thì biếng ăn, không chịu ngồi một chỗ lúc ăn. Bị cáo chỉ muốn trẻ ăn hết khẩu phần để tăng cân, phụ huynh yên tâm...”. Lời khai đứt quãng này cũng là lời biện minh duy nhất của bị cáo về hành động nông nổi của bản thân.
Bị cáo ít giải bày cho mình nhưng lại nhắc nhiều về gia đình. Kể từ ngày những hình ảnh bạo hành trẻ của bị cáo lọt ra bên ngoài và phát tán trên mạng xã hội, tổ ấm của bị cáo cũng bị đảo lộn, rơi dần vào vùng tối đen kịt. Chồng bị cáo nghỉ làm công nhân để bên cạnh động viên vợ và các con. Nhà cửa cũng bán đi để trang trải và khắc phục một phần hậu quả cho các bị hại. Không chỉ tan cửa, nát nhà, tương lai của đứa con trai đầu cũng tạm khép lại. Đang là sinh viên của một trường đại học công lập có tiếng tại Đà Nẵng, chàng thanh niên tuổi 22 đành dở dang chuyện học hành.
Ngập tràn nỗi ân hận, bị cáo tha thiết nói lời cuối cùng: “Bị cáo cầu xin cho bị cáo được ở bên gia đình mình lúc này. Bị cáo xin mà...”. Nhiều người vốn hoài nghi về sự ăn năn của những người phạm tội có mặt ở tòa án, nhưng tôi tin vào những giọt nước mắt của bà Hồng, tin vào nỗi day dứt của một người mẹ vô tình tước đoạt ngày xuân tươi sáng của con...
3. Giờ nghị án, chồng và 2 con lần lượt được tiến lại gần chỗ ngồi của bị cáo. Bà Hồng ôm chồng, ôm con và lặp đi lặp lại duy nhất một câu: “Vợ xin lỗi”, “Mẹ xin lỗi” và dặn dò người thân cố gắng. Không ít người dự khán ban đầu đến phiên xử với tâm trạng phẫn nộ nay cũng sụt sùi thương xót khi chứng kiến cảnh tượng này. Chẳng có ngôn từ nào có thể diễn tả hết nỗi buồn của phiên tòa hôm ấy.
Nỗi buồn đặc quánh trong niềm lo lắng của người thân bị cáo. Nỗi buồn ngập tràn niềm đắng chát của bị cáo. Nỗi buồn xen lẫn niềm tiếc nuối của những người dự khán. Nỗi buồn chất chứa sự thất vọng, đổ vỡ niềm tin của phụ huynh có con bị bạo hành. Và cả nỗi buồn đan xen sự ám ảnh của những đứa trẻ bị tổn thương tâm lý. Thế nhưng, le lói trong bức tranh ảm đạm ấy là sắc màu tươi sáng của lòng vị tha khi người bà của một cháu bé đã xin tòa giảm án cho bị cáo...
Phiên tòa khép lại với mức án 2 năm tù về tội “Hành hạ người khác” dành cho bà Hồng. 2 năm vốn dĩ không quá dài nhưng với bị cáo, mỗi ngày đều là quãng thời gian dằng dặc khi ngập chìm trong nỗi đớn đau vì gây ra phiền lụy cho những người thân yêu...
Theo cáo trạng, từ giữa tháng 4-2018, cơ sở nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười có 11 cháu được gửi; trong đó có 4 cháu khoảng 3 tuổi, 8 cháu từ 2 tuổi trở xuống. Trong quá trình chăm sóc trẻ, bà Hồng đã có hành vi đối xử tàn ác như: dùng tay đè đầu các cháu ngã ngửa ra phía sau, dùng tay và chân đè các cháu nằm ngửa xuống nền nhà để cho ăn, dùng tay đánh vào mặt các cháu, nắm phần đầu, cổ trẻ nhấc bổng lên... Thấy vậy, chị N.T.M.D (SN 1970, ngụ quận Liên Chiểu) là giáo viên đứng lớp cùng với bà Hồng, dùng điện thoại quay lại. Do điện thoại của chị D. bị hỏng, không sử dụng được nên chị D. đã bán điện thoại (bên trong có các đoạn video và hình ảnh bà Hồng hành hạ trẻ em) cho một người không rõ nhân thân, lai lịch gần ngã ba Huế. Sau đó, hình ảnh hành hạ trẻ em được phát tán nhưng không rõ do ai đưa lên mạng. |
KHA MIÊN