Cuộc chiến giành con

.

Tình yêu vơi cạn, họ ra tòa, không chỉ để kết thúc cuộc hôn nhân mà còn để giành quyền nuôi con. Cuộc chiến này dù ít hay nhiều cũng in hằn thêm nhiều tổn thương...

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đó là một phiên tòa rất buồn. Bởi lẽ, cội rễ của bi kịch lại xuất phát từ chuyện tình đẹp giữa anh T.B.Ph (SN 1984, quận Hải Châu) và chị H.N.P (SN 1983, ngụ quận Thanh Khê). Sau thời gian dài vun đắp tình cảm, cả hai cùng nhau xây dựng tổ ấm khi độ tuổi lẫn tình yêu đã chín. Khi ấy, anh 26, còn chị 27.

Quãng thời gian đầu của cuộc hôn nhân rất hạnh phúc, ngập tràn tiếng cười của đôi vợ chồng trẻ. Niềm vui càng trọn vẹn khi hai đứa con thơ lần lượt chào đời, góp thêm yêu thương vào mái nhà nhỏ.

Vậy nhưng, nghĩa tình thưa thớt rồi nhạt dần khi những bất đồng nảy sinh ngày càng nhiều. Yêu thương đã phai, họ quyết định ra tòa làm thủ tục ly hôn sau 7 năm đầu ấp tay gối. Những tưởng, kết thúc này đã là quá đắng cho một chuyện tình. Ngờ đâu, nỗi đau chia ly còn kéo theo nhiều hệ lụy phía sau mà nguồn cơn cũng bởi hai chữ “yêu thương”.

Chưa kịp làm quen với tổn thương từ sự vỡ tan tổ ấm, anh Ph. càng xót xa hơn trước phán quyết của tòa về việc vợ được quyền nuôi hai con chung (4 tuổi và 7 tuổi). Điều này khiến anh trăn trở, đau đáu nhiều ngày liền. Trong cơn bí bách, anh Ph. nhắn tin tới số điện thoại của ông L., giám đốc nơi công ty vợ đang làm việc, yêu cầu ông phải cho chị P. nghỉ việc và đe dọa nếu không sẽ tới công ty đập phá tài sản, làm hại tới con của ông. Liên tiếp nhiều ngày sau đó, bị cáo nhắn tin “làm phiền” ông L.

Cùng lúc, bị cáo cũng nhắn nhiều tin đe dọa vợ cũ với những lời lẽ hăm dọa sẽ gây tổn thương đến tính mạng của chị P. và người nhà. Những tin nhắn này khiến chị P. hoang mang, lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Để bảo đảm tính mạng cho người thân, ngày 30-3-2018, ông L. làm đơn gửi Công an quận Hải Châu yêu cầu xử lý Ph. theo quy định của pháp luật.

Đứng ủ rũ nơi bục khai báo, Ph. biện minh, bản thân thực hiện hành vi sai trái chỉ với một mục đích duy nhất: giành lại con từ tay vợ cũ. “Bị cáo muốn đe dọa ông L. để vợ cũ bị nghỉ việc, không có thu nhập để nuôi con. Như rứa, bị cáo có thể làm thủ tục yêu cầu tòa án trao quyền nuôi con cho mình…”, Ph. lí nhí.

Hội đồng xét xử giải thích: “Cha mẹ nào cũng thương con. Nhưng khi bị cáo hành xử như vậy, có bao giờ bị cáo nghĩ đến cảm nhận của con mình không? Bị cáo có bao giờ tìm hiểu tâm tư của con xem con muốn sống với ai hay không? Bị cáo có khi nào nghĩ đến việc xáo trộn môi trường sống sẽ ảnh hưởng tâm sinh lý của trẻ không? Vốn dĩ, khi cha mẹ chia tay, con trẻ đã phải chịu tổn thương rồi...”. Nghe đến đây, bị cáo cúi gằm mặt. Nơi khóe mắt của người đàn ông, lấp loáng giọt nước mắt chực trào...

Tòa tuyên phạt Ph. 15 tháng tù về tội “Đe dọa giết người”. Những tiếng thở dài nối nhau vang lên nơi hàng ghế dự khán bởi vừa trách, vừa thương lại vừa tiếc cho bị cáo.

Con cái thường là kết tinh của chuyện tình đẹp, cũng là tài sản quý giá nhất của một cuộc hôn nhân. Chính vì vậy, khi tình cảm tan vỡ, ai cũng muốn được quyền trực tiếp nuôi con. Thế nhưng, tình yêu thương ấy đôi khi vô tình biến đứa trẻ trở thành nạn nhân bị cha mẹ giằng qua xé lại, thêm lần nữa in hằn tổn thương. Yêu thương sai cách cũng khiến người trong cuộc đôi khi phải đánh đổi, trả cái giá chát đắng như bị cáo trong vụ án trên.

Nếu yêu thương, xin hãy lắng nghe cảm xúc và tôn trọng quyết định của trẻ!

KHA MIÊN

;
;
.
.
.
.
.