Đà Nẵng cuối tuần

Một không gian bảo tàng mới

08:23, 14/08/2010 (GMT+7)

Nằm trên di tích thành Điện Hải cũ, khuất sau tòa nhà Trung tâm Hành chính đang xây dựng của thành phố, còn quá ít người dân Đà Nẵng biết đến Bảo tàng (BT) Đà Nẵng. Tuy nhiên, đó chỉ là một trở ngại tạm thời...

Bảo tàng Đà Nẵng.

BT Đà Nẵng (còn có tên gọi khác là BT Tổng hợp Đà Nẵng, BT Lịch sử Đà Nẵng) được thành lập từ năm 1989, tọa lạc tại địa chỉ 78 Lê Duẩn, một trong những con đường sầm uất nhất của thành phố. Từ năm 2008 đến nay, do yêu cầu thực tiễn, BT được chuyển về địa chỉ mới 24 Trần Phú. Về tổng diện tích trưng bày, nếu địa điểm cũ chỉ khoảng vài trăm mét vuông thì tại địa điểm mới có đến 3 tầng, mỗi tầng rộng khoảng gần 1.000m2, cho phép không gian BT tải được nhiều lượng thông tin hơn trước. Mặt khác, trong quá trình xây dựng, BT luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố. Đội ngũ cán bộ được tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ máy quản lý, cũng như hoạt động sắp tới của BT.

Theo ông Hồ Đắc Trai, Phó Giám đốc BT, nếu trước đây, BT trưng bày chủ yếu theo lịch sử biên niên, thì giờ đây, kết hợp với trật tự biên niên, các hiện vật, tranh ảnh được trình bày theo các bộ sưu tập phù hợp với từng chuyên đề, có điểm nhấn, có không gian tái tạo, bên cạnh là những hiện vật gốc kèm theo.

Tầng 1 là không gian tập trung nhất của BT, nhằm đem lại cho du khách cái nhìn khái quát về thành phố Đà Nẵng từ xưa đến nay. Bắt đầu từ việc giới thiệu đặc điểm tự nhiên của thành phố như tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng… Kế tiếp là các di tích khảo cổ, các hiện vật biểu trưng cho các ngành nghề truyền thống như làm đá, làm nước mắm, làm bánh tráng… minh chứng cho nền văn hóa biển và văn hóa nông nghiệp lâu đời tại địa phương. Cạnh đó là những hình ảnh minh họa quá trình đô thị hóa Đà Nẵng trước và sau thời điểm 1975. Đặc biệt, không gian “nhà chồ” nhếch nhác được tái tạo và đặt trong sự đối lập với những công trình chung cư khang trang, là điểm nhấn của không gian trưng bày, nhằm nhấn mạnh những thành tựu rất đáng ghi nhận của Đà Nẵng từ những năm sau Đổi mới đến nay.

Không gian làng nghề nước mắm.
Tầng 2 tiếp tục trưng bày với những chủ đề về lịch sử như: Đà Nẵng đi đầu trong cuộc kháng chiến chống Pháp từ 1858 - 1960; Lịch sử đấu tranh cách mạng của thành phố, với những phong trào yêu nước từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX cho đến năm 1975; Chứng tích chiến tranh của lính Mỹ và các vùng phụ cận... Tầng 3 là nơi giới thiệu về văn hóa các dân tộc, bao gồm các dân tộc thiểu số như Cơtu, Co, Giẻ Triêng…, văn hóa người Việt với những ngôi nhà thuần Việt, không gian Tuồng… Đặc biệt, những tư liệu lịch sử, tranh ảnh, bản đồ về huyện đảo Hoàng Sa sẽ được dành một không gian trưng bày trang trọng, xứng đáng với niềm tin yêu của người dân cả nước hướng về quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bên cạnh những hiện vật phong phú đã được tích lũy mấy chục năm nay, không gian trưng bày rồi đây sẽ mới mẻ hơn với những cổ vật lần đầu tiên được đưa ra giới thiệu như gốm Chu Đậu, gốm sứ ký kiểu triều Nguyễn, đồ đồng thời Thương – Chu…

BT Đà Nẵng sẽ là nơi lưu giữ một cách đầy đủ nhất những câu chuyện, những huyền thoại của người Đà Nẵng qua bao năm tháng chiến đấu, bảo vệ và xây dựng mảnh đất thân yêu này. Nay mai, với bao tất bật của cuộc sống hiện đại, người Đà Nẵng vẫn không quên dành chút thời gian rảnh rỗi để ghé thăm BT, suy ngẫm về quá khứ, hiện tại. Còn với du khách thập phương, mong rằng, đây sẽ là điểm đến đầu tiên khi họ đặt chân đến khám phá thành phố bên dòng sông Hàn thơ mộng.

BT Đà Nẵng là công trình đi sau, dù chưa được hoàn thiện, và có thể còn những điều chỉnh so với dự kiến, nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia, sau khi hoàn thành, đây sẽ là BT hiện đại vào loại bậc nhất khu vực miền Trung, tính đến thời điểm này.

Hướng tới chào mừng những ngày lễ lớn trong năm (Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội), hy vọng, BT sẽ sớm đưa vào sử dụng và trở thành một địa chỉ văn hóa hấp dẫn trong quần thể di tích thành Điện Hải lừng danh trong lịch sử dân tộc.

THANH TÂN

.