.

Cách nào bảo tồn di sản phi vật thể?

Nước ta có 3.100 di sản (DS) cấp quốc gia, gần một vạn DS cấp địa phương, một đất nước có thể nói dày đặc DS. Chẳng hạn, Hà Nội sau khi sáp nhập có 5.200 di tích, trong đó các di tích đã được xếp hạng có hàng nghìn.
 
Thành phố Đà Nẵng được bao bọc bởi 3 DS văn hóa thế giới (phố cổ Hội An, đền tháp Mỹ Sơn, kinh đô Huế) thuộc diện DS vật thể, chưa kể 2 DS văn hóa thế giới thuộc diện phi vật thể là nhã nhạc cung đình Huế và cồng chiêng Tây Nguyên. Đấy mới tính đến các DS đã được UNESCO công nhận là tài sản văn hóa chung của nhân loại, ngoài ra còn rất nhiều DS quan trọng, góp phần rất lớn vào đời sống tinh thần của con người, cả vật thể và phi vật thể khác ở địa phương này cũng như hầu khắp các tỉnh, thành phố trong nước.

Bởi vậy bảo quản và phát huy giá trị của di sản, hướng nó vào phục vụ con người là vấn đề rất lớn hiện nay. Đối với các DS vật thể, người ta đã bàn nhiều. Trùng tu, tôn tạo, bảo vệ như thế nào để thắng được sự phá hoại của con người và thiên nhiên. Quản lý các DS thế nào trước tình trạng lấn chiếm, mê tín dị đoan có xu hướng bùng nổ hiện nay. Chống thương mại hóa như thế nào, nhất là với các di tích đã được công nhận là DS văn hóa thế giới… nhưng có một vấn đề cũng rất cấp bách nhưng hầu như còn ít được bàn tới, đó là bảo tồn các DS phi vật thể thế nào trong quá trình hội nhập và làn sóng tây hóa đang bùng phát trong xã hội, đặc biệt là trong giới trẻ.

Ở khu vực miền Trung, ngoài các DS văn hóa thế giới, còn có hàng trăm DS văn hóa, riêng về văn hóa phi vật thể, có thể kể đến nhiều DS đã lừng tiếng bấy lâu, không chỉ trong khu vực mà trong cả nước. Đó là dân ca bài chòi, hát bội, các điệu hò, điệu lý miền Trung, kho tàng dân ca, cổ tích Nam và Nam Trung bộ tuyệt vời và rất nhiều DS văn hóa  như sử thi, múa, nghề dệt, nghề làm gốm… của đồng bào Chăm, Hơrê. Những DS phi vật thể quý giá này đang ngày càng ít công chúng, ít người tiếp nối gìn giữ và hệ quả tất yếu là ngày càng mai một. Không giống như các DS vật thể, chi tiền, đào tạo thợ và có cách quản lý hợp lý là cơ bản có thể bảo tồn được. DS phi vật thể sẽ chỉ còn là hình ảnh của quá khứ khi cuộc sống đã thay đổi. Không phải cứ có tiền là giữ được quan họ, ca trù, hát xoan, hát chèo tàu (miền Bắc), hát bài chòi, hát bội (miền Trung) hay cải lương, đờn ca tài tử, các điệu lý, ru con (Nam Bộ). Càng không thể, trong cuộc sống gấp gáp hiện nay, bắt người ta vẫn phải thích nhịp chậm rãi của chèo, tuồng, cải lương. Khi tàu cá đã chạy bằng động cơ đi-ê-den, người ta vẫn thích hò giật chì, hò mái đẩy. Khi đánh bài bị cấm nhưng vẫn phải thích hát bài chòi.

DS phi vật thể nhiều khi còn quan trọng hơn cả những DS vật thể có thể nhìn thấy, sờ tay vào được.  DS phi vật thể chính là hồn cốt của văn hóa truyền thống, mất nó là mất gần như tất cả. Nhưng bảo tồn và phát huy thế nào đây? Nhà nước cần đầu tư tiền của để gìn giữ, coi những đoàn tuồng, đoàn quan họ, đoàn cải lương, những làng dệt, làng gốm như những bảo tàng. Xã hội hóa nó để toàn dân cùng tham gia theo phương thức lấy DS nuôi DS? Nhà nước chi một phần còn các đoàn nghệ thuật, các DS phi vật thể phải tự tìm cách nuôi mình? Hay còn cách nào khác hơn? Nhưng dứt khoát không nên để các DS phi vật thể mất mát dần như hiện nay.

Vũ Duy Thông
;
.
.
.
.
.