Địa giới của làng Mỹ Thị nay đã khác xưa: phần đất phía Nam hợp nhất với làng Khuê Bắc thành phường Khuê Mỹ; phần đất phía Bắc hợp nhất với thôn An Thượng của làng An Hải thành phường Mỹ An. Thế nhưng, chuyện xưa gắn liền với danh xưng Mỹ Thị vẫn còn được nhiều người truyền tụng.
Chân dung ông Lê Hữu Khánh |
Địa danh Mỹ Thị đã được Đại Nam thực lục (tập VII, tr. 465-466) nhắc đến nhiều lần trong đoạn viết về thời kỳ Đà Nẵng chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha những năm 1858-1860. Theo đó, đồn Mỹ Thị kiên cường trụ vững, nhưng rồi quân giặc tràn vào xã Mỹ Thị... Tướng Nguyễn Tri Phương sai Tổng đốc Nam Ngãi là Đào Trí đem quân sang sông, đóng ở xã Mỹ Thị...
Người có công làm thay đổi bộ mặt làng Mỹ Thị là ông Lê Hữu Khánh, còn có tên là Lê Văn Hiển, sinh năm 1850 tại làng Mỹ Thị, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay là phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Ông làm quan từ đời Tự Đức đến đời Duy Tân, từng giữ các chức vụ: Thị Giảng học sĩ, Thị Độc học sĩ, Quang Lộc Tự khanh, Triều Liệt Đại phu. Người đương thời quen gọi ông là quan Thị Hiển. Ông còn là thầy dạy của các vua Thành Thái và Duy Tân.
Vào đời Tự Đức, ông nhận thấy làng Mỹ Thị dân đông, thiếu đất canh tác, quanh năm chỉ biết bám biển, nhưng đến mùa mưa bão là đành bó tay chịu đói, bèn làm tờ sớ tả cảnh cơ cực của dân làng tấu trình lên triều đình. Trong sớ có đoạn “Phù cư thủy diện, sanh vô gia cư, tử vô địa táng”, nghĩa là “ở bềnh bồng trên mặt nước, sống không có nhà cửa, chết không có đất chôn”.
Triều đình Huế xét thực tế, ra chỉ dụ cho làng Mỹ Khê cắt 30 mẫu bạch sa, làng An Hải cắt 20 mẫu bạch sa nhượng cho làng Mỹ Thị. Nhận thấy dọc theo làng Mỹ Thị hầu hết là ruộng đầm lầy nhiễm mặn mọc toàn cỏ năng, ông bèn huy động dân làng đắp đê ngăn mặn từ đầu làng Khuê Bắc cho đến cuối làng An Hải, cải tạo thành 32 mẫu ruộng sâu, cày cấy lúa nếp. Toàn bộ số ruộng này được triều đình Huế chấp thuận cho làng Mỹ Thị được thụ hưởng, bởi hai lý do. Thứ nhất, về tình, làng Mỹ Thị không có đất ruộng để canh tác, mà là công thổ, tức đất của Nhà nước, lẽ nào để dân đói vì thiếu lương thực. Thứ hai, về lý, thì đây là ruộng đất thuộc địa phận làng Mỹ Thị.
Nhưng dân làng Khuê Bắc thì kịch liệt phản đối. Cho rằng số ruộng đó là sở hữu của mình, ngày 18 tháng 10 năm Quý Mùi (1883), họ phát đơn kiện và cử hai người ra sẵn sàng tự tử để bảo vệ “lẽ phải”. Vụ kiện kéo dài cho đến năm Mậu Tuất (1898). Tuy thế, trước sau triều đình Huế vẫn phán quyết cho dân làng Mỹ Thị được sở hữu 32 mẫu ruộng sâu này. Vụ kiện sôi nổi này đã để lại trong dân gian thời bấy giờ bài vè sau đây:
“Lừng đừng siển hạt (chuyện nói qua, nói về) bấy nhiêu lần/ Mưa nắng bao nào với xã dân/ Việc ngoại mười lăm năm mới ổn/ Quan trong hai mạng lẽ nào thân/ Ruộng năng, đất cát bằng lòng thẳng/ Gạo bị, tiền lưng nhẹ túi khăn/ Dặn cho Mỹ (Mỹ Thị), Hóa (Hóa Khuê Bắc) đừng kiện nữa/ Chuối xôi ai ních quả thầy bưng”.
32 mẫu ruộng sâu dọc theo làng Mỹ Thị đã từng là nguyên nhân của một vụ kiện kéo dài 15 năm. Ảnh: V.T.L |
|
Dân gian phía hữu ngạn sông Hàn ngày trước có câu “Nhứt Nguyễn Mỹ Khê, nhì Lê Mỹ Thị” nói về hai cự tộc của hai làng. Tộc Nguyễn có ông tổ là Hậu hiền làng Mỹ Khê, có quan Hường Lô Tự khanh Nguyễn Văn Hữu, thường quen gọi là quan Thị Hữu. Tộc Lê có ông tổ là Tiền hiền làng Mỹ Thị, có quan Triều Liệt đại phu Lê Hữu Khánh, thường quen gọi là quan Thị Hiển. Đó là ghi nhận của truyền khẩu dân gian về đóng góp của những con người một thời dựa vào vị thế của mình trong xã hội mà đem lại sự sung túc, đủ đầy nhất định cho làng quê nơi mình sinh ra. Người Mỹ Thị đời nay mỗi khi ngâm nga “Ai về Mỹ Thị thì về/ Trước sông, sau biển, rừng kề một bên”, trong lòng lại thầm nhớ đến công ơn người xưa.
ANH DUY