.

40 năm và những kỷ lục

.

Không chỉ phục vụ cho công việc nghiên cứu viết lách của chính mình, kho tư liệu của Trần Thanh Phương còn thường xuyên giúp ích cho nhiều đối tượng, từ các văn nghệ sĩ đến sinh viên, học sinh.

Nhà báo Trần Thanh Phương ký tặng sách Còn là tinh anh cho bạn đọc.
Nhà báo Trần Thanh Phương ký tặng sách Còn là tinh anh cho bạn đọc.

Ngày 19-6-2013 vừa qua, tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh đã khai mạc triển lãm Bộ sưu tập “Nhà báo Trần Thanh Phương và những trang tư liệu” thu hút đông đảo bạn đọc đến thưởng lãm, giao lưu, đặc biệt là giới làm báo viết văn. Người xem bất ngờ trước kho tư liệu đồ sộ và phong phú của ông.

Trần Thanh Phương sinh ở xứ Bạc Liêu, nay thuộc địa phận tỉnh Cà Mau, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1967, làm phóng viên Báo Nhân Dân, rồi Phó tổng biên tập Báo Đại Đoàn Kết. Bước vào nghề báo, ông sớm ý thức sưu tập tài liệu để phục vụ các bài viết của mình, đồng thời lưu giữ một cách công phu và có hệ thống các tài liệu quý.

Trong một hồ sơ của bộ sưu tập, tôi đọc được bút tích lá thư đề ngày 22-4-1988 của nhà thơ lớn Chế Lan Viên gửi cho Trần Thanh Phương, có đoạn viết: “Các tài liệu không cần với người này, thì lại rất cần cho một nhà sử, nhà báo, nhà nghiên cứu, chứ đâu phải chuyện tò mò. Lẽ ra Chính phủ phải bỏ tiền lập một cái phòng, hay trả lương cho một số người làm công việc âm thầm, mà lại tốn tiền như anh... Anh tự làm, mọi người phải hùn vô, tôi sẽ nộp cho anh bút tích của Tô Hoài, Chu Văn, Nguyễn Minh Châu, Phan Huỳnh Điểu…”. Ngoài lá thư trên, tôi còn tìm thấy ở đây nhiều tư liệu, ảnh và cả các văn bản do chính nhà thơ Chế Lan Viên soạn. Ông Trần Thanh Phương thổ lộ: “Anh Chế Lan Viên là một trong những người giúp đỡ động viên tôi hết mực. Bên cạnh tài liệu, anh còn tặng tôi một số danh thiếp quý hiếm của những cán bộ lãnh đạo cao cấp nước ta hoặc các nhà văn thế giới mà anh có dịp gặp gỡ tại các hội nghị quốc tế. Anh hay nói với tôi một cách “chơi chữ” rất Chế: Trên đời mình thích nhất hai loại người: người có tài và người có tài liệu. Phương có tài hay không mình chưa biết, nhưng Phương có tài liệu”.

40 năm miệt mài sưu tầm, đến nay Trần Thanh Phương đã có một khối lượng tài liệu đồ sộ nặng hơn 1,5 tấn và được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận “Người có bộ sưu tập bài báo nhiều nhất Việt Nam”. Trong đó, nổi bật là bộ sưu tập ảnh chân dung, bút tích và tư liệu của hơn 600 nhà văn Việt Nam. Đồng thời, với cuốn sách Đất nước tôi gồm 1.000 trang khổ 80cm x 120cm, 11.500 bài, ông còn nhận thêm kỷ lục “Người có quyển sách sưu tập các bài báo có kích thước lớn nhất Việt Nam”.

Ngoài ra, còn phải kể đến các chủ đề khác trong bộ sưu tập: Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam dày 1.000 trang với 2.500 bài, Nhạc sĩ và ca sĩ - 3.540 bài, Sân khấu và nghệ sĩ cải lương - 790 bài, Nghệ thuật tạo hình và tranh biếm họa - 3.700 bài, hoặc tư liệu các vụ án lớn: Đường Sơn Quán, Nước hoa Thanh Hương, Tamexco, Epco - Minh Phụng, Năm Cam...

Điều đáng chú ý là rất nhiều tài liệu quý được Trần Thanh Phương sưu tập trước khi Internet xuất hiện, và được ông bảo quản, lưu giữ chu đáo, có hệ thống nên giá trị của bộ sưu tập càng cao.

Trên cơ sở nguồn tư liệu, kết hợp với những chuyến đi thực tế, nhà báo Trần Thanh Phương biên soạn, sáng tác và xuất bản mấy mươi tác phẩm gồm biên khảo và truyện ký: Xứ sở phù sa; Cửu Long địa chí; Minh Hải địa chí; Những trang về An Giang; Đây, các nhà tù Mỹ-ngụy; Sài Gòn tầng thấp - Sài Gòn tầng cao; Bán đảo Cà Mau; Về nhà mình xa quá má ơi!… và mới nhất là tác phẩm Còn là tinh anh ra mắt tại triển lãm, viết về thời điểm cuối đời của các nhà văn nổi tiếng như: Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử, Nam Cao, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Anh Thơ, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khải, Sơn Nam, Hoài Anh, Thảo Phương, Chim Trắng… Ông đã mượn chữ trong câu Kiều “Thác là thể phách còn là tinh anh” để đặt tên cho cuốn sách này.

Không chỉ phục vụ cho công việc nghiên cứu viết lách của chính mình, kho tư liệu của Trần Thanh Phương còn thường xuyên giúp ích cho nhiều đối tượng, từ các văn nghệ sĩ đến sinh viên, học sinh. Nhà báo, nhà giáo Phan Lê Lưu, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Phát thanh-Truyền hình Trung ương 2, là người hay đưa sinh viên đến đây thực tập, rồi dần ông trở thành người thân của gia đình Trần Thanh Phương. Ông Phan Lê Lưu nói rằng, các thế hệ sinh viên nhà trường không bao giờ quên ơn vợ chồng “vua tài liệu” đã nhiệt tình giúp đỡ họ…

Từ niềm đam mê của mình, Trần Thanh Phương truyền cảm hứng cho người bạn đời Phan Thu Hương. Bà không chỉ là “điểm tựa” mà còn trực tiếp giúp chồng đọc-cắt-dán, nhất là từ khi bà về hưu. Theo tâm nguyện của vợ chồng Trần Thanh Phương, bộ sưu tập báo chí đồ sộ này trong tương lai sẽ được chuyển giao cho Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh để phục vụ rộng rãi và lâu dài cho bạn đọc và giới nghiên cứu, sáng tác. Tâm nguyện ấy không chỉ được ông Bùi Xuân Đức - Giám đốc thư viện - hoan nghênh mà còn được đông đảo người quý mến đồng tình. Công sức và tấm lòng vợ chồng ông đối với nền báo chí, văn học nước nhà được ghi nhận và lưu giữ.

PHAN HOÀNG

;
.
.
.
.
.