.

Cái tĩn màu da lươn

1. Trong tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, cái tĩn xuất hiện như thế này: “Đây này, hai cái tĩn này đựng nước mắm, cái có chữ thập vôi trắng là nước mắm nhỉ, ngon lắm. Cái có vòng tròn là nước mắm thường, dùng để nêm. An nhớ nhé, đừng dùng nước mắm nhỉ nấu canh, kho cá phí đi. Nhất đấy. Giã ớt tỏi rồi thêm vài muỗng nước mắm nhỉ, chan vào cơm nóng, ăn quên no.
 
Nhớ cái tĩn có vòng tròn là nước mắm nhỉ… à quên, cái tĩn có chữ thập mới là nước mắm…”. Và nữa: “Để tôi cạy nắp cái tĩn này lên là biết ngon dở ngay. Lợi ấn mũi dao nạy lớp vôi trét quanh nắp tĩn, cẩn thận phủi hết các mũn vôi trắng trước khi lật nắp. Mùi nước mắm hơi nồng. Lợi không e ngại gì cả, tự nhiên vào bếp nhà An lục sóng chén lấy một cái chén nhỏ và một cái muỗng con. Anh nghiêng tĩn, múc một muỗng nước mắm màu nước trà đậm ra chén...”.

Hoàn cảnh xuất hiện hai cái tĩn đựng nước mắm mà Nguyễn Mộng Giác tả ở trên là hồi kháng chiến ở miền Tây Bình Định.

Ở Nam Bộ, truyện cười bác Ba Phi cũng có cái tĩn Nam Vang cô độc. Đó là hai cái tĩn  mà nhân vật mang ra sông gánh nước. Giữa đường thấy cá rô bèn dừng lại câu. Dùng một cái đựng cá, một cái lấy nước. Nói trạng rằng vì đầu cá rô to quá phải nhét mãi mới vào được. Khi về nhà, muốn lấy được cá ra phải đập vỡ cái tĩn, nên chỉ còn lại một cái! Theo truyện, cái tĩn Nam Vang khác cái tĩn trong Sông Côn mùa lũ, vì miệng to hơn.

Cả hai loại tĩn giống nhau ở chỗ cái màu da lươn của nó. Cũng giống cái tĩn ở quê tôi hồi nhỏ.

2. Tôi về ăn giỗ ở quê. Ra bụi tre, thấy cái miệng sành màu da lươn lộ ra trong bụi. Moi ra, được cái tĩn cũ, tuy lấm đất nhưng nguyên lành. Mừng quá, đem rửa và bỏ vào túi nylon mang về. Cả một quá khứ tuổi thơ hiện lên cùng với hình ảnh của mẹ.

Hồi nhỏ, mấy cái tĩn luôn ở trong góc bếp. Đựng muối hạt, vài cây cải muối dưa hoặc ít cá  cơm làm mắm dành cho ngày mưa gió. Có một cái chén mẻ dùng làm nắp đậy. Bữa ăn có chút rau vườn, nghiêng cái tĩn múc ít mắm cá cơm còn nguyên con, giã vào ít gừng tươi, vài trái ớt xanh, coi như xong bữa. Muối thì dùng cho nhiều mục đích hơn, nhưng muối cũng là thức chấm có giá của bọn nhỏ chúng tôi mỗi lần vớ được vài quả ổi, quả khế ở đâu đó bên hàng xóm... Dưa cải có thể dùng kho với cá chuồn hay ăn riêng với cơm khoai cũng tiện... Nhờ những cái tĩn đó, mẹ tôi cả tuần mới đi chợ, dành thời gian cho việc đồng áng, nuôi một bầy con. Cũng có nhà trong làng dùng cái tĩn để giữ hạt giống sau khi trộn với tro bếp và lá xoan (thầu đâu) bằm nhỏ phơi khô để chống sâu mọt...

Một lần tôi đau bụng quay quắt, mẹ lấy ít muối sống trong tĩn đem hầm cho chín mịn. Bỏ vào chiếc khăn nhỏ, cột chặt, mẹ bắt tôi nằm ngửa, dùng mớ muối  còn nóng trong khăn vải ấy chà xát khắp vùng bụng cho đến khi tôi mê thiếp đi hồi nào không biết.

Nhưng sau đó, bụng vẫn đau. Nhờ có người mách, mẹ chỉ mua một viên thuốc màu hồng bằng ngón tay, ngọt như viên kẹo bi. Tôi uống vào nửa ngày đã xổ ra một chén sán lãi. Hết đau. Nhưng mẹ vẫn nói, trong chuyện khỏi bệnh kia có phần của mớ muối lâu năm trong chiếc tĩn góc bếp nhà mình...
 
Mang cái tĩn ở bụi tre nhà bác họ về nhà thờ. Trong giấc ngủ trưa tôi nằm mơ thấy mẹ. Nhưng bà bác dâu lại xuất hiện đầu ngõ đòi lại, bảo của bác “để dành” mấy năm nay. Tôi trịnh trọng giao cho bác cái tĩn và như thể đưa luôn cho bà giấc mơ vừa hiện lên nửa chừng trong giấc ngủ...

3. Nhà thơ Đoàn Huy Giao, bạn tôi là chủ nhân bảo tàng tư nhân trên lưng chừng núi Sơn Trà. Ngoài các thứ đồ gốm, sứ cổ quý giá từ văn hóa Sa Huỳnh, Chăm, Đại Việt và cả các triều đại phong kiến Tàu, anh lại có hàng chục các loại hũ, tĩn, bình  lọ da lươn để khắp nơi. Tôi sang chơi, nhìn mê mẩn. Biết ý, Giao tặng tôi một cái tĩn hai da (hai phần ba ở trên có men, phần dưới lộ ra màu vàng của đất sét đã nung), giống cái tĩn tôi đã trả lại cho người bác dâu hôm nọ.

Nhà nghiên cứu gốm sứ bạn tôi kể: “Chưa biết rõ cái làng nào ở Phan Thiết hoặc Khánh Hòa là nơi sản xuất loại tĩn này vì ngày nay không còn nữa. Nhưng chắc chắn là nó được sản xuất dưới thời thuộc Pháp, chuyên dùng đựng cá mòi hấp nổi tiếng ở biển Phan Thiết đưa đi khắp Đông Dương bằng xe lửa, xe ngựa, ghe thuyền hồi đó; trước khi có cá mòi được đóng bằng hộp thiếc về sau. Suy ra, tuổi thọ của những cái tĩn sành da lươn làm bằng tay này cũng ngót nghét 70 - 80 năm rồi không chừng, tôi nghĩ vậy.

Mỗi cái tĩn đều làm bằng tay, tuy hình dạng giống nhau nhưng cái nào cũng có những chi tiết khác cái kia, có cái thô ráp, có cái mịn màng. Có cái men kín hết bên ngoài, lại có cái men loang lổ. Nhưng mỗi cái là một độc bản. Đồ thủ công vốn quý ở chi tiết đó vì nó không phải được sản xuất hàng loạt như thời văn minh công nghệ.

Và càng quý hơn là qua thời gian, từ công dụng để vận chuyển cá mòi đến người tiêu dùng, ra chợ, nó lại có “chỗ đứng” trong đời sống nông thôn tùy theo mỗi hoàn cảnh của từng vùng. Sau khi đóng gói cá mòi để dễ vận chuyển, nó được người Nam bộ dùng đi lấy nước ngoài sông rạch về nhà như người dân tộc Trường Sơn dùng quả bầu hồ lô vậy. Người miền biển Bình Định dùng đựng nước mắm nhĩ đưa lên vùng núi như tả trong Sông Côn mùa lũ. Ở xứ tôi tĩn làm hũ đựng muối, mắm trong những căn bếp nghèo... Tất cả, hình ảnh cái tĩn đều ăn sâu vào đời sống người dân quê để biến thành những chuyện cười của bác Ba Phi, của tiểu thuyết Nguyễn Mộng Giác và đi vào cả bảo tàng dân tộc học của Đoàn Huy Giao... Nó trở thành một phần đời của mỗi người...

Biết vậy, tôi đã lùng vào xóm quê, tìm và xin thêm được 4 - 5 cái nữa. Người ta vất đâu đó trong những bụi lùm quanh vườn và dùng những thứ khác làm bằng nhựa, kim loại để thay thế. Số phận những cái tĩn sành cũng như những vật dụng bằng tre đan, giờ vắng bóng dần...

Tôi rửa sạch từng cái tĩn cũ, chưng lên kệ sách, cắm hoa đặt trên bệ cửa. Để tự dặn rằng từ những cái tĩn cũ màu da lươn cũng là một phần đời trong tuổi thơ nghèo khó của tôi xưa...

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
;
.
.
.
.
.