.

Nhìn lại “Đà Nẵng xưa”

.

Nếu tính tới năm 1975, bức ảnh đầu tiên chụp ở Đà Nẵng mang tên “Pháo đài đồn hai”trên hòn Mồ Côi của Jules Itier đã có tuổi thọ đến 130 năm; và bức ảnh đăng trên báo Illustration của Auguste Thiriat chụp cảnh Ông Ích Đường bị dẫn đi xử chém ở chợ Túy Loan năm 1908 cũng xấp xỉ một nửa thời gian đó…

 Đường Bạch Đằng.
Đường Bạch Đằng.

Suốt quãng thời gian ấy là những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm đẫm máu và Đà Nẵng đã “được chọn” làm một cứ điểm quân sự quan trọng của ngoại bang. Từ một số ít cư dân làm ruộng, đánh cá ở các làng cũ ven sông Hàn và quanh vịnh Đà Nẵng trong những căn nhà tranh tre nghèo nàn, những đứa trẻ trần truồng chơi trên nỗng cát… và những con đường rợp bóng dừa, bóng tre dẫn lên Thạc Gián, Cẩm Lệ là vài con phố do thực dân Pháp xây dựng dọc bờ sông thời ngày vùng đất này trở thành nhượng địa tiếp sau cuộc chiến tranh 1958-1960 không lâu. “Làng trong phố - phố trong làng” (1) là vậy!

Theo ghi chép của Hausmann từ giữa thế kỷ 19: “Đà Nẵng lập nên do sự tập hợp nhiều làng từ những túp lều tranh có vẻ khốn khổ”. Rồi Đà Nẵng thay dần vị trí của cảng thị Hội An dần dần có những tuyến xe lửa qua chợ Hàn, xuyên đèo Hải Vân, có nhà bưu điện, nhà ga, trại lính và vài khách sạn, công sở nhỏ dọc theo bến Courtbet, nay là đường Bạch Đằng. Thân phận người dân trong những “làng trong phố” là những người buôn thúng bán mẹt bên những mái tranh dọc đường Champeaux (nay là Hùng Vương), những ngư dân nghèo trên các cầu tàu bằng gỗ chênh vênh, những phu khuân vác, gánh gồng dọc bến chợ, trên các ghe buồm hay trong công viên… Nhìn vào cảnh những ngôi chợ, vẫn là những người đàn bà quấn khăn Chàm với thúng mẹt bên hông, những người đàn ông đi chân không, ngồi chồm hổm trên ghế ăn hàng. Những phu lục lộ đi dép mo cau. Những ông đồ dạy học trên tấm phảng gỗ, trước mặt là mấy cậu bé cắt tóc trái đào ngồi xếp bằng, vòng tay dưới nền đất. Họa hoằn lắm mới thấy một chiếc xe đạp trong tấm ảnh chụp lễ truy điệu chí sĩ Phan Châu Trinh năm 1926. Trong lúc đó, những ông tây, bà đầm ngồi võng cho người bản xứ khiêng lên Bà Nà nghỉ mát. Tất cả là những tư liệu mang tính đối kháng rõ nét của sự thật lịch sử.

Lúc đó, Đà Nẵng có một đội bóng đá mang tên Sport Tomanais (1925) mà thanh niên Lê Văn Hiến đá vai tiền đạo, sau này trở thành nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng và là Bộ trưởng trong Chính phủ Việt Nam DCCH sau này…

Cho đến những năm 1970, tính “làng trong phố” vẫn còn ẩn hiện cho dù Đà Nẵng đã đông đúc dân cư hơn, với những con đường bằng đất ngay giữa trung tâm, những người nông dân ngày cuốc ruộng, tối đạp xích lô, những chú bé tật nguyền tản cư ra đi ăn xin từ các vùng quê ngoại ô hay lang thang đánh giày, bán cà-rem để lấy tiền mua vở học. Những căn nhà chồ liền kề ở bờ đông sông Hàn hay dọc bãi biển Thanh Bình, những trại tạm cư bao bọc bởi các hàng rào kẽm gai, vài đàn bò vào gặm cỏ, uống nước trong những con phố trung tâm (năm 1972)… cho thấy điều đó. Nó tương phản với cảnh huyên náo ở những quán bar mọc lên bên bãi biển Mỹ Khê, dọc các phố Thành Thái, Yên Báy, Độc Lập và những tiệm tạp hóa, hiệu buôn trên đường Bạch Đằng, Đồng Khánh. Chiến tranh đẩy những người đánh cá vào quăng rớ, thả lưới tận bên nách chợ Hàn…“Cuộc sống đời thường” (2) của người dân Đà Nẵng không chỉ có vậy trong biến chuyển lịch sử.

Đà Nẵng trở thành thị xã dưới thời Ngô Đình Diệm trở đi. Nhiều rạp hát, nhiều trường học, hiệu sách, nhiều chợ búa và xe lam, xe máy, xe hơi cũng nhiều hơn. Đường sá, cầu cống được xây dựng. Phố đêm đã có đèn. Chợ đã có nhà lồng che mưa nắng. Nhưng đồng thời cũng có nhiều lính ngoại quốc, nhiều đồn bót, sân bay, xe tăng thiết giáp ở khắp nơi. Bãi biển cũng bị rào chặt bởi nhiều lớp thép gai. Tiếng máy bay, tiếng đại bác gầm rú ngày đêm…

Từ  năm 1858 đến năm 1975, đúng 117 năm, Đà Nẵng hai lần trở thành cứ điểm quân sự của các đội quân Pháp và Mỹ. “Dấu tích chiến tranh”(3) vì vậy  đã được ghi đậm trong nhiều tấm ảnh tư liệu của cả người Việt lẫn nước ngoài. Đó là những chiến thuyền đánh vào Đà Nẵng năm 1906, là cảnh Ông Ích Đường bị cùm dẫn đi xử bắn năm 1908. Đó là cảnh quân Mỹ đổ bộ vào biển Liên Chiểu, và rút đi vào năm 1973. Là những chiếc tàu chiến, kho nhiên liệu bị bắn cháy trên sông Hàn. Những trại tị nạn, những khu gia binh… Những quả rocket bên cạnh tướng tư lệnh Wesmoreland lúc đến Đà Nẵng như một biểu tượng sức mạnh Mỹ. Những đường phố rợp bóng thanh niên, học sinh, tu sĩ xuống đường phản đối chiến tranh, đòi dân chủ…

Có thể nói, hơn 200 bức ảnh được in từ tập “Đà Nẵng xưa” là một cuốn sử bằng hình ảnh sống động của một Đà Nẵng; mà nếu ai đó đến sống ở thành phố này từ sau 1975 đến nay, sẽ chỉ thấy tốc độ phát triển phi mã của nó, nhưng khó có thể hình dung được những cơn đau nó đã trải qua trong lịch sử ngắn ngủi của mình.

Tôi sống ở Đà Nẵng từ năm 1965, nhưng vẫn giật mình và có lúc ứa nước mắt khi nhìn thấy những hình ảnh cũ còn lưu lại, như mới hôm qua. Ông bà ta thường nói “ôn cố tri tân” là vậy! Giá như những đứa con hiểu được cơn đau của mẹ mình ngày vượt cạn, chúng sẽ sống khác. Và đó là thông điệp của những người làm ra cuốn sách này.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(*) Đọc Đà Nẵng xưa, NXB Đà Nẵng.
(1,2,3) Ba phần của cuốn sách.


 

;
.
.
.
.
.