Chính trị - Xã hội

Thương lắm, báo ơi!

08:12, 21/06/2009 (GMT+7)

Học hành và lớn lên ở cái xứ Quảng thông minh và hay cãi, nên hầu như bạn bè tôi, dù cũng làm đủ nghề, nhưng rút cuộc, rồi ông nào cũng dính vào cái nghiệp viết lách, làm sách, làm báo. Chí ít cũng là những người đam mê sách báo và nghiện báo không chịu nổi!

Gần đây, người ta hay tán tụng Đà Nẵng là thành phố có nhiều cái nhất, chỉ số cạnh tranh cao nhất, môi trường sống tốt nhất, máu đá banh nhất..., dzô bia cũng nhiều nhất! Có khi cả một bộ ghi-nét. Tôi còn thấy là dân Đà Nẵng cũng thuộc loại ghiền đọc báo, mê báo nhất.

Thực ra, không thể cạnh tranh nổi với Hà Nội. Anh Hai Sài Gòn cũng thế, to gấp mười lần Đà Nẵng, lại giỏi làm thị trường, có truyền thống báo chí từ xưa. Nhưng nếu đừng xét về đầu báo, ti-ra phát hành gì đó, mà chỉ thi với nhau chơi, về cái gọi là chất báo, máu báo, nghiệp báo, sự say mê và khốn khổ về nghề báo, thì chưa chắc ai qua nổi con cháu của xứ trời cho nhiều máu cãi!

Nhiều khi cãi, không vì lý do gì cả, từ chân lý cao sang cho đến những lẽ đời dân dã, mà chỉ cãi là do hay cãi. Thế thôi! Cãi một cách nhiệt tình, sôi nổi. Người ngoài nghe cứ như mổ bò, đập lộn tới nơi, nhưng rồi hết cãi thì hết chuyện, bụng dạ chẳng có gì, thế đấy, Quảng Nam hãy cãi... thương lắm bạn mình ơi! Cũng có khi do đời quá chất hẹp, bụng dạ người đời lại thất thường, lạnh nhạt, nên nhiều người bỏ xứ, tha hương làm báo khắp nơi, trong Nam, ngoài Bắc từ thuở manh nha nghề báo cho đến tận bây giờ, với bao nhà báo lừng danh gốc Quảng.

Lan man nhiều, cái chuyện cãi cọ của người dân xứ Quảng vì nghĩ, ít nhiều cái nghiệp làm báo chắc có nguồn cơn từ cái máu hay đi, thích cãi của người dân xứ Quảng.

Lẽ khác, đôi khi còn do báo chí là nghề cởi mở, tự do và độ lượng, ít khe khắt hơn một số nghề khác, như nghề luật, dạy học chẳng hạn. Ai cũng có thể mong nhờ vào báo mà độ thân qua ngày khi sa cơ lỡ vận, nhiều bạn bè tôi sau nhiều tháng năm vùi dập với đời rồi cũng dạt về với các báo, có khi, không chỉ là nghiệp mà còn là cơ duyên, may mắn. Nhiều chữ thì viết lách, biên tập, ít chữ thì xếp chữ, xếp báo, phát hành và cả bỏ báo, bán báo, cứ dính vào báo là vui, là sống được rồi. Thấy thành phố nỗ lực làm chuyện văn minh đô thị cũng mừng, nhưng cấm báo dạo của các em nhỏ, thì vẫn băn khoăn và nặng lòng làm sao!

Có lúc nhìn các tờ báo hoạt động nổi đình, nổi đám trong Nam, ngoài Bắc, ở đâu cũng thấy người mình, từ báo chí trung ương cho đến báo tỉnh, báo thành, báo ngành, báo chợ..., ai cũng làm ăn, viết lách nên nổi, có hình, có hiệu cả, lương lậu thì gấp chục, gấp trăm lần ở quê hương bản xứ, lòng vui với bạn, mà cũng thương cho phận mình!

Nhiều khi phải rời Đà Nẵng vài hôm, thèm báo đọc đến quay quắt. Có lần ghé một thành phố Đ. vốn quen như ở nhà, thức dậy là đi tìm báo, báo dạo không có, quầy chưa mở, phải đến tận bưu điện trung tâm. Và thật chán là cả ở đó cũng không có một tờ nhật báo nào, dù đã 7-8 giờ sáng, nhưng lạ là báo tỉnh, dù đang có ở quầy cũng không thể mua được, em gái thưa dịu dàng:

- Báo tỉnh ở đây không bán anh à!

- Thì cho xin một tờ, đọc tạm?

- Cũng không được, vì bưu điện chỉ nhận đủ số lượng để phát thôi anh ơi!

Thế là phải đến tận tòa soạn để xin cho được một tờ, đọc tạm cho đỡ nghiền. Làm sao hội nhập và thị trường hả bạn mình!

Ở cái xóm lao động tôi ở, bây giờ báo chí phát hành tận ngõ đã đành, còn đưa tận bãi tập thể dục của các cụ, đến sạp hàng của chị em bán quán, từ lúc chưa bảnh mắt! Đủ các loại báo ngày, báo tháng, báo sáng, rồi báo chiều và vô số các loại tạp chí, phụ trang. Đọc ngày, đọc đêm cũng không hết. Dân Đà Nẵng gần như sống giữa ba bề, bốn bể báo chí.

Tình cờ đọc được bài viết về sự thăng trầm của tờ báo mà mình hằng trân trọng, đã làm tôi chấn động và đầy lòng âu lo, trắc ẩn. Cái nghề mà mình cứ ngỡ là toàn màu xanh và cái đẹp, chỉ có vui sướng và vinh quang! Thế mà có những tổng biên tập đã lần lượt ra đi, mất nghề, đổi nghề!

Có thưở, mê báo đến nỗi, cầm tờ báo trên tay mà không dám đọc nhanh, xem vội, phải kiếm cho ra một chỗ ngồi đàng hoàng, đĩnh đạc, mới lần giở từng trang báo thân yêu. Từng mục, từng mục... đọc theo kiểu nhịn thèm, thư thả thưởng thức từng câu, từng chữ với sự thích thú và đam mê lạ kỳ, nhất là ngày nghỉ, cuối tuần. Có khi còn cất giữ những bài báo hay, từng nhà báo mà mình yêu quý cũng chẳng biết để làm gì! Trân trọng, thế thôi.

Bây giờ cũng thế, báo chí ra nhiều và đẹp hơn, thậm chí sặc sỡ sắc màu, đủ kiểu. Cứ sáng ra đã thấy báo chí rộn rã trên đường, trên phố, hỏi chào, mời mọc. Mà sao, vẫn một xấp chất đầy trước mặt, lại trớ trêu không làm ngon nổi ly cà phê sáng?

Thương lắm, báo ơi!

GIAO ĐĂNG CƯƠNG

 

.