.
Cửa sổ tri thức

Về tên của cụ Trần Quý Cáp

* Lâu nay tôi vẫn quen gọi Tiến sĩ Trần Quý Cáp nhưng thực ra chẳng rõ chữ Cáp ở đây nghĩa là gì, xin quý báo giải thích giùm? (Nguyễn Đình, Hải Châu, Đà Nẵng).

- Theo Wikipedia, tên của TS Trần Quý Cáp (1870 – 1908) được viết bằng chữ Hán là 陳貴合. Theo Từ điển Hán Việt trích dẫn (tra trực tuyến tại http://hanviet.org), chữ 合 có ba cách đọc, trong đó có hai cách đọc phổ biến là hợp/ hiệp (đồng tâm hợp lực, liên hiệp,…) và một cách đọc khác ít phổ biến là cáp. Nếu 合 đọc cáp thì (danh từ) có nghĩa là “lẻ, mười lẻ là một thưng”. Theo Từ điển Hán Việt trực tuyến 2.23 (http://annonymous.online.fr/HVDic/onldic.php), chữ 合 nếu đọc là cáp thì có nghĩa là cái cửa ngách.

Tuy nhiên, hai nghĩa trên đây đều không thích hợp với tên gọi của một người học trò giỏi như Trần Quý Cáp. Như ta đã biết, lúc nhỏ ông tên là Trần Nghị. Là con của một người vừa làm ruộng vừa đọc sách, ông thông minh, hiếu học, đọc quyển sách nào thì hiểu và nhớ ngay quyển đó. Nhà nghèo, không có sách đọc, ông qua mượn sách ở nhà cụ Phụ đạo Nguyễn Thành Ý (1820 - 1897) - người được xem là vị lãnh sự ngoại giao đầu tiên của nước ta. 20 tuổi, ông đã nổi tiếng văn chương khắp vùng, đến tai cụ Đốc học Mã Sơn Trần Đình Phong, cụ đã chọn ông đưa về học trường tỉnh ở Thanh Chiêm, cấp học bổng cho ông và cho đổi tên ông thành Trần Quý Cáp. Ông là một trong sáu học sinh lỗi lạc của cụ Đốc học gồm: Phạm Liệu, Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Quang, Trần Quý Cáp.

Như thế, chữ cáp trong tên ông phải viết một cách khác và có một nghĩa khác. Đó là chữ 恰 đã được cụ Huỳnh Thúc Kháng ghi lại bằng chữ Hán trong “Thai Xuyên Trần Quý Cáp tiên sinh tiểu truyện” (台川陳貴恰先生小傳). Chữ cáp này gồm có chữ 合 (đọc là hợp/hiệp/cáp như đã nói trên) với bộ tâm đứng忄và được Từ điển Hán Việt trực tuyến 2.23 giảng là: “vừa vặn, thích đáng”.

Tóm lại, về tên của TS Trần Quý Cáp, viết theo Wikipedia 陳貴合 là sai, mà phải viết theo cụ Huỳnh Thúc Kháng là 陳貴恰.

“Gái bớt hai, trai bớt một”

* Dân gian có câu “gái bớt hai, trai bớt một”, nhưng cũng có câu “nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một”. Xin cho biết hai câu này nghĩa như thế nào và câu này có phải là dị bản của câu kia? (Nguyễn Thị Hoàng, Hải Châu, Đà Nẵng).

- “Gái bớt hai, trai bớt một” là cách tính dân gian về ngày khẳm tháng, thôi nôi của cháu bé, thường được tính theo âm lịch. Cháu gái thì bớt hai ngày, cháu trai thì bớt một ngày. Ví dụ, cháu gái sinh ngày 25-4 âm lịch thì đến ngày 23-5 âm lịch (bớt hai) là khẳm tháng và đến 23-5 năm sau là thôi nôi. Với cháu trai thì chỉ bớt một ngày mà thôi.

Riêng câu “nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một” có nghĩa khác, thể hiện quan niệm của dân gian ngày trước: trong cuộc sống lứa đôi thì tốt nhất là vợ lớn hơn chồng hai tuổi, còn chồng lớn hơn vợ một tuổi chỉ xếp thứ nhì. Có người giải thích rằng, trong hôn nhân, nếu nam lớn hơn một tuổi sẽ vừa bảo đảm mặt tôn ti (chồng lớn hơn vợ), lại cực kỳ phù hợp về mặt đối ứng tình dục (tất nhiên là vào thời trẻ). Nếu vì tình yêu mà phải lấy vợ nhiều tuổi hơn thì tốt nhất là nữ chỉ hơn hai tuổi để hòa hợp về mặt đối ứng tình dục.

Tuy nhiên, đây đơn thuần chỉ là quan niệm của các thế hệ xưa mà thôi. Chính các cụ xưa cũng có nhiều “trường phái” trong việc chọn vợ gả chồng. Có cụ bảo: “Có duyên lấy được chồng già/ Ăn xôi bỏ cháy, ăn gà bỏ xương”. Nhưng cũng có cụ nói ngược lại: “Có duyên lấy được vợ già/ Đã sạch cửa nhà lại ngọt cơm canh/ Vô phúc lấy phải trẻ ranh/ Nó ăn, nó quấy, nó hành cả đêm”. Có cụ chưa vừa ý với câu kết này, đã cho ra một dị bản là “nó ăn, nó phá tan tành, nó đi”!

ĐNCT

;
.
.
.
.
.