.

Bóng đá năn nỉ

.

Một quả phạt đền diễn ra ở phút cuối mang tính quyết định thứ hạng của cả giải kéo theo cảnh hỗn loạn, xô đẩy, phản ứng trọng tài. Rồi cả đội bị thổi phạt đền - từ cầu thủ đến huấn luyện viên - tự ý bỏ ra sân khiến trận đấu phải ngắt quãng hơn 20 phút trước sự chứng kiến của hàng triệu người xem cả nước có mặt trực tiếp trên sân và qua màn ảnh truyền hình. Bóng chỉ tiếp tục lăn sau khi các thành viên Ban tổ chức giải đấu dùng hết “tài nghệ” khuyên can, năn nỉ, thậm chí cầu viện đến vài nhân vật khuất mặt ở đâu đó thật xa… Chuyện xảy ra trên sân Hà Nam chiều 19-7 trong trận Than khoáng sản gặp TP. Hồ Chí Minh ở Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia thêm một lần làm u tối bức tranh bóng đá. Sân cỏ Việt Nam vốn ngột ngạt trong cảnh thật giả khó lường với giải đấu dành cho nam giới bỗng thêm căng thẳng vì một sân chơi lẽ ra phải giàu chất hồn nhiên thượng võ của phái yếu.

Mô tả ảnh.
Nhiều cầu thủ Than-Khoáng sản VN bỏ ra ngoài sân để phản đối trọng tài. (Ảnh tư liệu)

Thêm nhiều cái lắc đầu ngao ngán từ phía khán giả. Nỗi buồn chứng kiến hình ảnh phản cảm trong thể thao có thể sẽ sớm phôi pha nhưng sự thất vọng về lối ứng xử theo kiểu năn nỉ của thành viên Ban tổ chức giải thì cơ chừng đã trở thành dấu ấn. Không dám áp dụng điều luật, không mạnh dạn hành xử theo đúng chức năng, quyền hạn, Ban tổ chức các giải đấu bóng đá của nước mình vẫn có thói quen điều hành theo kiểu ấy.

 Nhiều người thở phào: “Vậy là êm xuôi trót lọt. Phải làm như thế mới cứu được giải!”. Với nhiều thành viên điều hành, trận đấu ấy đã đến đích vì  không đội nào bỏ cuộc, mùa giải vì vậy sẽ thành công, các trận đấu diễn ra trọn vẹn đến phút cuối, phận sự của trọng tài, giám sát, đại diện Ban tổ chức được hoàn thành… Những tiếng la ó từ khán đài, sự bất bình, phẫn uất của người xem rồi cũng đi vào quên lãng. Tính công bằng, nghiêm minh trong việc áp dụng điều luật, các giá trị thượng võ trong thể thao lắm lúc là điều phù phiếm!

Năn nỉ để cứu giải, khán giả Việt Nam quen lắm rồi thói hành xử nghiệp dư, dễ dãi ấy của các nhà điều hành, các thành viên Ban tổ chức. Không còn xa lạ cảnh cầu thủ được ban huấn luyện hô hào bỏ ra sân sau một quyết định của trọng tài. Và rồi từ trên khán đài tê tái bước xuống các quan chức điều hành, giám sát. Họ khẩn khoản điều đình, năn nỉ hết người này đến người nọ. Nếu không xong, họ nối máy với cấp cao hơn và rồi ai đó ở đầu dây bên kia cũng tức tốc hành trình… năn nỉ của mình, lần này ở cấp cao hơn, có vai vế lớn hơn. Cả một dây chuyền năn nỉ ỉ ôi diễn ra trong thời khắc dầu sôi lửa bỏng. Và khi đội bóng làm mình làm mẩy kia chịu ra sân trở lại thì ai biết được cái giá mà Ban tổ chức phải trả sẽ như thế nào sau hành trình năn nỉ để… cứu giải!

Nhưng cứu giải hay cứu chỗ ngồi của bản thân họ ở cơ quan điều hành bóng đá, đó là câu hỏi ray rứt. Công chúng có quyền thắc mắc để nghi ngờ về năng lực và uy tín của các nhà điều hành, quản lý: Tại sao không cứu giải - và cũng là cứu lấy chất lượng của cả nền bóng đá - bằng việc thực thi nghiêm cẩn điều luật vốn đã quy định, giao ước trong các giải đấu; tại sao các nhà điều hành không dũng cảm thể hiện trước hết sự cương quyết thực thi điều lệ và đòi hỏi các đội bóng cũng nghiêm túc chấp hành? Cách cứu giải duy nhất phải chăng là thượng tôn điều luật, trong đó, từng thành viên làm hết sức mình để cuộc chơi diễn ra nghiêm túc với sự tự trọng của mỗi người và sự tôn trọng dành cho khán giả.

Ở năm thứ 11 làm bóng đá chuyên nghiệp, buồn thay, thứ bóng đá năn nỉ ấy vẫn còn đất sống và chưa ai biết nó sẽ còn kéo dài đến tận khi nào…

ĐÌNH XÊ

;
.
.
.
.
.