.

Nữ giáo viên thời phong kiến

.

Trong thời kỳ phong kiến, việc học hành, thi cử không chỉ được xem là “có cái chữ để làm người”, mà còn hướng người ta tới mục đích lập thân, lập nghiệp, lập danh. Nước ta, thuở xưa là nước theo Nho giáo, vì vậy, thanh, thiếu niên ở cả thành thị lẫn nông thôn, ai có điều kiện là đều theo đuổi con đường khoa cử. Việc tiến thân bằng chữ nghĩa, văn chương hầu như chỉ dành cho nam giới. Việc gia đình, đồng áng, ruộng vườn, chợ búa, bếp núc hầu như dành cho nữ giới… Nhờ có sự tần tảo, tháo vát của những người mẹ, người vợ trung hậu, đảm đang mà nhiều người con, người chồng công thành, danh toại.

Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. (Minh họa: nguồn baotanglichsu.vn)
Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. (Minh họa: nguồn baotanglichsu.vn)

Không ít danh nhân văn hóa nước ta có trí thông minh hơn người, thuở nhỏ đã học hành giỏi giang, đỗ đạt sớm như Nguyễn Trực, Lê Quý Đôn, Lương Thế Vinh… Chắc chắn những người con ưu tú này của đất nước đã được các bà mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ chu đáo khi họ mới lên năm, lên ba… Đặc biệt có một số gia đình do cha mất sớm, người mẹ phải một mình lo cho con ăn học. Ví như bà Vũ Thị Thư ở làng Mộ Trạch (tỉnh Hải Dương) thế kỷ 17, nhà rất nghèo, một mình bà đã nuôi dạy 4 người con nên người – đó là quan Thị lang Vũ Tư Khoái, Hoàng giáp Vũ Bạt Tụy, Tể tướng Vũ Duy Chí, Thượng thư Vũ Phương Trượng, Tiến sĩ Vũ Cầu Hối. Nhà sử học đời Trần Lê Văn Hưu (1230-1322), mồ côi cha từ nhỏ, nhưng đã được mẹ nuôi dưỡng, dạy dỗ hết lòng nên đã đỗ Bảng nhãn trong một kỳ thi hội ở thế kỷ 13.

Truyện thơ Nôm “Tống Trân- Cúc Hoa” kể về một người con gái, con một ông đình trưởng ở một làng quê Bắc Bộ, đã dám từ bỏ cuộc sống giàu sang đi theo chàng nho sinh mà nàng yêu quý, rồi sớm hôm tảo tần chợ búa, quay tơ, dệt vải nuôi  chồng ăn học cho đến khi chồng đỗ Trạng nguyên.

Không chỉ có vậy. Trong thời kỳ mà quy tắc xã hội còn nhiều ràng buộc khắt khe người phụ nữ bởi 4 chữ “tam tòng, tứ đức” thì cũng đã có những bà, những chị vượt lên chính mình để đi vào con đường học hành và cao hơn nữa là thành những nhà giáo nổi tiếng một thời. Xin được chép lại một vài tấm gương nữ nhà giáo tiêu biểu.

Bà Ngô Chi Lan, quê ở làng Phù Lỗ (ngoại thành Hà Nội) sống vào thế kỷ 15 được sử sách xưa nay ghi nhận là người nữ giáo viên đầu tiên ở nước ta. Bà đã được vua Lê Thánh Tông vời vào cung dạy dỗ cho các cung nữ về lễ nghĩa, thơ văn… Nhà vua đã phong cho bà chức “Phủ gia nữ học sĩ”. Bà cũng là tác giả của tập thơ “Mai trang tập” với nhiều bài thơ vịnh cảnh, vịnh đình… được người đương thời truyền tụng và yêu thích, ngâm vịnh...

Bà Nguyễn Thị Duệ, sinh năm 1574 tại làng Kiệt Đặc, thị xã Chí Linh (Hải Dương) trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống hiếu học. Thuở thiếu thời, bà đã cải trang thành nam giới, lấy tên là Nguyễn Văn Dụ để đi học. Đời nhà Mạc, năm 1594, bà Nguyễn Thị Duệ đỗ đầu khoa thi hội, được mời vào cung, sung vào Hàn lâm viện, dạy học cho các phi tần. Nhà Mạc mất, bà về quê mở trường dạy học cho con em trong làng xã. Thời gian sau, bà lại được chúa Trịnh mời vào cung dạy học và được chúa phong chức “Cung trung giáo tập – Lễ nghi học sĩ”.

Bà Đoàn Thị Điểm (1705-1748), nhà thơ nổi tiếng thế kỷ 18, hiệu là Hồng Hà nữ sĩ. Cha mất, rồi anh trai mất, bà một mình vừa làm nghề bốc thuốc, vừa dạy học để lấy tiền nuôi mẹ và giúp đỡ chị dâu nuôi dạy các cháu nhỏ. Bà là tác giả của tập truyện “Truyền kỳ tân phả” viết bằng chữ Hán và cũng là một trong những người đã dịch tập “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ.

Thời nhà Nguyễn, bà Nguyễn Nhược Thị Bích quê ở Ninh Thuận, được tiến cử vào cung để dạy cho các hoàng tử học hành. Bà là cô giáo của ba vị vua: Kiến Phúc, Hàm Nghi, Khải Định. Bà đã sáng tác tập thơ lục bát“Hạnh thục ca” bằng chữ Nôm, gồm 1.306 câu, nói về nhiều sự kiện trong triều, ngoài trấn từ khi người Pháp đem quân xâm lược nước ta.

Nói đến đội ngũ và công lao dạy dỗ học trò nên người của các cô giáo ở nước ta thời kỳ phong kiến, không thể không kể đến các bậc nữ đại sư trong các ngành nghề thủ công. Với tài năng “khéo tay, hay làm” và tâm huyết rất cao của mình, họ đã dạy nghề cho bao lớp người, giúp cho hàng trăm thanh, thiếu niên (cả nam lẫn nữ) ở nhiều làng quê, phường phố có công ăn, việc làm và có cuộc sống đàng hoàng, tử tế… Vì vậy, khi các bà về cõi vĩnh hằng, dân nhiều làng xã đã suy tôn họ thành thần, thành thánh và lập am miếu thờ phụng họ suốt mấy trăm năm nay. Có thể kể danh tính của một số cô giáo- nữ thần nghề nghiệp ở nước ta: Bà Nguyễn Thị Sen, tổ nghề may áo dài; bà Đào Thị Huệ dạy nghề trồng dâu, nuôi tằm; bà Cao Thị Phương dạy nghề may vá; bà Nguyễn Thị Thanh và bà Võ Thị Soa dạy nghề trồng trọt, cấy cày; bà Trịnh Thị Tâm  dạy nghề đan lưới; bà Phạm Thị Phương dạy nghề thêu thùa; bà Phạm Thị Hương dạy nghề nội trợ...

Những tấm gương về sự nỗ lực học hành và sự tận tâm trong nghề nghiệp của các cô giáo thời kỳ Trung đại ở nước ta đã khẳng định rằng, khi người phụ nữ ý thức được vai trò, vị trí của mình trong gia đình, trong xã hội; khi các cấp chính quyền từ làng xã đến triều đình biết coi trọng phẩm giá và tài năng của họ… thì nhất định họ sẽ phát huy được mọi phẩm chất tốt đẹp của giới mắt huyền, môi son, tóc dài yểu điệu để cống hiến cao nhất cho quê hương, đất nước.

Bước qua thời kỳ cận, hiện đại công việc học hành, khoa cử và hoạt động nghề nghiệp được phát triển, mở mang, bất kể gái, trai đều có thể được cắp sách đến trường. Rất nhiều nữ sinh khi trưởng thành đã chọn nghề dạy học làm lẽ sống của đời mình. Nhiều gia đình cả cha, mẹ, con trai, con gái, con rể, con dâu đều làm nghề dạy học. Các cấp học từ mầm non, tiểu học đến trung học, cao đẳng, đại học không cấp học nào, không trường xã, trường huyện, trường tỉnh v.v… nào là không có các cô giáo được bao thế hệ học sinh, sinh viên tôn vinh là “người mẹ hiền” yêu kính.

TRẦN HOÀNG


(*) Nguồn tư liệu được dùng trong bài viết này được chúng tôi trích từ Từ điển văn học - Nxb KHXH- 1983-1984;Tín ngưỡng làng xã (Vũ Ngọc Khánh)- Nxb Văn hóa dân tộc- 1994 và từ các báo Phụ nữ Việt Nam, Giáo dục thời đại…

;
.
.
.
.
.