Pháp luật

Mâu thuẫn nhỏ, nỗi đau lớn

08:21, 03/11/2018 (GMT+7)

Khởi sự nguồn cơn bi kịch bắt đầu từ men rượu rồi không kiểm soát được cơn giận khiến đồng nghiệp, đồng hương chết, bản thân lãnh án tù. Phút nóng giận đã khiến 2 mái nhà vốn liêu xiêu nay thêm phần chông chênh, khiến 2 “láng giềng gần” rạn nứt tình cảm...

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

1. Khổ quá, anh H. và Đ. dắt díu nhau từ Bình Định ra Đà Nẵng, cùng bám trụ với biển để mưu sinh. Xưa là láng giềng nơi thôn nghèo, nay là đồng nghiệp nơi sóng nước mây trời, nghĩa tình giữa họ càng thêm khắng khít. Ai ngờ, bi kịch đổ ập xuống, người sớm trở về với cát bụi, kẻ vướng vòng lao lý với tội “giết người”...

Đứng nơi bục khai báo dành cho bị cáo, với chất giọng đục ngầu pha nhiều sương gió, L.V.H (48 tuổi) rệu rã cho biết, tối 17-9-2017, H., anh P.M cùng một thuyền viên ngồi nhậu tại Âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà) và bàn chuyện thuê lao động đi biển. Lát sau, anh L.T.Đ (37 tuổi) và bố vợ đến nhậu cùng. Khi nghe anh M. nhờ H. về quê tìm người đi tàu, anh Đ. nói: “Để cha con Đ. tìm người cho, mất công về trong đó gọi người”.

Mâu thuẫn bùng phát từ đây. Cho rằng anh Đ. giành mối làm ăn của mình, H. lớn tiếng: “Anh M. cho mấy trăm ngàn để mua thuốc, trả tiền xe, có gì đâu mà giành”. Sau đó, H. đánh anh Đ. ngã xuống nước rồi lên bờ, trốn về quê. Khi được mọi người tìm thấy, anh Đ. đã tử vong. Theo kết luận pháp y, nguyên nhân anh Đ. tử vong là do ngạt nước.

Tòa hỏi: “Bị cáo và bị cáo có mâu thuẫn gì với nhau trước đó không?”. Bị cáo lắc đầu nguầy nguậy. “Lúc đó, bị cáo nóng giận quá, lại có hơi men trong người nên không làm chủ được bản thân mình. Bị cáo cũng không muốn tước đoạt sinh mạng của anh Đ.

Hôm sau, bị cáo cũng không nhớ rõ chuyện đã xảy ra. Nghe người nhà kể lại và hay tin anh Đ. mất, bị cáo hoảng hốt, liền đi đầu thú”, giọng H. run run.

2. Trong khi đó, có mặt tại phiên tòa với vai trò người làm chứng, anh M. thẳng thắn: “Tui không có bênh ai hết, chuyện có sao, tui nói vậy. Ban đầu, thấy tui không có lao động nên anh H. nói sẽ về quê tìm người đi tàu giùm.

Sau đó, ảnh đòi tiền công 500.000 đồng/người, mà phải đưa trước. Tui thấy vô lý quá, tui chưa chịu”. Theo anh M., lúc này, anh Đ. tình cờ nghe được câu chuyện và có nói: “Anh em mình người trong nhà với nhau hết, để cha con Đ. tìm người cho”. Anh M. nhấn mạnh: “Anh Đ. không bao giờ giành cái chi của anh H. hết”. Bờ vai bị cáo chùng xuống một nhịp, ảo não.

Được mời lên phát biểu, cha vợ của bị hại nghẹn ngào: “Thằng rể tui hắn tốt tính lắm, chưa có làm mất lòng ai bao giờ, luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Trước đây, cũng là con rể tui thấy hoàn cảnh bị cáo khó khăn nên mới rủ bị cáo ra làm cùng rồi đùm bọc nhau mà sống”. Bức xúc, anh của bị hại lên tiếng: “Anh em trong xóm, trong làng mà bị cáo nỡ lòng nào. Trước đó, bị cáo cũng đánh em tui rớt xuống nước một lần rồi. Em tui hoảng quá, phải bơi về nhà”.

Nói lời sau cùng, bị cáo cúi gằm mặt, gửi lời xin lỗi đến gia đình của bị hại và hứa “ngày nào còn sống, bị cáo sẽ có trách nhiệm chăm lo cho các con của bị hại”. Nơi khóe mắt bị cáo loang loáng giọt nước. Đáng tiếc, nỗi ân hận muộn màng của bị cáo không thể thay đổi được chuyện đã rồi.

Sau khi nghị án, hội đồng xét xử xét thấy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên tuyên phạt H. 9 năm tù về tội “Giết người”.

Thực tế cho thấy, không ít người sau khi uống rượu đã biến mình thành kẻ giết người vì những chuyện rất đơn giản. Lúc tỉnh rượu, người gây án hối hận nhưng mọi việc đã quá trễ. Mong rằng, mỗi người khi uống rượu, bia đều nhớ pháp luật hình sự quy định: “thực hiện tội phạm trong tình trạng say phải chịu trách nhiệm hình sự”; từ đó, có thể dừng lại đúng lúc và biết cách từ chối để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

KHA MIÊN

.