.

Những nỗ lực sáng tạo

.
Tối 12-7-2011, Lễ trao tặng Giải thưởng Văn học-Nghệ thuật (VH-NT) TP. Đà Nẵng lần thứ II diễn ra tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Đây là Giải thưởng tổ chức 5 năm một lần, được UBND thành phố Đà Nẵng thành lập từ ngày 5-3-2002 theo Quyết định số 34/2002/QĐ-UB nhằm động viên phong trào sáng tác VH-NT, biểu dương, khen thưởng những sáng tác có chất lượng tốt, những tác giả có nhiều đóng góp cho việc phát triển VH-NT của thành phố Đà Nẵng.

Mô tả ảnh.
Họp báo công bố Giải thưởng VH-NT thành phố Đà Nẵng lần thứ II.
 
Hoạt động VH-NT Đà Nẵng những năm qua đang có những tín hiệu đáng mừng. Hầu hết các tác phẩm ở nhiều thể loại đều đã từng đoạt giải thưởng hằng năm của các hội chuyên ngành Trung ương cũng như ở các cuộc thi toàn quốc khác, phản ánh phong phú các đề tài truyền thống và thực tế sôi động đang đổi thay từng ngày của thành phố. Các tác giả được tặng giải thưởng cũng ở nhiều độ tuổi, nhiều thế hệ trải qua các thời kỳ chiến tranh, hòa bình, xây dựng-đổi mới, thể hiện sự lớn mạnh về đội ngũ, sự phát triển về lực lượng sáng tác...

Riêng ở bộ môn Văn học, một trong những chuyên ngành giành được nhiều giải thưởng đợt này, nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VH-NT, Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Đà Nẵng nhận xét: Các tác phẩm trao giải lần này bao gồm các thể loại tiểu luận phê bình, tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ. Tập tiểu luận phê bình “Cảm nhận văn chương - Ngôi thứ tư số ít” của Nguyễn Minh Hùng có lối văn phê bình nhuần nhị, chất triết lý và xúc cảm đan cài. Đặc biệt trong mỗi bài phê bình, Nguyễn Minh Hùng phát hiện ra “một chân dung tinh thần mới” mà trước đó ít được đề cập đến. Các tập thơ “Một gạch và chuyển động” (Thanh Quế), “Lặng lẽ tường đá ong” (Ngân Vịnh), “Ma thuật ngón” (Trần Tuấn), “Ẩn dụ mưa” (Bùi Xuân)… có nhiều sáng tạo, đổi mới về nội dung cũng như nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ. Tiểu thuyết “Chớp mắt đời người” của Đoàn Xoa với giọng văn bình dị, nhiều chi tiết “đắc đạo” có sức lôi cuốn người đọc.
 
Mô tả ảnh.
Một số tác phẩm xuất bản trong 5 năm qua của các văn nghệ sĩ Đà Nẵng.
Phần kết của tác phẩm xúc động lòng người, giàu tính nhân văn, mở ra một góc nhìn đẹp về đồng đội, về tình người, thêm tin yêu cuộc sống. Tiểu thuyết “Cây dừng thiêng” của Đỗ Xuân Đồng viết về các em thiếu nhi miền Nam từ trong chiến đấu được gửi ra miền Bắc học tập trong chiến tranh chống Mỹ. Cách viết chân thực, có dụng công trong xây dựng kết cấu tiểu thuyết dài hơi, mang triết lý suy ngẫm từ các tình tiết đời thường; thể hiện được khát vọng cống hiến, tình yêu quê hương đất nước của tuổi trẻ. Các tập truyện ngắn, ký, tản văn khác như “Đêm trắng phập phù” của Trần Trung Sáng, “Mắt phố” của Nguyễn Kim Huy, “Chiêm bao” của Bùi Tự Lực, “Ngày bắt đầu truyền thuyết” của Nguyễn Nhã Tiên có những nỗ lực sáng tạo đáng ghi nhận trên con đường sáng tác của mỗi tác giả.

Ở lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ Thái Nghĩa, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP. Đà Nẵng cho biết: “Tỷ lệ thành tựu của tác giả trẻ vẫn chưa đáng kể, đồng thời, trên thực tế những tác phẩm của họ cũng chưa phổ cập công chúng như lớp nhạc sĩ đi trước... Tuy nhiên, có hai điểm mới là trong số tác phẩm đoạt giải lần này, có một tác phẩm giao hưởng của nhạc sĩ Phan Ngọc và một tác phẩm nhạc không lời soạn cho Lễ hội Pháo hoa. Bên cạnh đó, những ca khúc đoạt giải dù cũng vẫn đề tài ngợi ca Đà Nẵng, nhưng đã thấy xuất hiện những chủ đề lạ hơn như: ...“Hát từ Hòa Vang xanh”, “Thì thầm với sông Yên”...”.

Về mảng Văn học dân gian, số lượng tác phẩm đoạt giải tuy không nhiều, nhưng theo đánh giá của Hội đồng Giải thưởng thì đây là những công trình biên soạn rất công phu, kịp thời, có giá trị để lại thế hệ mai sau. Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Võ Văn Hòe cho hay: “Nổi bật là Tổng tập VHDG thu thập được nhiều tư liệu mới quý hiếm, đặc biệt là thể hiện rõ nét ở các lĩnh vực lễ hội, làng nghề, ẩm thực. Tập VHDG Hòa Vang là một biên khảo khu biệt trên địa bàn Đà Nẵng xưa. Với đề tài nghiên cứu về dân ca bài chòi, nhà nghiên cứu Trương Đình Quang đã có những phát hiện độc đáo, giá trị. Điều đáng nói  hơn nữa là hoạt động nghiên cứu VHDG ngày càng có sức thu hút, anh em hội viên tham gia công tác điền dã nhiều hơn, chuyên nghiệp hơn”.

Trao đổi với báo chí, trước khi diễn ra buổi Lễ tổng kết giải, ông Bùi Công Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VH-NT Đà Nẵng, nói rằng: “Quá trình đầu tư, vận động tác giả các chuyên ngành tham gia giải diễn ra không dễ dàng. Bởi không phải các Hội chuyên ngành và các tác giả sẵn sàng góp mặt. Bởi vậy, Giải thưởng ít nhiều thiếu sự đồng đều với các Hội chuyên ngành. Bên cạnh đó, sự thiếu vắng của thế hệ trẻ cũng là điều đáng tiếc...”.

Hy vọng với những thành tựu đạt được từ Giải thưởng VH-NT TP. Đà Nẵng lần thứ II, các văn nghệ sĩ thành phố sẽ tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, đem đến công chúng nhiều sáng tác mới, góp phần vào sự phát triển của một thành phố trẻ năng động không ngừng chuyển mình, bứt phá.

Có 215 tác phẩm và 12 cá nhân tham gia đăng ký dự xét giải _ 53 tác phẩm được tặng thưởng, trong đó có 45 tác phẩm của cá nhân và 8 tác phẩm của nhóm tác giả gồm 4 giải A, 24 giải B, 14 giải C, 11 giải khuyến khích và 7 giải cá nhân gồm 2 giải B và 5 giải C. Tổng số tiền thưởng là 1,1 tỷ đồng.
4 giải A:
-Cảm nhận văn chương – Ngôi thứ tư số ít (Tiểu luận, phê bình văn học của Nguyễn Minh Hùng).
- Người giữ thành Hà Nội (Phim tài liệu của Huỳnh Hùng – Võ Nhật Hoàng).
- Cụm tác phẩm Văn nghệ dân gian đất Quảng (sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn của nhóm tác giả, chủ biên Võ Văn Hòe, Hoàng Hương Việt, Bùi Văn Tiếng).
- Một thời và mãi mãi (Kịch múa của NSƯT Lê Huân, NSƯT Hồng Hà, NSƯT Bá Thái.
 
TRẦN TRUNG SÁNG
;
.
.
.
.
.