Đà Nẵng cuối tuần
Bên giấc mơ bình dị
Làm thơ như sự khám phá về chính mình, nhà thơ - nhà báo Võ Kim Ngân vẫn trung thành với lối thơ truyền thống, giàu nhạc điệu, cảm xúc, dung dị tựa hơi thở.
Nhà thơ - nhà báo Võ Kim Ngân chia sẻ tâm sự cùng bạn yêu thơ. Ảnh: T.PHƯƠNG |
- Nhà thơ - nhà báo Võ Kim Ngân: Thực ra ý tưởng đó không phải của tôi mà của nhà báo Đoàn Bích Hồng - trưởng đại diện báo Doanh nhân Sài Gòn. Khi tôi chuẩn bị in tập thơ “Viết lúc sang mùa”, đọc bản thảo, chị Bích Hồng nói: “Kim Ngân ra tập thơ thì Bích Hồng sẽ là người viết kịch bản cho đêm thơ. Đêm thơ ấy sẽ có múa minh họa”.
Tưởng đây chỉ là lời nói đùa, nhưng tập thơ ra đời không bao lâu, Bích Hồng chuyển cho tôi kịch bản đêm thơ với tên gọi “Sự tương tác giữa thơ Võ Kim Ngân và nghệ thuật”. Đọc kịch bản, tôi thấy lạ và bị thuyết phục bởi sự mới mẻ nên triển khai làm đêm thơ dường như “không giống ai” đó. Càng vui hơn khi đặt vấn đề và chuyển kịch bản cho nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm, nhà thơ Phùng Tấn Đông, họa sĩ Xuân Sơn, nhà thơ Huỳnh Lê Nhật Tấn, tôi đều nhận được sự hưởng ứng một cách nhiệt thành. Tất cả đã cố gắng làm nên một đêm thơ thể hiện được sự tương tác từ thơ và tạo nên cảm hứng mới cho thơ.
* “Viết lúc sang mùa” vẫn là hình ảnh một Kim Ngân dung dị, đằm thắm với đa cung bậc, chất chứa nhiều chiêm nghiệm về hạnh phúc, về những được - mất của đời người?
- Trong thời đại này, người ta sống nhanh hơn, sống thực hơn, có lẽ thơ cũng cần thay đổi để đáp ứng nhịp điệu cuộc sống và lối tư duy hiện đại. Thơ của tôi không thay đổi nhiều về giọng điệu và nghệ thuật. Điều đó vừa có cái được, vừa có cái không được. Cái được là mình đã tạo ra giọng điệu riêng để bạn đọc có thể dễ dàng nhận ra thơ của mình. Cái không được là dễ tạo sự nhàm chán. Tôi đọc nhiều thơ và tìm hiểu về thơ cũng như cách thể hiện nhưng tất cả những điều đó phải được tiếp thu và thẩm thấu vào mình, trở thành của mình mới được.
Thơ tôi thường nói về tình yêu. Trong tình yêu, cái gì cũng được đẩy đến tận cùng. Ở đó người ta khám phá ra tận cùng của yêu thương, hạnh phúc, đau khổ, ghen tuông, giận hờn. Ở đó có nhiều sự đối nghịch: cao thượng và nhỏ nhen, hạnh phúc và khổ đau, sự hy sinh và lòng ích kỷ... Đôi khi tình yêu chỉ là cái cớ để tôi vẽ lên những tâm trạng cảm xúc của con người, đắm chìm vào đó vui buồn ở một cõi rất con người. Tôi cũng là một người đàn bà bình thường, mong muốn những hạnh phúc giản đơn: “Chỗ của em/ ngôi nhà có tiếng cười con trẻ/ có anh - người chồng/ trở về ăn bữa cơm ngon...
* Chị có đi theo khuynh hương thơ hiện đại không? Có định nghĩa rằng, thơ hiện đại phải đạt 2 yêu cầu: Thứ nhất, phải có tính nhạc; thứ hai, phải vừa mơ hồ vừa chính xác (Paul Verlaine)?
- Tôi không hề nghĩ mình đang viết những vần thơ hiện đại hay truyền thống. Tôi nghĩ chắc có nhiều người cũng giống như tôi. Tôi tự nhận tôi là người viết thơ theo lối truyền thống - theo cách hiểu là thơ có vần có điệu, ít phá cách hoặc ít có những hình ảnh, cách nhìn không theo lối thông thường. Từ nhỏ, tôi đã được học và nghe những bài ca dao, dân ca, đọc Truyện Kiều, thích thơ của các nhà thơ thời Thơ Mới, các nhà thơ thời chống Mỹ, đặc biệt tôi thích thơ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ. Những câu thơ của họ giản dị, gần gũi mà rung động lòng người.
Nhà thơ - nhà báo Võ Kim Ngân hiện là Trưởng Văn phòng đại diện Báo Người Lao Động tại khu vực miền Trung. Chị là hội viên Hội Nhà văn TP. Đà Nẵng với 3 tập thơ đã được xuất bản: Bông hồng ngủ quên (1996), Nhặt mùi hương trầm đâu đây (2005), Viết lúc sang mùa (2010). |
* Trong đêm thơ, nhiều nhà thơ và người yêu thơ đã nhắc nhiều đến lời tự sự: “Tôi đã khoác lên mình cái vỏ xù xì ngang ngạnh bất cần - nhưng tôi là người phụ nữ yếu đuối và nhiều đau khổ - dù không ai tin điều đó”...
- Nếu đó là chân dung của tôi thì cũng là chân dung của nhiều người bởi lẽ có nhiều người càng yếu đuối lại càng tỏ ra mạnh mẽ, xù xì. Họ cố gắng che giấu sự yếu đuối và sự thiếu tự tin của mình. Ai càng đau khổ lại càng muốn che giấu điều đó bằng vẻ ngoài hạnh phúc. Tôi cũng có một bài thơ viết về điều này. Đó là bài “Tôi người đàn bà” trong tập thơ “Bông hồng ngủ quên”, mọi người bảo đó là chân dung tôi thì cũng đúng một phần. Thực ra, đó là sự tập hợp những quan sát của tôi về những người xung quanh.
* Tập thơ thứ tư “Tận cùng mùa thu” sắp ra mắt là nỗ lực rất lớn của chị trong hành trình tất bật, bộn bề bao sự kiện của người làm báo. Sẽ có một đêm thơ tương tác khác, độc đáo hơn, ấm áp hơn và cũng cháy bỏng hơn nhân dịp này?
- Tôi đã chuẩn bị xong bản thảo tập thơ thứ 4 “Tận cùng mùa thu”. Đó là tập hợp những bài thơ, những suy nghĩ mà tôi rút từ cuộc sống. Hình thức thơ sẽ đổi mới hơn. Một đêm thơ nữa là điều tôi không nghĩ tới vì tôi không muốn có sự lặp lại. “Tận cùng mùa thu” sẽ chỉ đến tận tay bạn bè để mọi người cùng đọc trong tĩnh lặng. Đó phải chăng cũng là sự tương tác tuyệt vời!
* Cảm ơn chị!
TÚ PHƯƠNG (Thực hiện)