Ngôi đền (kalan) Champa là tác phẩm nghệ thuật toàn bích: Chân - Thiện - Mỹ. Chân là sự hiện hữu bằng vật chất và kỹ thuật cấu trúc của ngôi đền, Thiện là hình tượng chư thần được thể hiện và thờ phượng tại ngôi đền, Mỹ là vẻ đẹp hoàn hảo về kiến trúc và điêu khắc của ngôi đền.
Nhóm tháp Bạc, thế kỷ 11-12; tiêu biểu cho đền-tháp Chàm được dựng trên đồi cao, tỉnh Bình Định. Ảnh: Trần Kỳ Phương |
Cho đến gần đây, nhiều du khách Việt Nam đến thăm Mỹ Sơn thường phát biểu: “Chỉ là một đống gạch có gì hấp dẫn đâu?! Thôi, thì đi cho biết Di sản thế giới!”. Họ nói không sai! Vì, họ chẳng may mắn để được trang bị một kiến thức cơ bản về nền nghệ thuật này để có khả năng thưởng lãm nó. Và, đó là một thiệt thòi, vì đã tốn công tốn của để tìm đến một kho tàng nghệ thuật để rồi lại trở về với “tay không”.
Muốn thưởng ngoạn nền nghệ thuật nào thì phải có những hiểu biết về nền nghệ thuật đó, cho nên một khi đã được trang bị kiến thức cơ bản về đặc tính của kiến trúc tôn giáo Chàm thì thức giả sẽ càng thêm yêu quý nó, để từ đó mà cùng quan tâm góp sức bảo tồn những di sản nghệ thuật vô giá này.
Kalan, nơi trú ngụ của chư thần Quan niệm kiến trúc tôn giáo của khắp vùng Đông Nam Á nói chung và của Champa nói riêng, đều chịu ảnh hưởng nghệ thuật Ấn Độ. Những tổ hợp kiến trúc Hindu giáo (Ấn Độ giáo) này bao gồm một ngôi đền chính, tiếng Chăm gọi là kalan, kết hợp với những đền thờ nhỏ, những công trình phụ và những bờ tường thấp bao quanh. Kalan tượng trưng cho ngọn núi thần thoại Meru, cái trục của vũ trụ, trung tâm hoàn vũ; bao quanh núi Meru là các thiên thể và những đại dương được tượng trưng bằng những ngôi đền nhỏ và những bờ tường thấp.
Ngôi đền chính hay kalan là kiến trúc quan trọng nhất trong quần thể đền-tháp, là nơi thờ linh tượng của các vị thần Ấn Độ giáo hay Phật giáo; hoặc một bộ linh vật yoni-linga đặt trong chánh điện (*).
Kalan chính là nơi trú ngụ của chư thần. Thân tháp được giải thích như một hang động và mái tháp mang hình tượng ngọn núi (shikhara) đều là nơi an ngụ lý tưởng của thần linh. Các bức tường phía bên ngoài tháp được chạm trổ cầu kỳ đến từng chi tiết; ngược lại, các bức tường bên trong tháp không hề được trang trí; nội điện đơn giản chỉ để bày một bàn thờ bằng đá.
Hầu hết kalan đều xoay mặt về hướng đông - hướng của thần linh, hướng mặt trời mọc, mở đầu cho sự vận hành của vũ trụ. Riêng tại Mỹ Sơn, do địa hình của một thung lũng hẹp nên những kalan ở đây vừa xoay về hướng đông vừa xoay về hướng tây; và một kalan duy nhất có hai cửa lớn trổ về hai hướng đông-tây là Mỹ Sơn A-1.
Chánh điện (garbhagrha) của kalan là một căn phòng hẹp, đây là nơi linh thiêng nhất của ngôi đền, bài trí một bàn thờ đặt linh tượng của chư thần hoặc linga ngay tại trung tâm nội điện. Ngẫu tượng được đặt trên một cái bệ yoni có vòi luôn luôn xoay về phương bắc gọi là snàna-droni, cái bệ này dùng để thoát nước thánh tẩy khi làm lễ tắm ngẫu tượng. Khi hành lễ, linga được bọc một cái bao gọi là kosa, bằng hợp kim, vàng/bạc, trên bao đó có gắn hình đầu thần Siva, gọi là mukhalinga.
Trong những năm gần đây, nhiều đầu tượng Siva bằng hợp kim này đã được phát hiện tại miền Trung, chúng đều là những kiệt tác của nghệ thuật Chàm. Còn ngẫu tượng của thần Siva bằng đá hoặc bằng kim loại thờ trong chánh điện, thì trong khi hành lễ cũng được mang y phục và đồ trang sức bằng kim loại quý; một bộ trang sức bằng vàng gồm mũ miễn, hoa tai, vòng đeo cổ, ngực, tay và chân… đã được phát hiện tại Mỹ Sơn năm 1903 trong ngôi tháp nhỏ C7, bên cạnh kalan C1- nơi thờ ngẫu tượng thần Siva trong tư thế đứng, là một ví dụ tiêu biểu cho nghi thức này (hiện trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm-Đà Nẵng).
Trong chánh điện còn có thêm một cái hầm vuông ngay dưới bàn thờ, để rút nước thánh tẩy trong khi hành lễ, như ở kalan Mỹ Sơn B1 và F1; hoặc một lỗ thoát nước thánh ra ngoài tháp gọi là soma-sutra như ở Pônagar Nha Trang hay ở Mỹ Sơn A1,… Chung quanh bàn thờ có một lối hẹp để đi vòng theo chiều kim đồng hồ khi hành lễ (pradakshina-patha). Còn ở những di tích Phật giáo như Đồng Dương, bàn thờ được đặt sát vào tường phía tây của chánh điện, để các Phật tử hành lễ ngay phía trước bàn thờ.
Chánh điện xây rất kín, không có cửa sổ nên bên trong thiếu ánh sáng, vì thế, ba vách tường phía trong đều có ô nhỏ hình tam giác để đặt đèn. Các bức tường bên trong chánh điện thường được nới rộng hoặc được đục khoét lởm chởm cho giống một hang động, nơi cư ngụ được ưa chuộng của thần Siva; vết tích của sự đục khoét này còn thấy rất rõ ở hầu hết những kalan Chàm. Nối liền với chánh điện về phía cửa chính, là một tiền sảnh (tiền điện) hẹp và dài, thường đặt một cặp tượng bò thần Nandin, nằm chầu vào chánh điện. Tiền sảnh hẹp dẫn vào chánh điện u tối tượng trưng cho lối dẫn vào hang động, từ ánh sáng dần vào bóng tối, là nơi an ngụ của chư thần. Mặt khác, tiền sảnh hẹp còn dẫn tín chủ từ một thế giới trần tục phức tạp vào một nơi đơn giản để dễ dàng tự thanh tịnh trong nghi thức hòa nhập với đấng linh thiêng.
Trên cửa chính của ngôi đền có đặt một trán cửa (tym-pan), hầu hết, những trán cửa là những tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao; một trong những đề tài được ưa chuộng để thể hiện trên trán cửa là hình tượng thần Siva múa điệu vũ trụ Tandawa. Thần Siva, đấng Hủy diệt, được đặt trên cửa chính là để hộ trì cho ngôi đền được thanh tịnh, tránh sự xâm phạm của các thế lực hữu hình cũng như vô hình đến chốn thiêng liêng.
Kalan Mỹ Sơn A1, thế kỷ thứ 10, tiêu biểu cho ngôi-đền-không-gian-kín áp dụng kỹ thuật vòm-giật-cấp (corbelling) thể hiện kiểu thức ngôi đền-núi shikhara của kiến trúc Hindu (Ấn Độ giáo). |
Những đặc tính của Kalan trong kiến trúc Champa
Kalan Champa được thể hiện theo một kiểu thức cơ bản. Đó là một kiến trúc có bình đồ hình vuông, mái tháp hình chóp có ba tầng và một đỉnh tháp nhọn bằng sa thạch. Theo quan niệm kiến trúc của Ấn Độ giáo, kalan có ba phần:
Đế-tháp tượng trưng cho thiên giới, chạm trổ hình tượng hoa lá; động vật như voi, sư tử; hoặc các đấng hộ trì ngôi đền đứng trong những vòm cung nhỏ trang trí hình tượng kala-makara; hoặc những hoạt cảnh trong thần thoại, vũ nữ và nhạc công thiên tiên. Những hình tượng chạm trổ quanh đế-tháp biểu hiện những hoạt cảnh trên thiên giới của chư thần.
Thân-tháp tượng trưng cho thế giới tâm linh, nơi tín chủ tự thanh tịnh chính mình để có thể tiếp xúc với tổ tiên đã hòa nhập với thần linh hoặc để tâm thức được thăng hoa; trang trí những hàng trụ-áp-tường, giữa-trụ-áp-tường và cửa-giả-lớn ở mỗi mặt tháp. Cửa-giả-lớn của kalan là một công trình rất công phu với hệ thống vòm cuốn (torana) độc đáo, chạm trổ tinh xảo làm nổi bật giá trị thẩm mỹ của ngôi đền. Trong cửa-giả-lớn có hình tượng chư thiên đứng hộ trì cho ngôi đền (lokapala). Phía trên ba cửa giả có ba tấm tym-pan nhỏ bằng gạch hoặc bằng đá thể hiện nữ thần Laksmi, vợ của thần Visnu, nữ thần của sắc đẹp và sự trù phú; ngài là đấng hộ trì để cho ngôi đền luôn luôn được sung mãn. Phía dưới là chân-tháp nằm tiếp giáp đế-tháp, trang trí vòm cuốn nhỏ chạm trổ hoa lá. Phía trên là cóc-ních (cornice) tạo thành những đường gờ tiếp giáp với mái tháp được trang điểm bằng những đường diềm hoa lá. Mỗi góc cóc-ních đều có vật-trang-trí-góc thể hiện thiên nữ apsaras, thủy quái makara, hoặc hình ngọn lửa thiêng được cách điệu thành nhiều kiểu thức khác nhau qua từng phong cách nghệ thuật của các thế kỷ. Sự lập đi lập lại nhiều lần những mô-típ trang trí phức tạp trên những bộ phận to nhỏ của một ngôi đền Champa tượng trưng cho những chu kỳ vô tận của thời gian và của kỷ nguyên vũ trụ cũng như vô lượng kiếp tái sinh của con người; và chính nơi đây, qua ngôi đền, tín chủ bày tỏ lòng chí thành và hướng vọng đến sự giải thoát tối thượng được cứu độ bởi thần linh.
Mái-tháp tượng trưng cho thế giới thần linh, nơi chư thần quần tụ, có ba tầng, một chóp-tháp và một đỉnh-tháp, càng lên cao càng thu hẹp lại biểu tượng cho ngọn núi. Trên các tầng tháp trang trí ngẫu tượng và vật cưỡi của ba mươi ba vị thần trong Ấn Độ giáo như ngỗng thần Hamsa, chim thần Garuda, bò thần Nandin, voi, sư tử...; mỗi tầng tháp tượng trưng cho một tầng trời là nơi cư ngụ của chư thần. Phần trên cùng của tầng thứ ba là chóp-tháp; chóp-tháp là một phiến đá lớn hình bát giác, tứ giác hay hình tròn, trên đó chạm mặt nạ Thần Thời Gian (Kala), rắn thần Naga hoặc bò thần Nandin, chóp-tháp này gọi là amalaka, tượng trưng cho chỗ ngồi của chư thần hoặc là mặt trời dẫn vào thế giới thần linh.
Trên cao nhất của ngôi đền là đỉnh-tháp, một khối đá nhọn có bốn cạnh, đặt ngay trên chóp-tháp; phần dưới của đỉnh-tháp trang trí một tòa sen, tượng trưng cho ngọn núi thiêng Kailasa, chốn an ngụ của gia đình thần Siva; đỉnh-tháp thường được bọc bằng vàng hay bạc để làm tăng thêm vẻ đẹp rực rỡ uy nghi của ngôi đền. Đỉnh-tháp là nơi cao nhất của ngôi đền, mang hình tượng đóa sen (padma) tượng trưng cho sự giải thoát tối thượng; tính siêu việt không-thời gian; là cột trụ (yupa) biểu tượng cho hạnh nguyện của nhà vua và hoàng tộc; là nơi ngôi đền phóng tỏa năng lực huyền bí của nó vào vũ trụ mang theo tâm thức hướng thượng của tín chủ; đỉnh-tháp cũng chính là cái trục của vũ trụ; là nơi hòa nhập tiểu ngã cá nhân (Atman) vào đại ngã vũ trụ (Brahman).
TRẦN KỲ PHƯƠNG
(*) Ngôi đền Ấn Độ giáo thuở sơ khai chỉ là một bàn thờ yoni-linga bằng đá, sau đó làm thêm một hàng rào bằng cây gỗ bao chung quanh; rồi đến giai đoạn kế tiếp là dựng một cái chòi bằng tranh lá hay bằng gỗ để che bàn thờ; về sau, trong những thời kỳ phát triển nó mới trở thành một đền thờ có tường vách bọc kín mang hình dáng ngọn núi shikhara.