Chính trị - Xã hội

Cái đức của người làm báo

08:12, 21/06/2009 (GMT+7)

Trên thế giới, ngay ở những nước phát triển, cũng có nhiều nơi không có Luật Báo chí. Ở những nơi đó, người ta điều tiết hoạt động báo chí bằng các luật khác như Luật Xuất bản, Luật về ngôn luận, Luật kinh doanh… nhiều khi chỉ bằng Luật Dân sự là đủ. Ngược lại với điều này, nhà báo ở hầu hết các quốc gia đều rất coi trọng Quy ước đạo đức nghề nghiệp. Có nước nhiều hội đoàn báo chí thì mỗi hội đoàn đều có các Quy ước về đạo đức nghề nghiệp của mình. Đối với họ, điều đáng quan tâm nhất đối với người làm báo là vấn đề đạo đức.

 

Bởi hiếm có nghề nào được xã hội giao cho trọng trách và quyền lực lớn như nghề báo. Dù đã từng trải hay còn trẻ cả tuổi đời và tuổi nghề nhưng là nhà báo, họ có quyền nhận xét, đánh giá về mọi vấn đề đang diễn ra, không những thế, họ còn có quyền phát ngôn những điều đó trước cộng đồng và trước cả thế giới. Đặc quyền nghề nghiệp đó còn được nhân lên gấp bội khi họ có trong tay những phương tiện truyền thông hiện đại, được công chúng tin cậy và tạo điều kiện để họ làm việc.

Đại diện cho dư luận xã hội, nhà báo đã trở thành một lực lượng đầy sức mạnh, thúc đẩy sự phát triển. Vai trò của báo chí trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay là một thí dụ. Thật khó hình dung công cuộc dân chủ hóa đời sống xã hội, phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền đất nước, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phát triển văn hóa ngày nay lại thiếu vắng vai trò của báo chí. Có một vị tổng thống đã từng nói rằng, nếu phải chọn giữa một chính phủ và một nền báo chí thì ông ta sẽ chọn báo chí (tất nhiên cũng cần hiểu rằng đây là một cách nói để lấy lòng báo chí trong khi vận động tranh cử).

Quyền lực và uy tín xã hội lớn như vậy nên vấn đề đạo đức càng cần được đề cao. Một kẻ xấu không có quyền lực gì, hắn chỉ làm được điều xấu trong một phạm vi hẹp. Một kẻ xấu có quyền lực (cả quyền hành chính và quyền phát ngôn) những điều xấu hắn làm có phạm vi ảnh hưởng rộng hơn rất nhiều. Nhà báo là người có quyền phát ngôn mà lập ngôn, theo những người trong phái Nho gia là quyền cao nhất, trên cả lập nghiệp và lập thân. Vậy nhân cách quan trọng nhất của người làm báo là cẩn trọng khi phát ngôn và dám chịu trách nhiệm trước điều mình nói ra.

Trước hết, đã là nhà báo thì phải luôn nói thật. Nói thật là tiêu chuẩn cao nhất của đạo đức báo chí. Chúng ta có quyền không nói và nhiều khi phải có trách nhiệm không nói. Trong một thế giới vẫn còn (và luôn luôn còn) mâu thuẫn về quyền lợi thì chỉ những người không bình thường mới nói hết mọi điều trước đám đông, chuyện xã hội hay chuyện trong nhà cũng vậy. Nhưng đã nói thì phải nói thật, không thể vì bất kỳ lý do gì để biện hộ cho việc nói sai sự thật, nói lập lờ không rõ ràng, nhất là cố tình bóp méo sự thật vì lợi ích riêng. Trách nhiệm của báo chí ở đó và niềm tin của quần chúng đặt vào báo chí cũng ở đó.

Nhưng để nói lên được sự thật là vô cùng gian khổ. Không phải vì bị cấm đoán, sự cấm đoán có thể là một trong những nguyên nhân nhưng cản trở chính lại ở chính nhà báo. Không đủ trình độ để hiểu thông tin nên nói sai. Không đủ trách nhiệm, sự kiên nhẫn, tinh thần vượt khó để nghiên cứu, tìm hiểu nên nói sai. Né tránh, không dám đấu tranh hoặc an phận, thờ ơ nên nói sai. Không đủ dũng cảm bảo vệ lẽ phải nên nói sai. Lợi dụng, kiếm chác, bè phái, đố kỵ và vướng vào vô số thói xấu khác nên nói sai, điều mà nhiều người gọi là “bẻ cong ngòi bút” chính là vậy.

Cuộc đời làm báo là cuộc hành trình gian khổ để luôn tự hoàn thiện mình, luôn dám chống lại những gì đi ngược với lý tưởng cao đẹp. Cuộc đời làm báo là hành trình đi theo Bác, noi gương Bác, một nhà báo vĩ đại, một người nói thật vĩ đại.

Vũ Duy Thông

.