.

Bệnh do lối sống

.

Các nước châu Á Thái Bình Dương đối diện với nguy cơ lớn về những bệnh tật xuất phát từ lối sống thụ động và chế độ ăn uống không hợp lý.

Người châu Á ngày càng béo phì và mắc bệnh tiểu đường càng nhiều.
Người châu Á ngày càng béo phì và mắc bệnh tiểu đường càng nhiều.

WHO (Tổ chức Y tế thế giới) từng đưa ra khuyến cáo tới năm 2030 sẽ có tới 75% số người chết vì những bệnh thuộc về lối sống thụ động như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tiểu đường, ung thư, suy gan và trầm cảm.

Một số người cho rằng đó là những căn bệnh từ cuộc sống sung túc, nhưng thực ra đó là do thói quen sống đã dẫn tới bệnh tật, như lời của bà Tara Rayburn (HLV người Mỹ chuyên huấn luyện về các thói quen tốt trong cuộc sống) viết trong cuốn sách của mình “100 thói quen lành mạnh cho sức khỏe”. Bà khuyên mọi người hãy từ bỏ thuốc lá, bia rượu, chế độ ăn uống hợp lý và tăng cường vận động. Bà viết rằng từ cách bạn thức dậy vào buổi sáng, cho tới bữa ăn hay cách ngồi vào làm việc đều ảnh hưởng tới tuổi thọ của bạn.

Những lời khuyến cáo trên đây không lâu đã được chính WHO trưng ra bằng chứng cụ thể. Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, Shin Young-soo cho biết những bệnh từ lối sống do chế độ ăn uống và ít tập thể dục đang tăng mạnh ở những quốc gia châu Á Thái Bình Dương. Những cuộc nghiên cứu gần đây của WHO cho thấy có khoảng 12% người trưởng thành ở Trung Quốc mắc bệnh tiểu đường, có tới 50% đang có triệu chứng của căn bệnh này. Số người mắc bệnh tiểu đường ở Trung Quốc đã vượt xa Mỹ.

Tỷ lệ này tăng quá mạnh bởi vì hồi thập niên 90 chỉ có 3-4% số người trưởng thành Trung Quốc mắc tiểu đường. Khoảng 10% người trưởng thành ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam cũng mắc bệnh này. Một số quốc đảo ở Thái Bình Dương có vẻ còn nghiêm trọng hơn khi có 40% người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường và có tới 75-80% trong số đó bị béo phì. Nhiều năm qua, chính phủ các nước này buộc phải tăng mạnh chi phí y tế với hy vọng ngăn được tình trạng xã hội mất đi một lực lượng lao động rất lớn.

Ông Shin cho rằng nguyên nhân xuất phát từ sự thay đổi lớn về chế độ ăn uống trong quãng thời gian 30-40 năm qua. Hơn nữa, người dân thụ động hơn, ít vận động hơn trước. Hai nguyên nhân đó dẫn tới tình trạng người châu Á có xu hướng mắc bệnh tiểu đường nhiều hơn phương Tây.

Ông kêu gọi toàn xã hội phải thay đổi hành vi để chống lại bệnh tật bởi vì không chỉ có tiểu đường mà một số bệnh không truyền nhiễm khác như huyết áp cao và mỡ máu cũng đang rất nghiêm trọng. Ngoài ra, ông còn khuyến cáo một số vấn đề khác như các nước Úc, Nhật Bản và Trung Quốc thuộc loại dân số già; tỷ lệ người bị mù và các bệnh kháng thuốc cũng đang có dấu hiệu tăng mạnh.

ANH THƯ (Theo Rappler)

;
.
.
.
.
.