.

Những cái Tết xa quê

.

Gần Tết, trời se lạnh, đường phố tấp nập đèn, hoa. Không khí Tết tràn về khắp phố phường, ngoài kia những dòng người ngược xuôi đang hối hả cho một chuyến đi dài để về bên gia đình, chung nhau mâm cỗ tất niên ngày cuối năm. Nhiều người vì lý do nào đó mà không về quê nhưng những cái Tết xa quê của họ cũng ấm áp nghĩa tình, cũng tràn đầy niềm vui.

Hội những doanh nghiệp người Quảng Trị ở Đà Nẵng tặng quà các hộ nghèo ở Hòa Hiệp Bắc.
Hội những doanh nghiệp người Quảng Trị ở Đà Nẵng tặng quà các hộ nghèo ở Hòa Hiệp Bắc.

1. Với nhiều người, Đà Nẵng đã trở thành quê hương thứ hai, thành niềm yêu mến gắn bó không rời. Hơn 30 năm sống ở Đà Nẵng, bắt đầu lập nghiệp bằng hai bàn tay trắng đầy gian khổ, khó khăn, bà Nguyễn Thị Hợp (Hòa Khê, Thanh Khê) cho biết quê bà tận Thường Tín, Hà Nội nhưng giờ sống ở đây lâu, quen rồi, không còn cảm giác đang sống ở đất khách quê người nữa, mà nó giống như máu thịt, ruột rà, xa là nhớ. Cậu con trai cả của bà, anh Nguyễn Trọng Quân đang công tác ở Hà Nội, nhưng Tết nào cũng đưa vợ con về Đà Nẵng ăn Tết cùng gia đình, thỉnh thoảng anh còn mang theo cành đào hồng thắm. Bà tâm sự “ngoài Thường Tín vẫn còn một ngôi nhà của ông bà để lại, cũng còn họ hàng nhưng giờ tuổi cao rồi nên ít về, có anh con cả làm ở ngoài đó thỉnh thoảng ghé về hương khói cho các cụ, thế cũng yên tâm”.

Quê tận Xuân Trường, Nam Định, vợ chồng anh Trần Văn Tường (Hòa Phát, Cẩm Lệ) vào Đà Nẵng được hơn 6 năm. Vợ chồng anh có quán nhậu nhỏ, những ngày lễ, Tết chính là dịp để tăng thêm thu nhập, có lẽ vì vậy mà cứ đều đặn hai năm vợ chồng anh mới đưa nhau về quê ăn Tết một lần. Các con ở với ông bà nội, năm nào không về được vợ chồng anh đều gửi tiền về để ông bà sắm Tết cho các con được đủ đầy. Chị Chi, vợ anh ngậm ngùi “Tết nhất nhìn người ta đưa nhau về quê cũng thèm lắm, nhưng vì mưu sinh nên đành cố gắng thôi, chỉ mong đêm giao thừa đừng nghẽn mạng để được nghe không khí ấm áp ở nhà, mình ở đây ráng thêm vài năm nữa rồi đón hai cháu vào ở cùng bố mẹ luôn”.

2. Mỗi người đều có một lý do riêng để gắn bó với Đà Nẵng. Họ đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau, với nhiều người họ như đang sống giữa quê hương của họ. Anh Trần Thanh Bình – Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Trị tại Đà Nẵng cho biết, Hội thường có những hoạt động thăm hỏi, động viên các thành viên trong hội những lúc ốm đau, khó khăn, đặc biệt hằng năm hội có ra mắt tập san Tình Quê, là nơi để những người con xa quê gửi gắm tình cảm của mình với quê hương.

Ngoài ra, hội những doanh nghiệp của người Quảng Trị tại Đà Nẵng còn tạo điều kiện cho con em đồng hương học tập tại thành phố có nơi thực tập cuối khóa, hỗ trợ học bổng, hỗ trợ mùa thi, thường xuyên có các hoạt động hỗ trợ trên quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng như năm 2010 tặng các phường Hòa Thuận Đông, Hòa Thuận Tây, xã Điện Tiến, Điện Thắng… 10.000 tập vở; tháng 9-2011 tặng sách vở, quần áo cho học sinh Trường dân tộc nội trú Nam Giang. Và gần đây nhất, khi Tết đến xuân về, Chi nhánh Công ty TNHH MTV Thực phẩm và đầu tư Fococev tặng gạo và dầu ăn cho 60 hộ nghèo ở Hòa Hiệp Bắc với tổng giá trị hơn 10 triệu đồng. Anh Bình cho biết, đây là cách để các doanh nghiệp cũng như nhiều người con Quảng Bình đang sinh sống tại Đà Nẵng đáp lại những nghĩa tình mà người dân Đà Nẵng đã dành cho họ.

Người ta yêu mến Đà Nẵng, yêu cả những nét bình dị, đậm cái thật thà, chân chất, họ sẵn sàng đưa tay giúp đỡ những người con xa quê, cưu mang họ như chính người nhà của mình. Chị Nguyễn Thị Hương (27 tuổi, quê Hải Phòng) đang là công nhân Khu công nghiệp Hòa Khánh nhớ lại, năm ngoái những ngày giáp Tết,  chị bị tai nạn không về quê ăn Tết được. Tưởng sẽ phải thui thủi một mình trong căn phòng trọ vắng hiu hắt nhưng không, ba ngày Tết chị được cô chú chủ nhà mời sang ăn Tết cùng gia đình. “Tự nhiên khi đó thấy một cảm giác rưng rưng đến khó tả, ấm áp như đang ngồi giữa gia đình mình” - Hương xúc động cho biết.

3. Mùa xuân đang về, Tết đã đến rất gần, những bài hát xuân nghe nao lòng đến thế. Mới đây thôi, Huyền Trang - cô bạn thân của tôi lập gia đình, cô ấy chính thức làm dâu Đà Nẵng, năm nay Trang sẽ ăn Tết ở thành phố này. Trang vừa háo hức chờ đón một cái gì đó thật mới mẻ ở gia đình mới, vừa nôn nao nỗi nhớ nhà, nhớ quê khó tả nhưng có gì đó bình yên đến lạ. Rồi Trang cũng sẽ như nhiều người khác, sẽ gắn bó với thành phố này và coi nó như quê hương. Những cái Tết xa mà thật gần, dù ở đâu thì trong ngày quan trọng nhất của năm, trong tiếng pháo bông đì đùng đêm giao thừa, trong mùi khói nhang thơm nhè nhẹ, ai nấy đều thấy thật ấm áp và ở thời khắc thiêng liêng đất trời, con người hòa làm một ấy, dường như những nhọc nhằn, vất vả đã tan biến hết để hy vọng vào một năm mới tươi đẹp hơn.

Thu Hà

 

;
.
.
.
.
.