.

Khơi mạch cội nguồn

.
Hiện nay đang có một nghịch lý là đối với các di sản như di tích, di vật… người ta có thể nhìn thấy thực trạng cũng như có được những số liệu thống kê cụ thể. Thế nhưng, có bao nhiêu di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) đã và đang tồn tại thì không phải ai cũng biết và nắm rõ.

Mô tả ảnh.
Hiện nay, các lễ hội đình làng trở thành một phần không thể thiếu của Di sản văn hóa phi vật thể tại Đà Nẵng.
 
Hành trình đi tìm bản sắc

DSVHPVT được hiểu là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ khác như tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học nghệ thuật, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, nghề thủ công, tri thức về y, dược học cổ truyền, văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống và những tri thức dân gian khác… Nếu hiểu đúng theo khía cạnh này, thì chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy nguồn di sản quý này vẫn chưa được các cơ quan chức năng quan tâm nghiên cứu, bảo vệ một cách khoa học.

Bởi, trong báo cáo mới nhất về công tác điều tra thực trạng di sản văn hóa ở thành phố Đà Nẵng do Phòng Nghiệp vụ Văn hóa thuộc Sở VHTT&DL Đà Nẵng cung cấp, chúng tôi chỉ tìm thấy đoạn tóm lược về DSVHPVT. Chẳng hạn, tại quận Liên Chiểu: “Về DSVHPVT đã điều tra và thu thập tài liệu ở các làng (nay là khu dân cư) như: làng Kim Liên, Thủy Tú, Xuân Dương, Xuân Thiều, Nam Ô thuộc phường Hòa Hiệp, các làng Đà Sơn, Khánh Sơn thuộc phường Hòa Khánh Nam, các làng Hòa Phú, Trung Nghĩa, Hòa Mỹ thuộc phường Hòa Minh”. Tại huyện Hòa Vang “Các lễ hội, làng nghề bị mai một chưa phục dựng lại được như lễ hội Mục Đồng làng Phong Lệ (Hòa Châu), làng nghề thuốc lá Cẩm Lệ… Nhìn chung lễ hội còn nghèo nàn, làng nghề cũng chưa được phục dựng và phát huy giá trị truyền thống là mấy”.

Theo ông Võ Văn Hòe, Trưởng phòng Văn hóa-Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, nếu nói về DSVHPVT ở Đà Nẵng mà chỉ nhắc đến lễ hội, dân ca, hò vè, hô bài chòi, hát hò khoan đối đáp thì chưa nói lên được điều gì, vì nó ảnh hưởng trực tiếp từ văn hóa dân gian xứ Quảng. Nếu có người hỏi, bản sắc DSVHPVT tại Đà Nẵng là gì, có lẽ những người như chúng tôi cũng không trả lời được. Vì hiện nay, chưa có một công trình nghiên cứu cụ thể nào về đề tài này. 

Nỗi lo di sản bị mai một

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Hồng, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở VHTT&DL chia sẻ: “DSVHPVT có khái niệm rất rộng, tồn tại chủ yếu trong cộng đồng dân cư. Đây là thách thức lớn đối với người làm văn hóa. Bởi, ghi chép là một việc, còn làm sao đưa nét văn hóa đó trở lại gần hơn với đời sống hiện tại thì cần rất nhiều nguồn lực khác. Nắm vững những đặc trưng của DSVHPVT Việt Nam trong quá trình bảo tồn, sưu tầm, ghi chép tư liệu là yêu cầu có tính tiên quyết với cán bộ làm công tác này”.

Mô tả ảnh.
Đưa dân ca vào trường học giúp thế hệ trẻ có những thông tin về văn hóa dân gian trong đời sống cộng đồng xưa.
 
Thực tế hiện nay, những người còn mang niềm đam mê với giá trị DSVHPVT thường là người cao tuổi. Họ tìm về những giá trị văn hóa tinh thần còn sót lại trong đời sống như một niềm vui, một niềm trăn trở. Như nhạc sĩ Trần Hồng, người có 60 năm nghiên cứu về dân ca, hát bội yêu dân ca bởi những câu hát thấm đẫm tình người như “Giả đò mang giỏ hái dâu/Ghé qua thăm bạn cũ, nhức đầu khá chưa/Chưa khá, ta băng đồng băng xá, ta bẻ một nồi lá ta xông/Phải chi nên điệu vợ chồng, đổ mồ hôi ra ta quạt, ngọn gió lồng ta che”.
 
Vì yêu, ông đã cất công tìm hiểu, bỏ kinh phí sưu tầm và ghi chép thành một số tác phẩm như Nhạc Tuồng, Dân ca Quảng Nam, Hát Đồng dao, Những điệu hò xứ Quảng, Hát Sắc bùa ở Duy Xuyên, Âm nhạc kịch dân ca. “Lâu nay nhiều người băn khoăn tại sao giới trẻ lại không mặn mà với những DSVHPVT, nhưng chúng ta lại không có kế hoạch, chương trình giáo dục nào về DSVHPVT cho thế hệ trẻ. Bởi, chương trình giáo dục cộng đồng những tri thức về DSVHPVT là công việc không thể không làm, một khi chúng ta vẫn muốn xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Các thành viên của Hội Văn nghệ Dân gian Đà Nẵng đã xuất bản một số đầu sách, nhưng phần lớn tác phẩm nghiên cứu đều nói về văn hóa Quảng Nam như Men rượu Hồng Đào, Giai thoại Đất Quảng, Tết xứ Quảng, Hương vị Quảng Nam, Sắc bùa xứ Quảng… Chỉ một vài đầu sách viết về văn hóa Đà Nẵng như Địa chí Văn hóa dân gian làng Phong Lệ, Văn hóa dân gian Hòa Vang... Cũng theo ông Hòe, hiện nay mảng DSVHPVT tại khu vực miền núi hoàn toàn bị bỏ trống, những lễ hội đình làng tại Đà Nẵng bị sân khấu hóa, hiện đại hóa rất nhiều, chưa mang tính đặc trưng. Thể loại hò vè là thế mạnh của Quảng Nam-Đà Nẵng nhưng hiện tại người dân vẫn chưa hình dung được không gian ngày xưa người ta đọc vè như thế nào?

Hy vọng vào một động thái tích cực

Từ ngày 15-8-2010, Thông tư số 04 của Bộ VHTT&DL về việc kiểm kê và lập hồ sơ khoa học cho DSVHPVT bắt đầu có hiệu lực thi hành. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành văn bản mang tính pháp lý về vấn đề này trên phạm vi toàn quốc. Đợt tổng kiểm kê ưu tiên những di sản đang bị mai một cần bảo vệ khẩn cấp.

Vừa qua, Sở VHTT&DL cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện và trình UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt. Theo đó, ngày 3-11 vừa qua, Sở đã mở lớp tập huấn (3 ngày) về công tác kiểm kê cho các địa phương và dự kiến đến tháng 10-2011 sẽ có những số liệu ban đầu về các di sản. Tham gia lớp tập huấn, ông Trần Công Khuê, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Liên Chiểu cho biết, sau lớp tập huấn này, Phòng sẽ xây dựng đề án “Sưu tầm và bảo tồn văn hóa dân gian trên địa bàn quận Liên Chiểu”.

Cũng theo bà Nguyễn Thanh Hồng, để đạt được mục tiêu cuối năm 2011 sẽ có được những thông tin cụ thể về DSVHPVT trên địa bàn thành phố, cán bộ văn hóa phải làm việc tích cực và nghiêm túc. Bởi hiện nay, hầu hết các quận, huyện chưa có báo cáo cụ thể nào về DSVHPVT. Hiện nay Sở cũng đang xây dựng quy chế về lễ hội, xác định các nghệ nhân để đưa vào DSVHPVT, khuyến khích họ truyền dạy cho cộng đồng những di sản mà họ lưu giữ trong tâm thức.

Hy vọng, nay mai, DSVHPVT sẽ được sưu tầm,  ghi chép, phục dựng lại những giá trị văn hóa còn được lưu truyền, để thế hệ trẻ xích lại gần hơn với cội nguồn dân tộc...

Tiểu Yến
;
.
.
.
.
.