.

Đất quê mùa chuyển nhượng

.

Từ những người một thời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, có vẻ, người nông dân thời nay rành chuyện đất đai hơn cả chuyện giống má. Đến những khu vực đang san lấp ruộng đồng và đang hiện dần hình hài các dự án công nghiệp, ta sẽ nghe những từ đã trở nên quen thuộc: “lô”, “sổ”, “bìa”, “phiếu”, “trăm triệu”, “tỷ đồng”…

Ra ngõ là nghe chuyện đất đai

 

Mô tả ảnh.
Chị L. khẳng định chắc nụi: “Nếu mua miếng đất ni tui sẽ bao luôn việc cắt sổ, chỉ cần 11 triệu là được liền”.

Trước đây, đến các xã thuộc huyện Hòa Vang vẫn còn nghe đầy ắp những trăn trở của bà con về giá giống, giá phân, năng suất và chuyện vụ mùa. Nhưng bây giờ, nếu tạt qua vài xã và hỏi một câu: “Ở đây có ai bán đất không?”, lập tức sẽ nghe hàng loạt câu trả lời na ná: Có chớ;  mua ngoài mặt tiền hay trong hẻm; đầu tư hay để ở; mua phiếu hay đất; hướng mô? rộng mấy; mua riêng hoặc rủ thêm vài chủ gộp lại chia cho lợi? Có bìa (đỏ) giá X, chưa sổ giá Y…

 

Không chỉ nói, họ còn đưa ra một vài mảnh trong khả năng người mua quan tâm. Và nếu cần, người dân sẵn sàng gác công việc, nhiệt tình dẫn khách đi ngắm miếng đất.

Cũng như nhiều người từng được chúng tôi dặm hỏi, chị L. (tổ 7, thôn Quan Nam 1, xã Hòa Liên) nói có đủ các loại khách cần. Trong đó, chị đặc biệt ưu tiên cho chúng tôi “hàng quý”, đó là phần đất của chính gia đình chị bán. Chị L. cho biết, nếu bán giùm người khác, chị sẽ nhận vài triệu tiền hoa hồng. Với đất nhà, giá có phần mềm hơn vì “đi” trực tiếp. Đất nhà chị hiện có hai mảnh, loại 130 mét vuông, 180 triệu, chủ bao sổ đỏ. Miếng khác 7 x 22 m, giá rẻ hơn, chỉ 125 triệu do chưa làm được sổ.  Chị L. khẳng định, mua cái nào cũng an toàn, vì ở chứ có làm ăn chi đâu mà sợ.

Sau khi “thương thảo”, chị L. đưa chúng tôi đi xem đất. Một mảnh đất vừa được ban xới ngay trước… chuồng heo, với mặt tiền giáp ruộng và phía kia là ngõ cụt. Dù vậy, chị L. quả quyết, nếu mua, gia đình chị sẽ làm đường cho đi. Đã thế, người được cho là “ba ruột” của chị này còn nói thêm: “Chỗ ni mới có giá ni, chớ như miếng bên cạnh (ông chỉ vào phần đất trống vuông vức nằm giữa hai ngôi nhà) thì hô hai trăm mấy là bán cái rẹt”.

Trong những ngày đến Hòa Liên, chúng tôi còn bắt gặp cảnh những người dân tụm 3, tụm 5 tại UBND xã. Điều đáng nói, họ là những người sinh ra và lớn lên tại một vùng quê thuần nông trước đây vốn còn nghèo khó, nhưng hôm nay đã đi làm giấy tờ bằng xế hộp. Một phụ nữ được cho là “thứ dữ”, khi nắm trong tay rất nhiều đất của cả hai xã lân cận. Chị liên tục trao đổi qua điện thoại những miếng đất giá 860 triệu, 700 triệu… và hô bán chỉ sau vài phút thương lượng. Chị này còn mạnh miệng nói: “Mua 20 bán 200, mua 30 bán 300, 200 bán 1 tỷ là bình thường!”.

Dịch vụ nhà đất giữa miền quê

 

Mô tả ảnh.
Dịch vụ môi giới nhà đất đang mọc lên rất nhiều tại các xã thuần nông.

Về nông thôn, bóng dáng các hợp tác xã, các sân phơi dường như dần chìm khuất, thay vào đó là nhiều dịch vụ mua bán, ký gửi, tư vấn, thẩm định giá nhà và đất. Mấy ông chủ văn phòng, mới hôm qua còn là nông dân, nay đã mang dáng vẻ doanh nhân với áo vét tươm tất, tay nhẫn vàng nạm đá quý, ngồi bên bàn salon hay miệt mài với laptop. Xung quanh các bức tường của những điểm dịch vụ này là chi chít hình ảnh sơ đồ các khu vực quy hoạch.

 

Qua các trung tâm môi giới, người mua không khó để tìm được mảnh đất có giá trên dưới 1 tỷ, trong khi đó, sẽ khan hiếm nếu muốn mua đất giá bèo. Tại dịch vụ P.T (đối diện UBND xã Hòa Sơn), một người đàn ông cho biết, hầu hết đất tại khu vực này đang khá cao. Muốn sở hữu một lô đất ở đường 5,5m thì chí ít phải có 350 triệu đồng trở lên. Khu vực chạy dọc đường 601 hầu như đã kín chỗ, hoặc giá  mà người có túi tiền khiêm tốn khó mơ tới. Tuy vậy, nếu khách cần đất dao động từ 150 triệu trở xuống thì ông cũng sẽ cho người đưa đi coi, với điều kiện chấp nhận vị trí không được đẹp.

Trong khi đó, ông T.S tự xưng là chuyên viên môi giới của trung tâm T.H tại xã Hòa Liên cũng cho biết, giá đất tại các xã đều đang ở ngưỡng cao từ sau Tết, không biết vì lý do gì. Một mảnh đất vài chục triệu đồng ngay trước Tết đã được đẩy lên tầm gần 200 triệu đồng. Vì vậy, dù đang có rất nhiều “hàng” trong tay nhưng ông T.S chỉ có thể giới thiệu được vỏn vẹn hai mảnh giá thấp nhất là 180 triệu đồng, có bìa đỏ. Theo ông T.S, vì làm dịch vụ cần quay vòng đồng tiền liên tục nên ông chỉ dám kiếm lời 5-10 triệu đồng/mảnh để bán cho lẹ.

Dù những điểm dịch vụ trên tỏ ra đang làm ăn khá suôn sẻ, nhưng theo quan sát của nhiều người dân, không ít chỗ đã đóng cửa sau một thời gian hoạt động. “Họ tưởng dễ ăn nhưng hóa ra không phải”, những người làm dịch vụ mua bán đất tự do nói.

Coi chừng mất hết!

 

Mô tả ảnh.
“Sổ”, “phiếu”, “lô”… là những từ được nghe và nhìn thấy nhiều tại các vùng nông thôn hiện nay.

Trong khi chị L. nói chắc nụi, việc tách sổ, cắt sổ đỏ hiện nay khá đơn giản. Chỉ cần 10 triệu đồng chi phí, kèm theo 1 triệu đồng trả công cho cán bộ sẽ có một sổ mới ngon ơ (!?); thì chuyên viên môi giới T.S lại phản bác: “Ai không biết quy định mới nói vậy. Chưa biết đến ngày 1-4 sẽ ra răng, nhưng hiện nay cả cái huyện này không được tách, cắt sổ đỏ chi hết. Đâu có dễ như rứa được. Cắt từ một mảnh lớn ra nhiều mảnh nhỏ thì khó vô cùng”. Để chứng minh rằng mình nắm rất chắc quy định, ông T.S nói thêm: “Có người trên Hòa Ninh kêu bán lại cho tôi miếng 1.200 mét vuông, giá 600 triệu mà tôi không dám đụng vô. Bởi vì trong đó chỉ có 100 mét vuông đất ở. Lỡ mình tách sổ không được thì chết”.

 

Nói như những người làm dịch vụ nhà đất, thì một là, việc tách sổ hiện quá dễ dàng, chỉ cần bỏ ra ít tiền. Hai là, tuyệt đối không được cắt, tách. Trước những thông tin không thống nhất này, chúng tôi đã trao đổi với ông Trần Văn Trường, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang và được biết: Theo kết luận mới nhất trong cuộc làm việc giữa Chủ tịch UBND thành phố với các sở, ban, ngành và huyện Hòa Vang cách đây không lâu, thì các loại đất rừng, đất vườn, nói chung là đất nông nghiệp không được chuyển mục đích. Với đất có thể tách sổ, quy định trên địa bàn Hòa Vang là mỗi lô phải đạt 150 mét vuông. Thêm vào đó, chủ sở hữu phải trình bày phương án đầu tư cơ sở hạ tầng cùng nhiều quy định nghiêm ngặt khác. Như vậy, không có chuyện muốn cắt sổ đỏ thế nào cũng được. Và cũng không phải tuyệt đối ngưng việc cắt, tách sổ.

Ông Trường khuyến cáo, người dân không nên mua các loại đất giấy tờ chưa rõ ràng, không hợp lệ. Bởi nếu có quy hoạch thì người mua sẽ mất hết, không được đền bù hoặc nếu có chỉ đền theo giá đất nông nghiệp. Đồng thời, nông dân cũng không nên thấy giá đất hấp dẫn mà vội vàng bán ruộng vườn, bởi như vậy sẽ không còn đất sản xuất và tương lai sẽ tiếc nuối.

Phóng sự của Thu Hoa

;
.
.
.
.
.