.

Vấn vương hương vị Phù Tang

.

Ẩm thực Nhật Bản từ xưa nay được biết đến như một triết lý với những quy tắc về cách chế biến cũng như trang trí đầy tính nghệ thuật. Người Nhật không chú trọng nhiều đến gia vị mà luôn quan tâm đến hương vị tự nhiên đầy thanh khiết.

Rượu Sakê được xem như quốc hồn, quốc túy của xứ sở hoa Anh đào.    Ảnh: N.H
Rượu Sakê được xem như quốc hồn, quốc túy của xứ sở hoa Anh đào. Ảnh: N.H

Đi tìm sự thanh khiết

Con phố Nguyễn Chí Thanh sẽ không gì lạ so với những con đường khác ở Đà Nẵng nếu như không có sự hiện diện của 5 nhà hàng Nhật Bản điểm xuyết suốt con đường.

Kita Guni (được dịch sang tiếng Việt là Bắc Quốc) ở số 122 Nguyễn Chí Thanh là một trong những nhà hàng ẩm thực Nhật có mặt sớm nhất tại Đà thành. Mới mười giờ sáng, hãy còn sớm cho bữa ăn trưa nhưng đã có một vài thực khách người Nhật ghé quán. Bước qua cánh cửa gỗ nhỏ, hẹp, một thế giới tĩnh lặng mộc mạc mở ra khiến lòng người như lắng lại. Những bộ bàn gỗ nâu trầm, những chiếc đệm cói đơn sơ, và cả chiếc mành vải nhẹ tênh… đã làm nên một không gian đượm một màu thiền thanh khiết!

Chị La Hoàng Thanh, quản lý nhà hàng Kita Guni tiếp chúng tôi bên tách trà xanh ướp lạnh thoang thoảng hương thơm. Chị cho biết, ngoài những món ăn truyền thống của Nhật như Sushi, Sashimi, mì Soba, mì Udon, Tempura… có trong thực đơn, thì món bò nướng đá là món mới đang đưa vào phục vụ khách. Đã từ lâu, Kita Guni là cái tên trở nên quen thuộc không chỉ đối với du khách Nhật mà còn cả với những người Việt sành ăn trong thành phố. Trong cuốn cẩm nang dành cho khách du lịch bằng tiếng Nhật, nhà hàng được quảng bá như một địa chỉ đáng tin cậy cho du khách xứ Phù Tang khi đến thành phố Đà Nẵng biển xanh cát trắng.

Ẩm thực Nhật Bản từ xưa nay được biết đến như một triết lý với những quy tắc về cách chế biến cũng như trang trí đầy tính nghệ thuật. Người Nhật không chú trọng nhiều đến gia vị mà luôn quan tâm đến hương vị tự nhiên đầy thanh khiết. Nếu cả thế giới biết đến Nhật Bản qua món Sushi đầy tinh tế với sự kết hợp hương vị của đồng xanh và biển cả, món Sashimi được xem như nữ hoàng của hương vị tinh khiết, ngọt lành của đại dương bao la… thì rượu Sakê được xem như quốc hồn, quốc túy của xứ sở hoa Anh đào. Người Nhật uống rượu Sakê và ngắm hoa Anh đào như một nghi lễ thanh lọc tâm hồn. Và nếu như được nâng chén Sakê mà thưởng thức lẩu Nhật thì đó là một cuộc hội ngộ kỳ thú giữa tao nhân và mặc khách…

Hương vị Phù Tang từ đầu bếp Việt

Hầu như tất cả các bếp trưởng các nhà hàng Nhật Bản tại thành phố Đà Nẵng như: Kita Guni, Kachou Fugetsu (Vẻ đẹp Tự nhiên), Umi (Vị Biển)… đều là người Việt. Có người được thụ giáo các chuyên gia ẩm thực Nhật chính hiệu, có người tích cóp kinh nghiệm sau một thời gian dài làm phụ bếp cho các nhà hàng Nhật Bản nổi tiếng ở Sài Gòn, Hà Nội…

Người Nhật chú trọng sự thanh tao trong ẩm thực. Ảnh: Niponica
Người Nhật chú trọng sự thanh tao trong ẩm thực. Ảnh: Niponica

Anh Lê Hùng, bếp trưởng nhà hàng Kachou Fugetsu tại số 85 Nguyễn Chí Thanh cho biết: Để chuyển được cái hồn của ẩm thực Nhật đòi hỏi người đầu bếp Việt phải có sự tinh tế, khéo tay và đầy chất nghệ sĩ… Ngay cái tên nhà hàng Kachou Fugetsu có nghĩa là Vẻ đẹp Tự nhiên cũng nói lên phần nào hồn phách của món ăn của đất nước Phù Tang.

Người chế biến thức ăn Nhật phải thuộc nằm lòng quy tắc tam ngũ. Đó là ngũ vị, ngũ sắc, ngũ pháp. Ngũ vị gồm: chua, cay, ngọt, mặn, đắng. Ngũ sắc gồm: xanh, đỏ, trắng, vàng, đen. Và ngũ pháp là: hầm, sống, hấp, nướng, luộc. Chính vì vậy, mỗi món ăn Nhật là kết hợp hài hòa giữa màu sắc, hương vị và cách thức nấu nướng…

Anh Lê Hùng cũng cho biết, Đà Nẵng là thành phố biển nên tôm cá lúc nào cũng tươi ngon và phong phú. Điều đó giúp cho việc chế biến món ăn Nhật dễ dàng và thơm ngon như tại bản quán bên Nhật. Ngoại trừ một số nguyên liệu hải sản đặc biệt như cá Tuyết, cá Hồi, thịt bò Kôbê và một số gia vị riêng của người Nhật… thì phải nhập hoàn toàn. Để đáp ứng nhu cầu thiết yếu này, cửa hàng bán các mặt hàng thực phẩm, gia vị Nhật số 10 Phan Bội Châu, bên cạnh nhà hàng Umi, ra đời như một cơ hội cho ẩm thực Nhật Bản đến với Đà Nẵng một cách nhanh chóng hơn.

Để có một món ăn thanh tao về hương vị, hài hòa về màu sắc thì sự tài hoa của người đầu bếp góp phần không nhỏ. Ví như món Sashimi (cắt thịt tươi sống để ăn) được xem như linh hồn của bữa ăn Nhật thì ngoài tiêu chuẩn tươi ra, cách cắt thịt cũng được xem như một nghệ thuật mà bất cứ đầu bếp thiện nghệ nào cũng phải đạt đến ngưỡng vô đối. Chính vì vậy, nhiều nhà hàng phải đặt mua bộ dao cắt chuyên dụng tận Nhật Bản với giá cả đến chóng mặt… Có thể nói, đối với các đầu bếp nấu món ăn Nhật thì dao cắt Sashimi vô cùng quý giá và được so sánh với thanh kiếm báu của võ sĩ Samurai vậy!
Ở Đà Nẵng, người Nhật đến làm việc và lưu trú thường xuyên hiện có khoảng 150 người. Và các quán ăn, nhà hàng Nhật Bản là điểm đến thường xuyên để họ tìm lại chút hương vị quê nhà. Đặc biệt có nhiều chuyên gia Nhật sống ở Đà Nẵng đã xem các địa chỉ này như là bếp ăn của gia đình mà ông giáo Jin-Nai, giảng viên Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng là một ví dụ. Ông là một trong những thực khách trung thành tại nhà hàng Kita Guni gần mấy năm nay.  

Không chỉ vậy, ẩm thực Nhật Bản còn là triết lý, là văn hóa của một dân tộc luôn đề cao sự tao nhã trong cái giản đơn, mộc mạc của tự nhiên đời thường. Thưởng thức món ăn Nhật là tìm về sự thanh khiết của tâm hồn… Chính vì vậy, Người dân Đà Nẵng đến với các nhà hàng Nhật không chỉ là sự đổi món mà còn là khám phá một chiều sâu văn hóa mới, khám phá tâm hồn của chính mình. Để đâu đó trong bộn bề cuộc sống còn vấn vương chút hương vị Phù Tang…

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.