.

Kỳ vọng thế Rồng bay

.

Năm Nhâm Thìn là năm con Rồng nên Hội Hoa xuân Đà Nẵng cũng mở một “đại tiệc rồng” đãi du khách gần xa, từ sự tích Tiên Rồng đến Long, Lân tranh châu, hình tượng rồng hoa qua các triều đại…

Con rồng sứ đặt chính giữa con đường vào Hội Hoa xuân 2012.
Con rồng sứ đặt chính giữa con đường vào Hội Hoa xuân 2012.

Rồng bay qua cụm hình tượng rồng

Nổi bật ở cổng chính vào Hội Hoa xuân là con rồng được kết bằng các đĩa sứ dài 40m, tính cả đường uốn lượn thì độ dài lên đến 57m. Rồng  được làm từ Trung Quốc cách đây đúng 12 năm. Trong cụm 8 con rồng tại lễ hội, rồng sứ gây ấn tượng mạnh hơn cả khi được tạo dáng uốn lượn tinh xảo. Vẩy rồng là những chiếc đĩa, bát, chén làm bằng sứ xếp đặt rất cẩn thận. Đầu rồng được làm rất kỳ công, chân rồng có 4 móng, đuôi rồng được tạo dáng theo hình bông sen.

Hai bên con rồng sứ là cặp rồng bằng cây xanh dài 54m, tính cả chiều uốn lượn thì độ dài lên tới hơn 70m theo thế “Song long tụ hội” được làm từ 7 lùm cây gừm đặt mua từ Bến Tre. Ngay phía sau rồng sứ, trước bến du thuyền là hai chú rồng sắt nhỏ hơn. Và rải rác trong công viên có thêm 3 con rồng nhỏ, đã tạo ấn tượng mạnh cho người dân thưởng ngoạn, nhắc mỗi người nhớ đến con vật biểu tượng của năm. Cụm hình tượng rồng còn tạo nên nét hùng mạnh, cường tráng và kỳ vọng vào thế Rồng bay lên với một tương lai của đất nước trong năm mới.

Tái hiện huyền thoại Âu-Lạc

Năm con Rồng, các nghệ sĩ tham gia trình diễn trong Hội Hoa xuân thết đãi du khách những bữa tiệc tinh thần giàu ý nghĩa khi tái hiện Sự tích Tiên Rồng (Lạc Long Quân và Âu Cơ).

Con rồng làm từ những cây gừm tỏa sáng vào buổi tối.
Con rồng làm từ những cây gừm tỏa sáng vào buổi tối.

Theo huyền sử, vào khoảng năm 2879 trước Tây lịch, Kinh Dương Vương là vua nước Xích Quỷ lấy Long Nữ đẻ ra Sùng Lãm. Khi Sùng Lãm nối ngôi cha làm vua đã xưng là Lạc Long Quân.

Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, đẻ ra một bọc trứng nở thành trăm người con trai. Lạc Long Quân bảo Âu Cơ: “Ta là dòng dõi Rồng còn nàng là dòng dõi Thần tiên, ở với nhau lâu không được. Nàng hãy đưa 50 con lên núi, ta đưa 50 con xuống biển”. Từ đó nước Xích Quỷ chia ra nhiều nước gọi là Bách Việt.

Lạc Long Quân phong cho người con trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương. Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu (nay thuộc tỉnh Phú Thọ), đặt tướng văn gọi là Lạc hầu, tướng võ là Lạc tướng; con trai của vua gọi là Quang lang, con gái là Mỵ nương. Quyền chính trị cha truyền con nối được 18 đời gọi là họ Hồng Bàng.

Đó là sự tích hình thành nên nước Việt Nam và chỉ có người Việt mới có hai từ “đồng bào” (có nghĩa là cùng một bọc) để gọi nhau.

Trên sân khấu Hội Hoa xuân, các nghệ sĩ đã hóa trang thành Lạc Long Quân mặc áo vẩy rồng, Âu Cơ mặc áo tiên nữ, cùng các Lạc hầu, Lạc tướng múa một con rồng dài 30m. Các nghệ sĩ tái hiện cuộc sống của cư dân thời đó qua cảnh săn bắn, gieo hạt, cấy lúa, gặt lúa; cảnh đánh võ, múa giáo, múa gươm; cảnh chia tay đầy lưu luyến giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ. Những hoạt cảnh đã một phần nào giúp thế hệ trẻ hôm nay hình dung ra cuộc sống của cha ông cả nghìn năm trước; nhắc chúng ta nhớ về nguồn cội con Lạc cháu Hồng; đến tình đoàn kết tương thân, tương ái của người Việt mà không phải dân tộc nào cũng có được. Và dù ở đâu, ở miền núi hay hải đảo, ở xa Tổ quốc hàng vạn dặm, người Việt vẫn luôn hướng về dân tộc, đến quê hương nguồn cội, để ngày Tết lại muốn được sum vầy, và kỳ vọng về một tương lai tươi sáng ở phía trước.

Ngay sau phần tiểu phẩm trên sân khấu, các nghệ sĩ trong vai Lạc Long Quân, Âu Cơ và các quan văn võ đã đi qua tất cả những khu có tổ chức vui chơi Tết trong công viên Hội Hoa xuân và con rồng 30m đã dừng lại ở một số địa điểm để múa cho người xem.

Ngoài ra, hội trống mang tên “Âm vang trống trận mừng xuân” với cảnh Long Lân quần hội và Long Lân tranh châu đã tạo thành những buổi biểu diễn âm vang sắc màu. Trong tiếng vỗ tay tán thưởng của du khách, “đại tiệc rồng” đã thực sự tạo được dấu ấn trong lòng khán giả khi bước chân hòa vào ngày hội này.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.