Sau thời gian dài chờ đợi, cầu Thuận Phước đã nên vóc nên hình, định ngày khánh thành, chính thức nối vịnh Đà Nẵng với bán đảo Sơn Trà. Trong quá trình thi công, nhiều hạng mục công trình lần đầu tiên áp dụng công nghệ thi công cầu tiên tiến của thế giới, chứng tỏ khả năng làm chủ công nghệ của kỹ sư và công nhân trong nước. Nhìn lại để thấy những người con của Đà Nẵng đã đưa lực và trí của mình kiến tạo nên cây cầu dây võng được xem là dài nhất Việt Nam hiện nay.
Vượt khó
Thi công mặt cầu Thuận Phước. |
Cầu Thuận Phước khởi công từ tháng 1-2003, dự kiến ngày 29-3-2005 khánh thành, đúng dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng Đà Nẵng. Tuy nhiên, kế hoạch đó bị lỗi hẹn. Trưởng ban chỉ đạo điều hành dự án xây dựng cầu Thuận Phước - ông Lê Hồng Minh lý giải do nhiều nguyên nhân như công trình đặt ngay cửa biển, trượt giá vật liệu...
Hai trụ cầu chính lúc đầu được áp dụng công nghệ từ Trung Quốc nhưng thất bại do tầng địa chất phức tạp, buộc phải thay bằng công nghệ Hàn Quốc để ép cọc khoan nhồi đường kính 2,5m xuống cách mặt nước biển 70m. Mũi khoan nhiều lần gặp đá gãy vỡ, tốn nhiều thời gian thay thế, nên phải hơn 2 năm nhà thầu mới làm xong hai móng trụ cầu chính. Khi thi công hai mố neo dây cáp, mất hơn một năm phải huy động thợ lặn chuyên nghiệp múc từng gàu đất từ dưới hố móng sâu 37m dưới đáy biển đưa lên bờ. Vậy là phải sau 3 năm, hai mố neo mới ló dạng lên mặt nước.
Mỗi năm Đà Nẵng còn hứng chịu hàng chục trận bão và áp thấp nhiệt đới, sức gió trước cửa biển rất lớn khiến thời gian cộng dồn dừng thi công do thời tiết mất hẳn 1 năm... Những cái khó đó rồi cũng được nhà thầu và các đơn vị thi công vượt qua, tất cả các hạng mục công trình qua nghiệm thu được đánh giá bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, có thể bảo đảm an toàn qua các đợt bão, lũ lớn ở miền Trung, tuổi thọ của cầu đạt 70-100 tuổi.
Một năm và 14 ngày
Ở Việt Nam, cầu Thuận Phước là cây cầu dây võng đầu tiên với dầm hộp thép được cấu tạo dạng bản trực hướng, tổng chiều dài 655m. Theo dự kiến thiết kế ban đầu, lớp phủ mặt thép sẽ dày 7cm bằng bê-tông nhựa thông thường. Nhưng trong quá trình kiểm tra thử nghiệm, phương án này không phù hợp với đặc điểm công trình.
Do kết cấu cầu Thuận Phước là cầu có dầm thép hộp, vào mùa hè, hơi nóng tích lại bên trong dầm hộp kín, làm nhiệt độ của lớp mặt gia tăng. Lớp vật liệu bê-tông nhựa có thể bị mềm, giảm tính năng dính bám cũng như sức chống cắt, dễ dẫn đến hiện tượng trượt tách mặt đường, xô dồn nhựa và biến dạng lún vệt bánh xe. Việc có một yêu cầu kỹ thuật với các thông số cụ thể là quá khó khăn vì chưa có bất kỳ một tiêu chuẩn nào trên thế giới quy định cho lớp phủ mặt cầu thép.
Năm 2008, Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng ra thông báo mời gọi các nhà thầu có năng lực đề xuất kỹ thuật cho lớp phủ mặt cầu. Và liên danh MBA gồm 4 công ty tư vấn xây dựng ở Đà Nẵng (CT CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng ECC, CT CP Tư vấn-Kiểm định-Xây dựng Bách khoa, CT TNHH Thương mại-Xây dựng Quốc Thắng và Xí nghiệp Thi công cơ giới 630-Cienco 6) đã được lựa chọn là nhà thầu phụ thi công lớp phủ mặt cầu Thuận Phước.
Các kỹ sư trong liên danh MBA đã tiến hành thu thập mẫu vật liệu, biên dịch tài liệu nước ngoài, liên hệ với các chuyên gia đầu ngành về mặt đường trên thế giới, đến các nước Singapore, Thái Lan, Malaysia để kiểm tra và lựa chọn vật liệu cũng như công nghệ khả thi và tiến hành gửi mẫu vật liệu sang các phòng thí nghiệm ở nhiều nước để kiểm tra...
Yêu cầu đặt ra là lớp phủ phải có hệ số biến dạng cùng loại thép. Từ đó, các kỹ sư tiến hành đo nhiệt độ mặt cầu ở nhiều thởi điểm trong ngày (từ 10-60 độ C, có ngày đo được 84 độ C). Cuối cùng vật liệu được lựa chọn là hỗn hợp SMA (sợi khoáng cenlulo, hàm lượng nhựa cao 6,5-7%) và vật liệu bê-tông nhựa Epoxy chuyên dụng cho bản mặt cầu thép. Nhiều thiết bị, vật liệu, máy trộn đặc biệt, các chuyên gia giám sát đến từ Thái Lan, Mỹ đã giám sát chặt chẽ quá trình thi công để trong vòng 2 tuần, việc lắp đặt thiết bị và trải thảm mặt cầu được hoàn thành.
KS Mai Triệu Quang, Tổng Giám đốc ECC, đại diện nhà thầu ở gói thầu phụ này nhấn mạnh rằng, bằng khả năng và sự tự tin, anh tin tưởng rằng các kỹ sư Đà Nẵng có thể hoàn thành tốt công việc được giao, nên từ bước chuẩn bị dự án, tiến hành thí nghiệm vật liệu... kéo dài gần một năm nhưng các công ty vẫn sẵn sàng tham gia.
Và lúc tìm ra được loại vật liệu cho công trình, đã được Ban Quản lý dự án phê duyệt, các anh vẫn mày mò tìm kiếm những vật liệu tốt hơn, để tuổi thọ công trình kéo dài hơn trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Và liên danh MBA đã quyết định bảo hành cho mặt cầu 10 năm.
4 năm trước, KS Mai Triệu Quang đã nghiên cứu về vật liệu phủ mặt dầm thép và đến nay anh mới có điều kiện để biến những thí nghiệm của mình thành hiện thực. Với tổng kinh phí của dự án khoảng hơn 14 tỷ đồng (trong khi một nhà thầu Trung Quốc đề xuất dùng kết cấu bê-tông nhựa đường cải tiến với tổng kinh phí khoảng 35 tỷ đồng), các kỹ sư Đà Nẵng đã thành công với một công trình gặp khá nhiều điều kiện khó và thu được nhiều kinh nghiệm quý báu để có thể thi công ở nhiều cây cầu khác có cùng điều kiện như thế.
Cầu Thuận Phước như dải lụa vắt qua cửa sông Hàn, sẽ cùng chịu mưa, chịu nắng gió miền Trung. Chỉ còn ít ngày nữa thôi, chiếc cầu được hình thành từ trí lực của người Đà Nẵng sẽ được cả thành phố đón chào sau những lần lỗi hẹn. Không chỉ là khoảng cách đôi bờ sông Hàn được xích lại gần nhau, không chỉ là vạch nối bờ nọ, bờ kia của mảnh đất thân thương này, mà là một vóc dáng mới, điểm tô thêm ý chí và nghị lực của thành phố đầu cửa biển, chiếc cầu như một điểm nhấn tạc vào tương lai một hướng mở mới trong chặng đường phía trước.
HOÀNG NHUNG