.

Đà Nẵng cuối tuần

Nắng, nhớ những khúc nhạc mưa

07:27, 05/04/2015 (GMT+7)

Hãy còn là mùa xuân, và nắng, ở vào khoảng này, mới dịu nhẹ ấm áp sao! Sớm nay với nắng vừa lên và những nụ hoa trắng ngần, tỏa hương, từ chậu mai chiếu thủy đặt trước hiên nhà.

Cùng với ngụm cà-phê đắng và ngọt, từ tốn nhấp môi, sao muốn quá được phiêu du về những miền mưa, những nỗi mưa trong nhạc Trịnh. Vậy thì hãy cho tôi có thể…

Có vẻ như mưa, đôi khi, chỉ là cái cớ mà ông mượn để vẽ lại một hình ảnh, một không gian, bộc bạch một cảm xúc nào đó, như: “… Chìm dưới cơn mưa bàn chân nhỏ bé. Năm xưa năm xưa chung vui hội hè…” (Chìm dưới cơn mưa); “Giọt mưa lặng lẽ trên nụ quỳnh. Quỳnh hương một đóa thoáng hương thầm….” (Chuyện đóa quỳnh hương). Hay như: “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ. Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua…” (Diễm xưa).

Mưa, được ông dùng để tỏ bày tâm trạng của chính mình cũng có mà dành cho nhân vật mà ông đang hướng tới cũng có. Tâm trạng thì vô cùng và chữ nghĩa ông dùng, để diễn đạt những tâm trạng ấy mới lạ lẫm chứ! Có thể buồn, vui, sung sướng hoặc khổ đau, thổn thức chờ mong hay là thư thái đón nhận: “Em đứng lên gọi mưa vào hạ. Từng cơn mưa. Từng cơn mưa. Từng cơn mưa mưa thì thầm dưới chân ngà…” (Gọi tên bốn mùa) hay như:“Chân đi xa trái tim bên nhà. Thềm đá nằm thềm đá nghe mưa…” (Có nghe đời nghiêng).

Khi còn khỏe, Trịnh Công Sơn hay đàn đúm cùng bằng hữu và bên những câu chuyện, dăm ly rượu… Ông đã cảm nhận mưa ngẫm ngợi về mưa trong rất nhiều cung bậc và ngôn ngữ. Có thể bất chợt có thể dài lâu, có thể thảng thốt có thể bình lặng… Và ông và mưa như hòa lẫn trong nhau, mặc kệ cho đám đông bủa vây phó thác cho dòng đời. Hồi yếu mệt hơn, ông hay kêu bạn bè đến nhà chơi và chỉ dám nhấp nháp một thứ rượu rất hiền.

Và vang và nỗi cô đơn, có phải không hiếm lần ông đã tĩnh lặng cùng những cơn mưa của riêng mình. Cho tôi, những khoảnh khắc này đây, trầm ngâm nghe mưa thưa thớt và đặc dày trong những khúc nhạc của ông. Có cái lạ, cùng những bài hát mưa như thế, được nghe khi khuya khoắc hoặc heo hút buổi hoàng hôn, tâm hồn mình sẽ không thể an nhiên như bây giờ. Giữa khi trời hửng nắng và một ngày mới đang bắt đầu:“Từng ngày qua thấy mưa về miền phù du. Từng ngày qua thấy nắng tan vào lời ru…” (Từng ngày qua).

Trong tâm thế ấy, tôi muốn nhắc đến thân phận con người với cái nhìn thấm đượm tính triết lý về cuộc đời. Ấy là những thứ mà ta có thể bắt gặp rất nhiều trong nhạc Trịnh Công Sơn.

Hết thảy như đẫm ngập nỗi ngậm ngùi khi được cùng với mưa, có mưa, khi nhòa nhập trong mưa: “Có khi mưa ngoài trời là giọt nước mắt em. Đã mang theo vào đời làm từng nỗi ưu phiền….” (Ru đời đi nhé); “Đêm nghe gió tự tình. Đêm nghe đất trở mình vì mưa” (Nghe tiếng muôn trùng)

Trong tất cả những ca khúc mưa, không hiếm những bài được nhắc đến chẳng vì cái gì, chẳng bởi đâu. Những cảm xúc hết sức mông lung vậy mà lại đánh động được vào trái tim mình. Đánh rất mạnh. Tôi đã cảm được điều ấy khi nghe lại: “Mưa mùa hạ” với những câu: “Mưa như từng giọt rượu hờ. Mưa thưa tựa áo lụa trời…”. Tôi vẫn có thể, kể ra rất đầy đủ những ca khúc mưa của Trịnh Công Sơn nhưng e rằng như thế thì bài viết này sẽ rất dài. Nên chỉ dám dừng lại trong dăm bảy ca khúc, thông thường, của ông với mong muốn được sẻ chia và đồng cảm cùng mọi người, nhân kỷ niệm ngày ông ra đi.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một nhà thơ và là một họa sĩ. Những bức tranh của ông độc đáo đến không ngờ. Những bài thơ của ông cũng thế. Chính vì vẻ đẹp và làm thơ hay mà những bài hát của ông có sự thẳm sâu của thơ, có ẩn hiện lung linh của họa.  14 năm rồi, ông ra đi, khi nghe lại những bài hát mưa của Trịnh Công Sơn, dường như tôi thấy bóng dáng ông đang thấp thoáng đâu đó, sau màn mưa trùng trùng. Dẫu, lấp lóa nắng ở nơi này.

MỸ NỮ

.