Ông Phan Văn Tải hiện ở Thanh Vinh, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, còn giữ một chiếc thắt lưng “7 trong 1”: Ngoài chức năng chính là thắt lưng ra, nó còn có vỏ bao súng, hộp đựng đạn, bộ vỏ và dao găm, đèn pin, hộp la bàn, dầu chùi súng.
Ông nguyên là Quận ủy viên, Quận Đội phó quận Nhì, Biệt động thành Đà Nẵng, Đội trưởng Đội công tác phụ trách phong trào cách mạng. Thường phải hoạt động trong lòng địch với điều kiện rất khó khăn, nên ông đã tự tạo ra chiếc thắt lưng độc đáo này để “lúc nào mình cũng chủ động được mọi việc trong chiến đấu”.
Năm 1963, khi đang hoạt động ở Sài Gòn thì ông nối liên lạc được với đồng đội cũ, chuyển về địa bàn Quảng Nam-Đà Nẵng. Ông về thôn Hồng Phước, xã Hòa Khánh, huyện Hòa Vang, cùng với bố vợ là ông Tăng Ngọc Phương (nguyên Bí thư quận Nhì), ông Hồ Phúc Ngôn... xây dựng cơ sở hoạt động cách mạng. Từ đó, nơi đây đã phát triển đội du kích mạnh, cả 20 nhà trở thành vùng lõm, làm nơi hội họp, học tập của cơ sở từ nội thành Đà Nẵng lên.
Năm 1968, ông nhận chỉ thị phải đưa bà Lê Thị Tính, Tỉnh ủy viên, người Điện Bàn ra Đà Nẵng. Suy nghĩ mãi, không biết cách nào đưa bà một cách hợp pháp để tránh tai mắt địch. Cuối cùng, ông nảy ra ý tưởng cùng đồng đội đóng vai những nhà kinh doanh để đưa bà ra an toàn bằng xe jeep. Ra tới Đà Nẵng, bà kiểm tra các cơ sở của ông Tải từ nội thành lên tới B1 (Hồng Phước). Bà ở lại đây một tuần, đi kiểm tra các địa đạo, hầm bí mật, có lần suýt bị sập hầm.
Cuối năm 1968, đầu năm 1969, sự kiện Lữ Hùng phản bội trong vụ đánh 7 Dũng sĩ Thanh Khê (quận Nhì cũ) khiến cho cơ sở ở Hồng Phước cũng bị ảnh hưởng. Mãi đến năm 1971, ông mới trở về và nối lại cơ sở an toàn.
Trong những tình huống đối đầu trực diện với địch, chiếc thắt lưng “7 trong 1” đã giúp ông vượt qua nguy hiểm, hoàn thành nhiệm vụ trên giao, cuối cùng là đưa bộ đội về giải phóng Đà Nẵng.
Qua đợt sưu tầm những hiện vật, tư liệu liên quan đến Chiến dịch Giải phóng Đà Nẵng năm 1975, các thành viên của Bảo tàng Đà Nẵng đã nhận được hơn 60 hiện vật và hơn 50 hình ảnh, tư liệu. Không ít người như ông Tải lâu nay vẫn giữ ở nhà mình nhiều kỷ vật gắn với những tháng năm hào hùng, quật khởi như thế. Mỗi kỷ vật có một cuộc đời riêng, một linh hồn riêng, tuy đó là sợi chỉ đỏ nối quá khứ với hiện tại của mỗi con người, nhưng là cánh cửa mở ra tương lai của cả một dân tộc.
LÊ HUỲNH