Đà Nẵng cuối tuần

Chuyện xưa xứ Quảng

Hai mẩu chuyện xưa làng Thái Lai

06:56, 15/08/2010 (GMT+7)

Làng Thái Lai nay thuộc xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, là một trong những làng quê ở Đà Nẵng còn lưu giữ được nhiều di vật của tiền nhân truyền lại cùng với những câu chuyện dân gian nhuốm màu đạo lý.

Nhầm dân ra quan

Chủ nhân ngôi nhà cổ “Tích Thiện Đường” từng được nhiều người tưởng nhầm là quan lớn.

Ông Đỗ Văn Ninh, tên thường gọi là Thủ Tám, dáng người cao to, dung mạo uy nghi, phong cách khác người. Người dân Thái Lai, nhất là những cụ cao niên, còn kể nhiều câu chuyện xung quanh cái vẻ ngoài khác thường của ông.

Lần nọ, ông vận khăn đóng áo dài, chân đi đôi giày vải, cổ cao đến gần đầu gối, cưỡi ngựa đến thôn Phú Sơn, nay thuộc xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, dự lễ nghinh hôn cho một người cháu trong họ. Ông đến trước, thung dung dừng ngựa trước cửa nhà cô dâu. Nhà gái trong nhà cung kính ra chào, bụng bảo dạ không biết có cớ sự chi không mà quan trên phải đích thân xuống tận nơi xem xét. Khi biết ra ông là bác của chú rể, bà con họ nhà gái vừa cười nhẹ cả người, vừa thầm phục họ nhà trai sao có người sang trọng đến thế.

Lần khác, ông theo đường 14 đến thôn Mộc Hóa, nay thuộc xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, để thăm nhà vợ của đứa cháu gọi ông là ông cậu. Hai bên mới làm lễ ăn hỏi, nhà gái thuộc loại danh giá trong làng, ông đại diện nhà trai đi làm quen cốt để kết chặt tình thông gia. Chuyện bất ngờ là đúng lúc đó, có trát quan tri huyện ra lệnh sẽ về tuần tra nơi này, thành thử hương lý các địa phương lục tục kéo nhau ra tận đầu làng nghinh tiếp. Khi ông Thủ Tám oai phong lẫm liệt cưỡi ngựa đi đến, tất cả mọi người cung nghinh rất trọng thị. Ông lật đật xuống ngựa, khi biết ra sự tình, cúi người tạ lỗi, nói rằng mình chỉ là dân thường ở thôn Thái Lai, tổng Phước Tường, huyện Hòa Vang, đi đến nhà ông Xã Nhạc ở thôn Hóa Mộc để kết nghĩa thông gia hiệp hôn cho người cháu, chứ có quan chức gì. Nghe thế, mọi người bẽn lẽn cười, giấu cái sự... bé cái nhầm của mình.

Cũng nhờ vào dung mạo khác người của mình mà khi còn trai trẻ ông được một gia đình tộc Đặng - một “danh gia vọng tộc” ở Túy Loan ngày đó, cảm mến mà gả con gái cho. Sau khi dành dụm được một số tiền, ông đưa vợ về làng Thái Lai, đứng ra kêu gọi chư phái tộc đóng góp làm đình làng, làm lăng thờ Chư vị ở ngã ba Cây Thông. Ông cúng mỗi công trình một sào đất, giao cho người trông coi để bốn mùa hương khói. Khi hoàn thành tâm nguyện, ông mới rước thợ Kim Bồng ra làm nhà cho riêng mình trong ba năm, đặt tên là “Tích Thiện đường” để răn dạy con cháu. Ngôi nhà cổ này hiện do người cháu kêu ông bằng cố là anh Đỗ Hữu Minh trông coi, là một trong những địa chỉ du lịch của Đà Nẵng.

Tiên xử kỷ, hậu xử bỉ

Đình làng Thái Lai còn giữ câu đối: Hòa bình Phước triệu dân tiên Thái/ Phú quý Tường trưng sĩ hậu Lai, trong đó ghép các chữ thành địa danh làng Thái Lai, xã Hòa Phú, tổng Phước Tường. Làng Thái Lai từng có một người làm đến chức Chánh Tuần tổng Phước Tường.

Ngày trước, làng Thái Lai có khu đất thổ phụ chạy dọc theo dòng khe, nhiều đời trước trồng lũy tre là ngà, còn gọi là đằng ngà, da màu vàng có sọc xanh, để ngăn lũ, tránh xói lở và gây ngân quỹ cho làng. Hương ước cấm hẳn mọi người bén mảng đến đây chặt măng, đốn củi, thả trâu bò dẫm phá, nhưng một số người vẫn coi thường hương ước, lén lút đến phá hoại. Khi ông Đỗ Văn Liêu lên làm lý trưởng, thấy của công bị xâm phạm, bèn nghĩ cách ngăn chặn.

Một bữa, ông dặn nhỏ với người giữ trâu: Mai sớm tau đi họp, mi ở nhà thả trâu vô trong đó ăn nghe. Đừng sợ, tau cho phép đó.

Ông đi họp trên tổng về, tạt ngang qua khu thổ phụ thấy có người thả trâu vào khu vực cấm, liền đùng đùng làm mặt giận, tức tốc cho đánh mõ mời hương chức trong làng đến họp để bắt vạ. Hương chức phát hoảng, nói đó là trâu của bà (tức là mẹ của ông) mà, làm sao mà phạt cho được. Ông gạt phắt đi: Trâu nhà mà không trị thì trị được trâu ai. Tiên xử kỷ, hậu xử bỉ - xử mình trước, xử người sau thì nói người ta mới nghe. Nói rồi, ông tuyên phạt người nhà của mình một bàn trầu cau rượu và 50 đồng, buộc phải thú tội giữa làng để mọi người làm chứng. Từ đó, dân làng thấy ông đúng là người quang minh chính đại, không vì lợi riêng mà phụ công việc chung, nên chẳng ai dám bén mảng đến phá phách của công nữa.

Về sau, nhờ tính cách công minh trong công việc của mình, ông được cất nhắc lên làm Chánh Tuần tổng Phước Tường, nên dân quen gọi là ông Tuần Lược, hay Tuần Tổng. Người cháu nội của ông là anh Đỗ Hữu Thanh, khi kể lại chuyện này đã dẫn sách xưa mà gọi đó là “Tiên trị kỳ gia, hậu trị kỳ quốc” – trước phải sửa sang việc nhà cho ổn thỏa, sau mới tính đến chuyện cai trị đất nước.

VIÊN PHÚC QUÂN

 

.