Đà Nẵng cuối tuần
Tự diễn đạt mình
Chắc hẳn có đôi lần nào đó bạn đã tự hỏi vì sao người khác lại ghét mình trong khi mình không làm gì sai. Bạn sẽ làm gì lúc ấy? Trước khi trả lời câu hỏi ấy, tôi sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện nhỏ của mình:
Hồi tôi còn nhỏ, không hiểu sao thanh niên và cả bọn trẻ con xóm trên và xóm dưới rất “kỵ rơ” nhau. Tôi là trẻ con vô tư nên cứ học xong là chạy ù té lên chơi với bọn con gái xóm trên. Nói là lên chơi cho oai chứ thực ra mình chỉ đứng nhìn là chính, vì đám con gái ấy bảo “không thèm chơi với bọn xóm dưới”. Cứ thế, cứ thế ngày này qua ngày khác tôi cứ đứng nhìn chúng bạn chơi nhảy dây, banh chuyền, ô ăn quan… với ánh mắt thèm thuồng và lấp lánh hy vọng.
Một ngày đẹp trời nọ, mấy đứa con gái xóm trên xì xầm gì đó, hình như có cả tranh cãi. Sau một hồi, con bé Na đại diện nhóm ra nói chuyện với tôi. Nó bảo cả nhóm chấp nhận cho tôi vào chơi chung nhưng tôi không được dùng tay trái để chơi banh chuyền và chân trái để nhảy dây. Bọn ranh con này quả thực biết cách làm khó tôi mà. Tôi thuận tay, chân trái mà giờ phải đổi ngược lại khác nào bắt cá rô bay lên ngọn dừa. Biết thế, nhưng con ma ham chơi trong người lại bắt tôi đồng ý cái “lệ làng” ấy.
Không ngoài dự đoán, bọn trẻ ấy đã rất hí hửng và đắc chí khi nhìn tôi khổ sở đẩy banh chuyền bằng tay phải hay té nhào vì nhảy dây ngược với chân thuận của mình. Nhiều lúc nước mắt ứa ra, tôi chực khóc vì quá tủi thân. Đến một ngày khi cảm thấy không thể trụ nổi nữa, tôi bỏ cuộc. Không nói không rằng, tôi lặng lẽ ở nhà, không bén mảng đến cái nơi “nhiều trò hay nhưng khiến tôi cảm thấy bị cô lập” ấy nữa. Một ngày, hai ngày rồi nhiều ngày ở nhà chơi đá banh, bắn bi, tán vòng với anh hai và bọn con trai hàng xóm tôi thấy mọi thứ vẫn ổn, vẫn vui tươi. Thế nên bụng bảo dạ ta đây cóc cần chơi với mấy đứa bạn xấu tính kia!
Một ngày không rõ là đẹp hay xấu trời nọ, tôi đang ngồi trước hiên nhà bưng tô cơm ăn, thì thấy con bé Na xóm trên đứng trước mặt. Tôi biết ngay mà, bọn quỷ ranh con ấy đâu có buông tha mình dễ dàng thế, chắc nó xuống đây để bắt vạ mình đã làm hỏng trái banh chuyền hay làm đứt dây su nhảy dây gì đó. Thật là quá đáng mà! Nhưng mà hình như tôi nhầm thì phải. Con bé nhìn sâu vào đôi mắt to tròn ngây thơ của tôi, đoạn, nó nói:
- Ê, mi lên chơi lại với bọn ta đi. Mấy đứa hắn không bắt mi chơi tay phải với chân phải nữa mô!
- Nhưng mà bọn bây nói ghét, không ưng chơi với ta mà! (giọng ra vẻ dỗi hờn nhưng thực ra sợ nó rút lại lời nói hơn).
- Không ghét mô, mi cứ lên đi, đi hỉ!
- Ừ, lên cũng được (giọng giả vờ lạnh lùng).
Đúng là trẻ con, trong phút chốc cái sự tự ái bay đi đâu mất, nhường chỗ cho lòng vui tươi hớn hở khi nhận được “lời mời danh dự”.
Đó là câu chuyện thời nhỏ dại của tôi. Mãi đến tận bây giờ, trong các mối quan hệ tôi vẫn hành động như mình của nhiều năm về trước. Khi một người nào đó ghét tôi, tôi luôn muốn biết nguyên nhân, mà muốn biết được điều đó trước tiên phải đến gần họ. Đến gần theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Có thể ai đó sẽ thấy điều này thật khôi hài vì làm như vậy khác nào hạ mình. Chúng ta có thể dùng một sự lạnh lùng tương ứng để đáp trả lại cơ mà! Song, tôi lại tâm niệm như Trịnh Công Sơn: “Sống là sống với người khác và muốn có được sự cảm thông chúng ta phải luôn tự diễn đạt mình”.
Ví như câu chuyện thuở nhỏ, nếu lúc đó vì tự ái tôi không chơi với bọn trẻ xóm trên thì có lẽ tôi đã không có những đứa bạn, những năm tháng tuổi thơ vui tươi đến vậy.
Chắc chắn sẽ có người đặt câu hỏi rằng là nếu người ta ghét mình rồi chơi xấu, độc ác với mình không lẽ ta cũng phải cố gắng “diễn đạt mình” để họ hiểu hay sao. Câu trả lời của tôi là nếu người ta quá đáng một cách không thể chấp nhận và cứu vãn được thì mình chọn cách lánh xa họ để đề phòng bất trắc. Nhưng nếu một người nào đó không có thiện cảm với ta, mà ta cảm nhận được là do họ hiểu sai con người ta, thì đừng ngần ngại diễn đạt mình để người khác biết rằng: Bạn ghét tôi, tôi chẳng mất gì, nhưng nếu bạn chơi với tôi, bạn nhất định có một người bạn tốt!
HIỀN VY