.
CHUYỆN XƯA XỨ QUẢNG

Thơ xuân viết trên đèo Hải Vân

.

Mùa xuân năm 1719, Minh Vương Nguyễn Phúc Chu có cuộc tuần du Quảng Nam và để lại hai dấu ấn đặc biệt trên đất Quảng: Viết bảng bằng chữ vàng ban cho chùa Cầu tại Hội An với tên Lai Viễn Kiều và viết bài thơ Ải lĩnh xuân vân khi qua đèo Hải Vân.

Chén sứ Thanh Ngoạn được chế tác vào thế kỷ XVIII có bài thơ “Ải lĩnh xuân vân”. (Bộ sưu tầm của Vương Hồng Sển, được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh bảo quản)
Chén sứ Thanh Ngoạn được chế tác vào thế kỷ XVIII có bài thơ “Ải lĩnh xuân vân”. (Bộ sưu tầm của Vương Hồng Sển, được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh bảo quản)

Về việc ban bảng chữ vàng cho Chùa Cầu, sách Việt sử xứ Đàng Trong viết “Năm Kỷ Hợi (1719) Quốc Chúa đi thăm dinh Quảng Nam, duyệt binh mã, rồi đến phố Hội An, thấy chỗ cầu Nhật Bản có thuyền buôn các nước tụ hợp, nên đặt tên là cầu Lai Viễn và viết chữ biển vàng ban cho” (trang 223).

Về bài thơ Ải lĩnh xuân vân sách Đại Nam Nhất thống chí, Thừa Thiên Phủ, Tập Thượng (Bản dịch của Nguyễn Tạo, Bộ Quốc gia Giáo dục Sài Gòn năm 1961) có viết “Đời vua Hiển Tông Hoàng Đế (1691 - 1724) khi tuần hành Quảng Nam qua núi Hải Vân có ngự đề bài thơ rằng...” (trang 54).

Ải lĩnh xuân vân là một bài thơ hay, ý thơ chứa nhiều điều sâu kín và là một trong những bài thơ sớm nhất viết về ngọn đèo được xem là “Đệ nhất hùng quan” của nước Việt mà ngày nay một phần nằm trên địa phận của quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Đây cũng là một bài thơ có nhiều điểm đặc biệt:
Theo sách đã dẫn ở trên (do Quốc sử quán triều Nguyễn viết) thì bài thơ chỉ có 4 câu:  

Việt Nam hiểm ải thử sơn điên/ Hình thể hoàn như thục đạo thiên/ Đản kiến vân hoành tam tuấn lĩnh/ Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên.

Nguyễn Tạo dịch: Chốt núi này là hiểm trở nhất Việt Nam/ Hình thể giống như đường đi ở nước Thục/ Chỉ thấy mây giăng trên ba núi lớn/ Không hay mình ở mấy từng trời.

Gần đây nhà sưu tập Trần Đình Sơn đã tìm được bài thơ này trên một tô gốm sứ Thanh Ngoạn được chế tác từ thế kỷ XVIII. Đặc biệt lần này bài thơ có đủ 8 câu và ở hai câu đầu có sự khác biệt vài chữ và cuối bài thơ được ghi là Đạo nhân thư chứ không ghi Minh vương, hay Thiên Chúng đạo nhân như vẫn thường dùng khi nói về Nguyễn Phúc Chu trong lịch sử.
Bài thơ trên tô sứ Thanh Ngoạn có nội dung như sau:

Dịch thơ:  Mây xuân đỉnh ải

Việt Nam hiểm trở có non này/ Thục đạo nghìn trùng chót vót thay!/ Chỉ thấy mây giăng ba đỉnh lớn/ Nào hay người ở mấy từng đây?/ Không khe suối cũng dầm xiêm áo/ Chẳng tuyết băng sao buốt tóc mày/ Gió biển quyện xin thành mưa móc/ Ruộng dâu ngàn dặm tốt tươi bày.

Vì việc này mà sau này có người nghi ngờ về tác giả của bài thơ (Phạm Hy Tùng Hy Bá, trong bài Tìm về Minh Vương Nguyễn Phúc Chu qua bốn bài thơ đường luật trên đồ gốm cổ, Tập san Nghiên cứu Huế Tập 5-2003) hoặc cho là có hai bài thơ khác nhau, một của Nguyễn Phúc Chu, một của Hiển Tông Hoàng đế (Bùi Hồng Khanh trong Hải Vân Đất lửa anh hùng, NXB QĐND, 2011, trang 57, 58).

Qua việc phát hiện bài thơ này trên tô sứ Thanh Ngoạn người sau hiểu thêm rằng đồ gốm cổ cũng có giá trị như một thư tịch cổ.  

Mặt khác, bài thơ cũng cho thấy tinh thần “Tam giáo đồng quy” (Nho – Lão - Phật) của xã hội Đàng Trong vào thời đó. Khẩu khí đế vương (Nho giáo) được thể hiện rõ trong vương vị (Minh Vương, Quốc Chúa) cũng như trong ý câu thơ (Duy nguyện hải phong xuy tác vũ/ Chính nghi thiên lý nhuận tang điền). Với bút danh Đạo nhân thư và Thiên Túng đạo nhân cũng như với hai câu thơ “Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên/... Duy nguyện hải phong xuy tác vũ” đã phảng phất chút màu sắc của Lão Trang. Còn về Phật giáo, ta nhớ Nguyễn Phúc Chu là người rất sùng đạo, chính ông đã cho mời vị cao tăng Thích Đại Sán (Thạch Liêm đại sư) sang giảng đạo và cũng chính vị Đại sư này quy y cho Chúa. Chúa Nguyễn Phúc Chu cũng là người cho đúc chuông và viết bài minh trên chuông chùa Thiên Mụ (1710) và cho trùng tu ngôi Quốc tự này vào năm 1714.

Nguyễn Phúc Chu là một trong những vị chúa tài năng hàng đầu của các chúa Nguyễn, ông có nhiều công lao đối với đất nước, nổi bật là để lại 34 năm cầm quyền thịnh vượng cho xứ Đàng Trong, thu phục toàn bộ vùng Thủy Chân Lạp về cho Đại Việt, mở rộng cương giới nước ta từ Bình Thuận cho đến tận Hà Tiên. Đọc bài thơ Ải lĩnh xuân vân giúp chúng ta hiểu thêm tài văn chương cũng như tấm lòng của vị Quốc Chúa đối với đất nước và nhân dân.

Mùa xuân 293 năm trước, có một vị Quốc Chúa tài ba với râu tóc xiêm áo ướt đẫm, rét run đứng trên đèo Hải Vân, hướng về phía Đà Nẵng, đã dâng lời nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng tươi tốt, đất nước thịnh vượng. Mùa xuân này đọc lại bài thơ cũ để tưởng nhớ người xưa và cũng để dâng lên lời nguyện ước muôn đời của dân tộc.

LÊ THÍ

;
.
.
.
.
.