Có thể nói, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Đà Nẵng và Nhật Bản chính thức bắt đầu vào năm 1992 khi Đà Nẵng ký kết thỏa thuận “Cảng hữu nghị” với Kawasaki.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại lễ kỷ niệm 10 năm (2003-2013) chương trình Viện trợ 10.000 xe đạp của Hội Hữu nghị Nhật-Việt thành phố Kawasaki dành cho học sinh nghèo Đà Nẵng. Ảnh: H.D |
Từ đó đến nay, chính quyền Đà Nẵng không ngừng tạo dựng và tận dụng tối đa, hiệu quả các mối quan hệ chính trị tốt đẹp với Nhật Bản để đẩy mạnh hợp tác kinh tế, tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ. Tính đến đầu năm 2013, Đà Nẵng có quan hệ hữu nghị, hợp tác với 7 tỉnh, thành phố của Nhật (Kawasaki, Sakai, Mitsuke, Nagasaki, Yokohama, Nagoya và Shunan) và đang xúc tiến quan hệ hợp tác với các thành phố Kobe, Yaidu, Fukuoka và Ohtawara.
Về hợp tác nghiên cứu, Nhật Bản tập trung hỗ trợ cho Đà Nẵng xây dựng chiến lược phát triển tổng thể và phát triển môi trường cùng hạ tầng đô thị. JICA hỗ trợ thực hiện dự án “Cải thiện giao thông đô thị thành phố Đà Nẵng”; Ban Tư vấn và Phát triển đô thị châu Á (AUDEC) Nhật Bản đã hỗ trợ Đà Nẵng hoàn thành hồ sơ “Thành phố có hàm lượng carbon thấp”. Trong thời gian đến, Đà Nẵng đang tập trung kêu gọi 9 dự án từ vốn ODA Nhật Bản trong đó một số dự án có công nghệ cao như: Dự án Mở rộng Cảng Tiên Sa giai đoạn 2, Dự án Tàu điện ngầm, Dự án Cải thiện vệ sinh môi trường nước.
Trong lĩnh vực giáo dục, Đại học Đà Nẵng đã ký kết hợp tác với 26 trường đại học ở hầu hết khắp mọi miền của Nhật Bản với nội dung chủ yếu là xây dựng chương trình đào tạo, trao đổi sinh viên, trao đổi giảng viên, trao đổi học thuật, hợp tác nghiên cứu chung, tổ chức các hội thảo khoa học, đồng xuất bản tài liệu, sách, v.v…
Trong bức tranh đầy màu sắc về quan hệ hữu nghị, hợp tác Đà Nẵng - Nhật Bản, hoạt động đối ngoại nhân dân đã diễn ra khá phong phú. Đà Nẵng có 18 tổ chức NGO được thành lập nhằm góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Hội Hữu nghị Việt - Nhật thành phố Đà Nẵng được thành lập năm 1993, có mối quan hệ với nhiều tổ chức nhân dân, bạn bè Nhật Bản như Hội Hữu nghị Nhật - Việt thành phố Kawasaki, Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản, Hiệp hội Golf Ground Okayama, Tàu Hòa Bình, các trường ở Nhật, v.v… Hằng năm, Hội phối hợp với các đối tác, bạn bè Nhật Bản tổ chức những hoạt động giao lưu văn hóa, hữu nghị, giao lưu nghệ thuật, thể thao, âm nhạc, điện ảnh.
Năm 2011, người Đà Nẵng đã chứng kiến cảnh tàn phá khủng khiếp của sóng thần, động đất và cả những hình ảnh người dân Nhật Bản kiên cường trước thảm họa. Người Đà Nẵng đã tự nguyện, nhiệt tình hưởng ứng cuộc vận động ủng hộ bạn bè Nhật Bản bằng sự chia sẻ chân thành, bằng sự khâm phục trước tinh thần dân tộc và bản lĩnh kiên cường của người Nhật. Cuộc vận động không những đã đạt được kết quả ngoài mong đợi về vật chất (gần 8 tỷ đồng) mà còn đánh thức suy nghĩ về trách nhiệm của thanh niên Đà Nẵng đối với vấn đề toàn cầu, với đồng loại. Đã có 50.000 lời cầu chúc của sinh viên, học sinh viết trên những cánh hoa anh đào, được Hội Hữu nghị Việt - Nhật Đà Nẵng gửi đến tận mỗi gia đình người dân ở vùng Sakai, Sendai, v.v... cùng một đêm chia sẻ “Hướng về đất nước Mặt trời mọc” với sự tham dự của 1.000 học sinh, sinh viên, thanh niên thành phố. Một đêm cầu nguyện tại chùa Quán Thế Âm Đà Nẵng dành cho nhân dân Nhật Bản đã thu hút hàng trăm các vị hòa thượng, chư tôn, tăng ni cùng hàng ngàn đạo hữu phật tử Đà Nẵng tham gia. Theo nhận xét của những nhà công tác xã hội cao tuổi của Đà Nẵng, đây là cuộc vận động quốc tế có quy mô, có sức thu hút và ảnh hưởng lớn nhất, được người dân hưởng ứng tự nguyện và đông đảo nhất đã diễn ra ở Đà Nẵng từ trước đến nay.
Và bạn bè Nhật Bản đã chia sẻ với những khó khăn với người dân Đà Nẵng ra sao? Các tổ chức NGO Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ người nghèo và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ hoạt động giáo dục và y tế cộng đồng. 10.000 chiếc xe đạp đã được các hội viên Hội Hữu nghị Nhật - Việt thành phố Kawasaki đã được gửi tặng cho học sinh nghèo thành phố từ năm 2003-2013. Hội Phụ nữ Dân chủ Nhật Bản (FEMIN) đã bắt đầu tài trợ cho Làng Hy vọng từ năm 1996 đến nay với những hoạt động như tài trợ thực phẩm, quần áo, chỗ ở, giáo dục; huấn luyện kỹ năng cho trẻ em khiếm thính, cử tình nguyện viên sang giúp đỡ các em và gửi các em đi du học tại Nhật. Liên tục gần 20 năm qua, sinh viên Trường Đại học Yamaguchi mỗi lần tham gia Tàu Hòa Bình đều đến giao lưu với Trung tâm Trẻ em đường phố Đà Nẵng, tặng học bổng, tặng quà và đồ dùng học tập cho các em.
Đà Nẵng đã và đang xây dựng được tình cảm hữu nghị, thiện chí và môi trường văn hóa chính trị, ngoại giao trọng thị, uy tín với Nhật Bản. Từng bước mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tỉnh/thành phố, các tổ chức tập đoàn kinh tế, các định chế tài chính, các tổ chức khoa học, các trường đại học và phổ thông, các tổ chức văn hóa, các hiệp hội, nhân sĩ trí thức, bạn bè Nhật Bản có thiện chí với Đà Nẵng.
Hiện nay, chính quyền Đà Nẵng đã có quyết định phê duyệt một số công trình, không gian giao lưu văn hóa Việt - Nhật ở Đà Nẵng như: Trung tâm giao lưu quốc tế Việt - Nhật; khơi thông dòng sông Cổ Cò - con sông ngày xưa khi các thuyền Châu Ấn từ Nagasaki, Sakai, Nagoya (Nhật Bản) vào Hội An - để phục vụ du lịch; xây dựng Khu phố Nhật Bản có tổng diện tích hơn 80ha. Trong tương lai không xa, khi các công trình mang đậm dấu ấn quan hệ hợp tác hữu nghị Đà Nẵng - Nhật Bản này được hình thành, chắc chắn Đà Nẵng sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, du khách và bạn bè Nhật Bản.
Có thể nói, quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt - Nhật ở Đà Nẵng đã diễn ra khá thuận lợi, bình đẳng, hòa bình và thân thiện, trên cơ sở cùng hợp tác và phát triển, đã trở thành nguồn lực ngoại sinh góp phần thúc đẩy thành phố Đà Nẵng từng bước hội nhập và phát triển.
HOÀI DUY