Ngã Ba Huế (NBH) nhiều năm nay được xem là “điểm đen”, tồn tại những bất ổn về tai nạn giao thông của thành phố Đà Nẵng. Khơi thông đoạn đường này bằng việc xây dựng một nút giao thông phức hợp được xem là giải pháp khả thi nhất. Người dân nằm trong phạm vi quy hoạch của dự án đang ngày đêm mong chờ dự án được triển khai.
Người và xe tham gia giao thông đang tránh tàu Thống Nhất đi qua ngã ba Huế vào sáng chủ nhật, 15-9-2013. Ảnh: Đoàn Lương |
Sẵn sàng di dời
Chúng tôi đến NBH vào một buổi trưa khi những tấm chắn tàu vừa được kéo xuống, chờ một chuyến tàu sắp sửa đi qua. Lúc này, ở 2 bên tấm chắn tàu, cảnh ùn tắc giao thông lại xảy ra, khói bụi từ hàng trăm chiếc xe tải, xe máy và các phương tiện khác gây nên cảnh ô nhiễm cho chính những người tham gia giao thông và các hộ dân sống xung quanh. Dù đã quen với cảnh khói bụi, ùn tắc, nhưng hầu hết các hộ dân sống xung quanh nút giao thông NBH đều mong chờ dự án cải tạo nút giao thông ở khu vực này sớm được triển khai, để không phải tiếp tục sống chung với ô nhiễm.
Bà Nguyễn Thị Phụng, nhà ở số 10 Tôn Đức Thắng, nói: “Vào mùa mưa, nhà tôi thường hay bị ngập nước do nước từ ngoài đường chảy vào vì nền nhà thấp lại xuống cấp. Chỗ này ồn, bụi bặm. Chúng tôi cũng mong di dời sớm để có chỗ ở ổn định”. Hiện bà Phụng đang cho thuê một phần nhà, nửa còn lại bà mở quán bún nên mong muốn của bà là sau khi giải tỏa, được bố trí ở một vị trí thuận lợi để kinh doanh. Theo bà, khu vực xung quanh NBH nhà cửa đều xuống cấp, do đó người dân mong muốn dự án triển khai nhanh để họ xây nhà kẻo mùa mưa tới. “Nhà tôi đã giải tỏa 3 lần để mở rộng đường, nhưng chúng tôi sẵn sàng di dời lần nữa, chỉ mong được đền bù thỏa đáng”, bà Phụng chia sẻ thêm.
Hộ ông Nguyễn Đăng Hùng, bán và sửa chữa điện thoại trên đường Tôn Đức Thắng (đoạn gần NBH), cũng cho biết: “Trên phường có tổ chức họp dân nhưng chúng tôi cũng chỉ mới nghe nói những thông tin về dự án chứ chưa nghe phương án di dời, giải tỏa gì cả. Hồi trước, cũng trên tuyến đường này, chúng tôi cũng đã phải di dời giải tỏa nên nếu có chủ trương di dời thì mong thành phố tiến hành nhanh để chúng tôi ổn định cuộc sống”. Trong khi đó, ông Trần Hạ, kinh doanh nệm trên đường Tôn Đức Thắng, chia sẻ: “Chúng tôi ở đây hơn 10 năm rồi, mua một miếng đất ở vị trí này không đơn giản nên nếu di dời, chúng tôi mong sẽ đến một nơi đông vui, nhiều người qua lại để buôn bán, làm ăn thịnh vượng. Đó là mong muốn không chỉ riêng tôi mà hầu hết tất cả bà con trong diện di dời, giải tỏa, bởi có như vậy họ mới yên tân sản xuất, kinh doanh”.
Mong muốn đền bù hợp lý
Ông Huỳnh Thanh Hải, Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê), cho biết: “Thực tế tại địa phương, có một số hộ nghèo trước đây mua đất nông nghiệp chưa chuyển đổi, nhà xây dựng trái phép, giấy tờ chuyển nhượng viết tay. Vì vậy, phường rất quan tâm đến tính pháp lý để đền bù giải tỏa cho những đối tượng này”. Trước mắt, phường Thanh Khê Tây rà soát lại các hộ khó khăn, nắm hồ sơ pháp lý của từng hộ chờ đề xuất cụ thể với Hội đồng giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư của thành phố. Tuy nhiên, cái khó của việc giải tỏa lần này là nhiều hộ ở mặt tiền đường Điện Biên Phủ, trước đây đã giải tỏa nhiều lần và hầu hết là những hộ làm ăn buôn bán lớn nên việc giải tỏa sẽ tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh. “Phường cũng đang lo về việc bố trí tái định cư cho các hộ này sao cho phù hợp để họ tiếp tục sinh sống, sản xuất, kinh doanh”, ông Hải chia sẻ thêm.
Sau khi điều chỉnh quy mô của dự án cải tạo nút giao thông NBH, tổng mức đầu tư dự án còn 1.797,2 tỷ đồng; diện tích quy hoạch là 9,6ha, liên quan đến 4 phường gồm: An Khê, Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê), Hòa Minh (Liên Chiểu) và An Khê (Cẩm Lệ). Tuy nhiên, tính đến ngày 13-9-2013, công tác kiểm định vẫn đang được tiến hành nên chưa xác định được tổng số hộ dân nằm trong diện di dời giải tỏa và ngày chính thức khởi công nút giao thông NBH Ông Nguyễn Hà Nam, Phó Giám đốc Ban Quản lý cầu Rồng |
Phường Thanh Khê Tây hiện còn 204 hộ nghèo, trong đó những hộ nghèo nằm trong diện giải tỏa lần này chủ yếu là lao động phổ thông như làm bún, đậu phụ, thợ nề, buôn bán dạo… Nhiều gia đình nằm trong diện di dời để cải tạo nút giao thông NBH vẫn chưa có sổ đỏ do đất ở hiện nay của họ là đất nông nghiệp, mua bán sang tay. Do chưa đảm bảo tính pháp lý nên việc bố trí tái định cư sẽ tùy theo từng trường hợp cụ thể để phân bố chỗ ở ổn định. Hiện phường vẫn chờ phương án đền bù thiệt hại, tái định cư của thành phố để lên phương án vận động người dân sớm giao mặt bằng, bảo đảm tiến độ thi công. Theo ông Hải, phần lớn các hộ dân đều có mong muốn đền bù thỏa đáng, mức giá đền bù tương đương với giá họ đang ở, để nếu không bố trí tái định cư họ có thể đi mua nhà ở một nơi khác phù hợp. Nhiều hộ dân lại có nguyện vọng bố trí tái định cư tại chỗ hoặc tại quận.
Ông Trương Hùng Mạnh, Chủ tịch UBND phường Hòa An (quận Cẩm Lệ), cho biết thêm: “Mong muốn của người dân là thành phố đền bù giá hợp lý, chỗ ở mới ít ra cũng bằng chỗ ở cũ. Hiện, thành phố mới tổ chức họp điều chỉnh quy mô dự án, còn về phương án đền bù, giải tỏa, bố trí tái định cư thì các sở ban ngành liên quan đang dự thảo. Vì vậy, khi có phương án chính thức, phường sẽ tổ chức họp dân để công bố, vận động nhân dân để đẩy nhanh tiến độ giải tỏa đền bù”.
Khởi động song hành nhiều việc
Sau khi điều chỉnh quy mô dự án, tổng mức đầu tư dự án cải tạo nút giao thông NBH giảm xuống còn 1.797,2 tỷ đồng, tổng diện tích khoảng 9,6ha. Ước tính sẽ có khoảng 218 hộ dân phải di dời để thực hiện dự án.
Ông Nguyễn Hà Nam, Phó Giám đốc Ban Quản lý cầu Rồng, cho biết: “Sau thời gian điều chỉnh lại quy hoạch, hiện dự án đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt với nguồn vốn 1.797,2 tỷ đồng ở giai đoạn 1, kéo dài từ nay đến năm 2015 và giai đoạn 2 sẽ sau năm 2015 khi có nhu cầu thực tế. Sau khi được phê duyệt, dự án giao Viện Quy hoạch thành phố xác định ranh giới sử dụng đất và tiếp tục giao Ban giải tỏa đền bù số 3 xác định hộ nào đi hẳn, hộ nào ở lại. Dự án sẽ khởi động song hành nhiều việc. Song song với việc thi công là đền bù rồi tiếp tục thi công rộng ra”.
Theo UBND thành phố Đà Nẵng, đây là công trình nằm ở trung tâm thành phố, kết nối nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, bao gồm nhiều hạng mục công trình nên yêu cầu tiến độ gấp, thời gian thi công ngắn. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác thẩm tra và phê duyệt, đặc biệt là các hạng mục khớp nối cấp - thoát nước, tổ chức giao thông, cấp điện, chiếu sáng…, UBND thành phố Đà Nẵng đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải ủy quyền cho Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng thay mặt Bộ thực hiện công tác quản lý chất lượng công trình nút giao thông tại nút giao thông NBH.
Với mật độ và lưu lượng tham gia giao thông cực lớn (15.000 lượt ô-tô các loại/ngày, 40 lượt tàu hỏa/ngày, 10.000 - 80.000 lượt xe hai bánh/ngày), việc khởi công công trình dự án này càng sớm sẽ nhanh chóng giải tỏa ùn tắc, xóa điểm đen giao thông cho thành phố. Đó cũng là mong mỏi của không chỉ người dân ở khu vực mà còn là nỗi mong chờ của những người tham gia giao thông khi đi qua đoạn đường đặc biệt nguy hiểm này.
Đoàn Lương-Thanh Tình