Có thể HLV Wenger hay những cầu thủ Arsenal ăn nói xã giao với chúng ta về thái độ tiếp đón nồng nhiệt khi “Pháo thủ” tới Hà Nội. Rất nhiều tờ báo viết về bóng đá thế giới ở nhiều nước như Guardian, Telegraph (Anh) hay Fox News (Mỹ)... thực sự bất ngờ với lòng hâm mộ bóng đá của người Việt Nam. Có người bay từ Sài Gòn, Đà Nẵng tới Hà Nội, thức trắng đêm ở sân bay Nội Bài để chờ gặp các thần tượng dù chỉ là cuộc gặp gỡ thoáng qua.
Anh Tiến chụp ảnh lưu niệm cùng Arteta. |
Người hâm mộ (NHM) Việt Nam rất muốn tiếp cận thầy trò Wenger - đội bóng Premier League đầu tiên tới Việt Nam - nhưng bất lực vì lực lượng an ninh làm việc quá chặt chẽ. Nói như thế để thấy phần lớn những người yêu thích “Pháo thủ” đều có chút thất vọng vì sự cách biệt giữa chủ và khách. Không chỉ dừng lại ở những lời nói xã giao, HLV Wenger thực sự ngưỡng mộ một NHM Việt Nam. Ngay trên website chính thức của “Pháo thủ” (arsenal.com), Wenger đã cho biết điều đó khi ông thuật lại một câu chuyện tiếp đón một NHM Arsenal tại Việt Nam giữa đường.
Chiếc xe bus chở toàn đội Arsenal đi trong sự kèm cặp chặt chẽ của lực lượng an ninh nhưng vẫn có một NHM bám theo suốt 5km. NHM này (tên là Tiến) được Wenger miêu tả là con người can đảm khi cố vượt qua lực lượng an ninh để bám sát xe của Arsenal. Wenger ra hiệu cho tài xế tấp xe vào lề đường để ông mời NHM này lên xe giao lưu với toàn đội.
Có thể nói đây là NHM Arsenal tại Việt Nam hạnh phúc nhất. Anh được toàn đội Arsenal vỗ tay chào đón, bắt tay với từng người trước khi dừng lại… hôn vào má đội phó Arteta và choàng vai chụp ảnh cùng tiền vệ Tây Ban Nha. Wenger gọi NHM này là “Running man” (tạm dịch là Người đàn ông đang chạy) và website của Arsenal đăng hình của NHM Việt Nam trên trang nhất vào ngày thứ hai của Pháo thủ ở Việt Nam.
Wenger sau đó ngạc nhiên khi thấy mức độ cuồng nhiệt của NHM bóng đá Việt Nam đã không được chính đội bóng quê hương đền đáp. Ông bảo rằng bóng đá Việt Nam cần phải thêm 10 năm nữa để bước ra hội nhập với thế giới nhưng muốn được như thế phải học theo cách làm của bóng đá Nhật Bản. Đúng là trong lúc vui, Wenger bất ngờ nói chuyện… buồn. Buồn bởi vì chúng ta đã cố học theo Nhật Bản khi Chủ tịch VPF (Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam) Võ Quốc Thắng mời chuyên gia Nhật Bản Tanabe sang làm cố vấn nhưng ông đã lặng lẽ một đi không trở lại vì không thể hiểu bóng đá Việt Nam. Khi mới đặt chân tới Việt Nam, ông Tanabe cũng nhận thấy sức mạnh cổ vũ của NHM là nền tảng cho bóng đá Việt Nam phát triển. Vậy mà chỉ vài tháng sau, ông đã lặn mất tăm khi trở về nước. Nói như thế để thấy những người làm bóng đá Việt Nam đã không biết tận dụng tốt một trong những yếu tố căn bản để phát triển.
TỊNH BẢO