.

Nhớ Tết

Sau hai tuần trời miền Trung chìm trong màu xám, xế trưa nay, tự nhiên một mảng nắng vàng rực ló dạng làm cả nhà ngỡ ngàng, tíu tít. Nào đem phơi nắng mấy chiếc chăn màn, kéo cái rèm cửa nặng trịch cho không khí ấm áp ùa vào căn nhà lạnh. Nắng lên như kéo cái Tết đang đến chậm rãi sẽ đến nhanh hơn.

Bỗng dưng, một cảm giác nhớ Tết, nhớ bồi hồi  và bối rối không biết  cái nhớ ấy muốn hiện rõ thì sẽ bám víu vào điểm nào trước. Mấy năm nay, phong trào ngao du sơn thủy đầu xuân đã cuốn cả nhà trong những chuyến đi triền miên, những cái tết nhẹ tênh, chắp nhặt. Hai mươi ba cúng ông Táo xong, hai mươi bốn tháng Chạp là đóng cửa nhà, chúc Tết hàng xóm trước rồi lên đường. Những cái Tết có thể là một chợ hoa đào, hoa mai bé xíu họp ven một thị trấn, là làn mưa phùn mù mịt giá rét của Sapa, ngày ba mươi Tết lên xứ Tam Đảo hưởng đặc sản sương mù và su su luộc chấm muối vừng. Bánh chưng mua từ những cửa hiệu nổi tiếng như Quốc Hương ở Hàng Bông Hà Nội, hay mấy đòn bánh tét vô danh đâu đó giữa cái nóng ngột ngạt của miền Tây. Món Tết hương hoa thế thôi trên xe và trong khách sạn, cả nhà còn vui cười vì thoát chuyện tủn mủn chuẩn bị đón xuân khi chợt có bạn bè gọi điện thở than chiều ba mươi mệt lử vì dọn nhà đến ba ngày vẫn chưa xong.

Vậy mà trưa nay, cái mảng nắng vàng đổ xuống  khi tờ lịch bóc chỉ  thời điểm Rằm tháng Chạp làm xáo động những kế hoạch. Cả nhà bỗng dưng nhớ Tết quay quắt ngay giữa căn nhà thân thuộc của mình. Rồi cuộc trưng cầu ý kiến nhanh chóng đạt được sự đồng thuận cao, năm nay lại ăn Tết ở nhà, và ăn Tết thật truyền thống nhé! Bọn trẻ vỗ tay, năm nay chúng mình không phải lưu vong mấy ngày Tết nữa rồi! Kỳ lạ thật, thiên hạ người ta đang ngán Tết kia, mà mình lại kêu nhớ Tết!

Vậy mà vẫn có chút thoáng bối rối về chữ “Tết truyền thống” trong cố gắng làm gì cho thật đặc biệt. Con gái nêu ý kiến một chậu cúc thật vàng trong góc phòng với mảnh vải đỏ ghi một lời chúc xuân đích thị là màu Tết cổ điển. Thằng em nó reo lên, mẹ đừng mua gà siêu thị, mẹ mua một lồng gà để trước sân, buổi sáng có tiếng gà gáy ó o, thì đó là Tết! Gà bây giờ phải lên ban-công, phải trèo sân thượng để gáy thôi. Thế mới chợt nhận ra cuộc sống đã thay đổi khi hằng ngày chúng ta cố cơi nới, tận dụng từng mét đất thành thị để đến bây giờ thiếu cả chỗ cho một tiếng gà gáy ban mai. Cuốn sổ ghi kế hoạch Tết cổ truyền dần dần phải gạch đi quá nhiều dòng chữ nhảy nhót reo vui. Ba nó kêu cố nấu một nồi bánh chưng bánh tét vì… nhớ mùi khói chiều. Yêu cầu này coi vậy mà khó và bở hơi tai đây, nhưng cứ nghĩ đến chuyện được ngồi đẩy củi vào bếp, hít hít mùi khói và ngắm cái cảnh chộn rộn quanh nồi bánh là thấy đã rồi! Và tôi chợt cười mình khi phải vào google để xem danh sách các món cỗ Tết cúng chiều ba mươi bao gồm những món gì cho chuẩn!

Để rước Tết sớm vào nhà chính là đi mua báo Tết! Mấy chục năm nay giai phẩm xuân luôn là  một món ăn tinh thần ngày Tết, không có nó Tết sẽ đến rất muộn và có nhạt đôi phần. Buổi sáng ra cà-phê cóc ngã tư, thấy bác xích lô ngồi chờ khách cũng đang đeo kính nhẩn nha đọc báo Tết. Vừa thưởng thức hương cà-phê nóng trong cái giá lạnh, vừa liếc mắt sang quầy báo gần đó, thấy đôi cụ ông đi chọn giai phẩm xuân, giới thiệu với nhau báo này báo kia có bài viết về Bùi Giáng xứ Quảng quê mình đó! Cứ thế nhẩn nha đọc báo Tết, dọn nhà cửa từ từ để một hôm thấy con đường quen thuộc hằng ngày bỗng  rực rỡ thành đường hoa xuân, xế bên góc nhà hát, xuất hiện một chợ mai nho nhỏ, loại mai núi cành lá rườm rà, nhưng sắc hoa núi óng vàng làm cho góc phố cứ  ấm dần lên, lúc này thì không thể ngồi nhẩn nha nhớ Tết nữa bởi đích thị là Tết đã gần kề!

Bích Hồng
 

;
.
.
.
.
.