Trong nghệ thuật điêu khắc Champa, có một hình tượng nổi bật, đó là mặt kàla. Mặt kàla (Kàla Mukha) là một biểu hiện của Thần Siva, Đấng hủy diệt và Tái tạo vũ trụ của Ấn Độ giáo. Kàla có nghĩa là Thời gian, tượng trưng cho sự hủy diệt, sự chết: hủy diệt để tái tạo; và, chết để tái sinh. Kàla cũng là một danh xưng khác của Diêm vương (Yama) hay Thần chết.
Kàla-makara trang trí ở chân tháp Mỹ Sơn A1. Ảnh: Hà Duy Phương |
Về hình tượng điêu khắc, kàla là một mặt quái vật: có hai sừng, cặp mắt lồi, hai tai nhỏ, mũi sư tử, đôi má căng, hàm răng lởm chởm với hai răng nanh dài; và đặc biệt, không có hàm răng dưới và cằm, đặc điểm này tượng trưng cho sự vô tận của thời gian.
Những mặt kàla xuất hiện rất phổ biến trong nghệ thuật Champa, chúng là một chủ đề trang trí chủ đạo của kiến trúc đền-tháp Ấn Độ giáo cũng như Phật giáo. Hình tượng kàla được trang trí rộng rãi trên các tầng tháp, trên mi cửa (tympan) hoặc ở các phần chân tháp và các đài thờ.
Mặt kàla thường hay được kết hợp với hình tượng makara, một loài thủy quái nửa rắn - nửa rồng, con vật tùy thuộc của nữ thần Ganga, vợ thần Siva.
Mô-típ trang trí này gọi là kàla-makara. Hình tượng kàla-makara tượng trưng cho quan niệm vũ trụ lưỡng nghi hay lưỡng hợp-lưỡng phân trong tín ngưỡng cổ của cư dân Đông Nam Á. Kàla = Thần Siva/nam/đực/đất; Makara = Nữ thần Ganga/nữ/cái/nước.
Trong nghệ thuật Champa, hình tượng kàla-makara đã xuất hịện rất sinh động trên một đài thờ nổi tiếng là Đài thờ Thiên nữ Apsara Trà Kiệu, có niên đại khoảng thế kỷ 11. Mô-típ kàla-makara trang trí trên đài thờ này được thể hiện bằng một bố cục đối xứng với một mặt kàla ở giữa và hai đầu makara hai bên tượng trưng cho sự cân bằng của vũ trụ trong quan niệm lưỡng hợp-lưỡng phân.
Ngoài ra còn có rất nhiều hình tượng kàla trang trí phổ biến trên các bộ phận kiến trúc đền-tháp của nhiều di tích. Chẳng hạn ở tháp Mỹ Sơn A1, ngôi đền lớn được xây dựng khoảng đầu thế kỷ thứ 10, trên ngôi đền này có nhiều mô-típ kàla-makara xuất hiện ở phần trang trí chân tháp được bố cục thành một vòm cuốn của cửa đền trong đó có hình chư thiên (deva) đứng chắp tay đảnh lễ thành kính. Các nhà lịch sử mỹ thuật Đông Nam Á cũng đã chỉ ra những quan hệ nghệ thuật mật thiết về hình tượng kàla-makara giữa nghệ thuật Chàm và nghệ thuật Java ở Indonesia trong giai đoạn nghệ thuật từ thế kỷ thứ 10 trở về sau.
Nổi bật về chủ đề trang trí kàla cũng đã xuất hiện ở ngôi đền Mỹ Sơn G1, được dựng vào khoảng giữa thế kỷ 12. Có hơn 50 mặt kàla chế tác bằng đất nung, được bố cục thành một hàng dài nối tiếp nhau bao quanh chân tháp của ngôi đền thờ thần Siva; kiểu thức trang trí này tượng trưng sinh động cho tư tưởng sinh-diệt tuần hoàn trong vũ trụ luận của người Champa cổ.
Hình tượng kàla, là một sáng tạo độc đáo của nghệ thuật Ấn Độ, biểu tượng cho triết lý về sự vô thường của vạn vật, nên được phổ biến rộng rãi trong các nền nghệ thuật ở Đông Á và Đông Nam Á. Trong những nền nghệ thuật này, kàla được thể hiện bằng những thủ pháp tạo hình rất riêng biệt tùy theo tư chất thẩm mỹ của mỗi vùng.
TRẦN PHƯƠNG KỲ