Ký sự pháp đình
Rạn nghĩa xóm, vỡ tình làng
Người xưa có câu: “Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”. Vậy mà, đôi khi, xuất phát từ một mâu thuẫn nhỏ, không ít láng giềng đã quên đi nghĩa xóm tình làng để rồi dẫn đến cái kết đau đáu những nỗi niềm...
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
T.V.C (SN 1969) và Đ.Q.H (SN 1999) là hàng xóm sát vách cùng một chung cư ở quận Sơn Trà. Chiều 10-6-2018, do có mâu thuẫn từ trước, cả hai xô xát, đánh nhau tại tầng trệt chung cư. Vụ việc đã được Công an phường xử lý, lập biên bản vi phạm hành chính và hòa giải. Những tưởng, chuyện đến đây đã có thể tạm ngừng. Ai ngờ, ngọn lửa giận vẫn âm ỉ rồi bùng cháy dữ dội...
Sau khi làm việc tại trụ sở Công an phường, trên đường về nhà, C. nhìn thấy cái rựa ở một công trình xây dựng nên cầm về với mục đích sửa giường. Tuy nhiên, về đến nơi ở, cơn giận trong C. vẫn chưa hạ họa. Vậy là, C. cầm rựa sang căn hộ bên cạnh, cũng là nơi ở của H. Lúc này, H. đang ngồi hướng mặt vào trong thì bất ngờ bị C. chém một nhát theo hướng từ trên xuống trúng vào vùng đầu sau gáy.
Nghe tiếng động, cha của H. là ông Đ.M (SN 1969) chạy từ nhà vệ sinh ra. Thấy sự việc, ông M. hoảng hốt can ngăn dẫn đến hai bên xô xát nhau, làm rựa bị gãy cán. Lúc này, C. mới tức tối bỏ về phòng của mình. Còn H. bất tỉnh, được gia đình đưa đi cấp cứu. Hậu quả, H. mang thương tích 10%.
Tại phiên sơ thẩm do TAND thành phố Đà Nẵng xét xử mới đây, C. phân trần: “Tại bị cáo nóng giận quá nên không làm chủ được bản thân mình. Sau đó nghĩ lại, bị cáo hối hận dữ lắm”. Hội đồng xét xử (HĐXX) phân tích: “Bị cáo hơn bị hại 30 tuổi, lẽ ra bị cáo phải suy nghĩ chín chắn hơn bị hại chứ. Bà con chòm xóm với nhau, dĩ hòa vi quý thì đâu có cớ sự gì xảy ra. Tại sao bị cáo không nói chuyện nhỏ nhẹ mà lại sử dụng vũ lực?”. C. đáp: “Dạ, tại không nói chuyện được với bị hại…”. HĐXX hỏi: “Bị cáo không nói chuyện được với bị hại thì nói chuyện với cha mẹ của bị hại được không?”. C. cúi đầu thinh lặng, bàn tay bối rối vò nát vạt áo nhàu nhĩ.
Vị chủ tọa đau đáu: “Người xưa có câu: “Một điều nhịn, chín điều lành”, huống hồ hai bên là hàng xóm, láng giềng với nhau, càng phải hòa nhã với nhau. Có rất nhiều cách để hóa giải mâu thuẫn; bị cáo không cẩn trọng, cân nhắc lựa chọn mà lại sử dụng bạo lực khiến người bị thương, người phải lãnh án tù, làm mất hòa khí của tình làng nghĩa xóm. Ra cớ sự như vậy, bị cáo có cảm thấy tiếc nuối không?”. “Bị cáo sai rồi”, C. lí nhí.
Lắng nghe lời khai của bị cáo, anh H. cũng cúi đầu ủ rũ. Khi được HĐXX mời lên trả lời, anh líu ríu nhưng tha thiết xin tòa giảm nhẹ mức hình phạt cho bị cáo vì dẫu sao cũng là “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”. Bờ vai run run, bị cáo quay về phía sau, ánh mắt ngập tràn sự day dứt, mấp máy lời xin lỗi chẳng thành lời. Bị hại nhìn bị cáo, gật gật đầu như khích lệ, cổ vũ bị cáo mạnh mẽ lên.
Với hành vi của mình, C. bị TAND thành phố tuyên phạt 7 năm tù về tội “Giết người”. Thế nhưng, có lẽ, nỗi lòng chất chứa nhiều tâm tư của C. cũng vơi nhẹ đi ít nhiều khi H. đã lựa chọn tha thứ, xóa tan hận thù, gắn kết lại nghĩa xóm, tình làng. Có thể nói, lòng vị tha, bao dung của bị hại trong vụ án dưới đây đã xua đi sự nặng nề của chốn pháp đình, mở ra con đường hướng thiện cho bị cáo...
DUY AN