Chuyên đề

Nham nhở quảng cáo "bẩn"

14:50, 03/04/2015 (GMT+7)

Không khó để nhận ra các loại rao vặt trái phép đang hiện hữu trên từng con đường ở Đà Nẵng. Từ tuyến phố khang trang đến những kiệt, hẻm chật chội cũng bị loại hình quảng cáo này “tấn công” không thương tiếc, gây mất mỹ quan đô thị.

Một bạn trẻ phát tờ rơi cho người đi đường tại thành phố Đà Nẵng.Ảnh: T.Y
Một bạn trẻ phát tờ rơi cho người đi đường tại thành phố Đà Nẵng.Ảnh: T.Y

Mặt bằng lý tưởng, dễ nhìn thấy nhất được người dán tờ rơi hướng đến là trạm biến áp, trụ điện lớn hay tường rào, cổng ngõ nằm sát mặt tiền, ngay cạnh lối đi…

Rơi vào vòng luẩn quẩn

Hiện nay, quảng cáo bằng tờ rơi được nhiều đơn vị kinh doanh, dịch vụ, sản xuất nhỏ áp dụng bởi tính tiện lợi cùng chi phí thấp. Chủ cửa hàng gas A.C chuyên kinh doanh gas, bếp gas, phụ kiện, nước tinh khiết trên đường Ngô Trí Hòa cho biết, chỉ cần mất từ 1 đến 2 triệu đồng, họ đã có trong tay hàng ngàn tờ rơi, không bị cơ quan chức năng kiểm duyệt về nội dung, hình thức. Những tờ rơi có kích thước nhỏ gọn này được đội ngũ nhân viên cung cấp gas đưa đến tận nhà trao cho người tiêu dùng, khi có nhu cầu, họ chỉ cần nhấc điện thoại gọi đến là xong.

Tương tự, nhiều tờ rơi mang nội dung giới thiệu mỹ phẩm, khoan cắt bê-tông, trung tâm gia sư, người giúp việc, cho thuê hoặc bán nhà, phòng trọ, tuyển nhân viên làm thêm... cũng được phổ biến trong giới kinh doanh. Tuy nhiên không phải ai cũng “lịch sự” dặn dò nhân viên mang tờ rơi đến trao tận nhà cho người tiêu dùng mà thuê đội ngũ phát tờ rơi ở ngã ba, ngã tư, khu vực chợ hoặc tận dụng trạm biến áp, trụ điện, tường rào để dán, in decal khiến nhiều khu phố trở nên nham nhở.

Để khắc phục tình trạng này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng đề nghị UBND thành phố tăng cường chỉ đạo các quận, huyện, ban, ngành tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, tổ chức hiệu quả các đợt ra quân tẩy xóa, bóc gỡ, thu gom tờ rơi quảng cáo.

Chỉ tính riêng trong năm 2014, cuộc vận động xây dựng “Ngõ phố văn minh, an toàn, sạch đẹp”, “Ngày chủ nhật xanh, sạch, đẹp” đã thu hút hơn 650.000 lượt đoàn viên thanh niên tham gia, xóa gần 28.500 biển, bảng quảng cáo, rao vặt trái phép. Thế nhưng, xóa được chỗ này, lại xuất hiện chỗ kia, khiến hiệu quả từ những đợt ra quân chưa thật sự hiệu quả.

Trong rất nhiều loại hình quảng cáo, rao vặt trái phép diễn ra hiện nay, đáng sợ nhất phải kể đến kiểu dán decal hay sơn thẳng vào tường, cột điện (nhất là dịch vụ hút hầm cầu và khoan cắt bê tông) khiến việc gỡ hoặc tẩy sạch tốn nhiều công sức. Chị Nguyễn Thị Thu Trang, sống gần ngã tư Trưng Nữ Vương – Nguyễn Hữu Thọ lắc đầu nói đã nhiều lần vợ chồng chị phải đi mua sơn nước về “tân trang” lại bức tường và trụ điện gần nhà mình vì không chịu được cảnh bước ra khỏi cổng là nhìn thấy “hút hầm cầu” trông rất phản cảm và mất vệ sinh.

Ngược lại với kiểu dán, in quảng cáo lén lút trên tường rào, trụ điện, phát tờ rơi tại các giao lộ được cho là “nghề” kiếm thêm thu nhập của giới sinh viên, học sinh. Đối tượng thuê dán quảng cáo, rao vặt trộm vẫn ngang nhiên tuyển lao động phát tờ rơi trên website, facebook không chút e ngại. Đơn cử, cách đây không lâu, trang facebook mang tên phattoroiquangcao (nhận và tuyển phát tờ rơi tại Đà Nẵng) có địa chỉ ở 116 Đồng Kè (phường Hòa Khánh Bắc) viết: “Vào bất kỳ lúc nào, bất kỳ thời gian nào các bạn đều có thể đăng ký đi phát được với phương châm: phát xong nhận tiền liền”.

Hoặc facebook toroidanang đăng thông tin tuyển 6 cộng tác viên phát tờ rơi khu vực Hải Châu với mức lương 25.000 đồng/giờ (có thưởng thêm nếu làm tốt), dán quảng cáo poster mức lương 150.000 – 200.000 đồng/ngày… Người được thuê cứ việc đứng tại cột đèn tín hiệu giao thông, chờ đèn đỏ bật lên liền bước vội xuống đường dúi vào tay người đi đường tờ rơi quảng cáo. Mức lương trên không cao nhưng khá hấp dẫn, khiến nhiều bạn trẻ tranh thủ thời gian rảnh kiếm việc làm thêm.

Bạn N.V.H (quê Quảng Trị), sinh viên Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng chia sẻ: Dù biết việc phát, dán tờ rơi là vi phạm nhưng vẫn chấp nhận làm để kiếm thêm tiền trang trải phần nào cuộc sống xa nhà. Mỗi lần nhận việc, H. đều được đối tượng thuê tư vấn chỉ nên phát, dán tờ rơi vào buổi trưa, chiều tối hoặc giờ tan tầm bởi khi ấy lượng người đi đường đông nên số lượng phát ra sẽ lớn.

Sau khi phát xong, H. phải có trách nhiệm thu gom tờ rơi bị rơi vãi xuống lòng đường, vỉa hè để đảm bảo không ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị. “Nếu trong ngày vì lý do nào đó mình không phát hết số lượng tờ rơi đã đăng ký thì đến tối phải chịu trách nhiệm đi dán ở tường rào, cột điện cho bằng hết. Biết việc này là vi phạm nhưng lỡ nộp phí ký hợp đồng làm việc rồi nên phải làm liều chứ biết làm sao”, H. chia sẻ.

Đà Nẵng kiên quyết nói không với tờ rơi

Dù nghị định số 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12-7-2010 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa nêu rõ hành vi quảng cáo, rao vặt không đúng quy định như viết, vẽ, dán, quảng cáo trên tường, gốc cây, cột điện và các vật thể khác làm mất mỹ quan đô thị, cảnh quan môi trường sẽ bị xử phạt hành chính 5-10 triệu đồng; tái phạm sẽ nâng mức phạt lên 10-20 triệu đồng.

Tuy nhiên trên thực tế, người trực tiếp thực hiện những hành vi trên phần lớn là sinh viên, học sinh nghèo, thường không đủ điều kiện tài chính để tiến hành xử phạt, khi gặp những trường hợp này cơ quan chức năng chỉ có thể lập biên bản, thu giữ tang vật hành nghề rồi cho về. Chưa kể, việc truy tìm địa chỉ hay người trực tiếp thuê lao động phát tờ rơi chưa được cơ quan chức năng tiến hành quyết liệt để xử phạt tận gốc.

Ngay như Trung tâm Quản lý quảng cáo (đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Đà Nẵng) cũng chỉ có chức năng kiểm tra, tháo gỡ các mẩu quảng cáo, băng-rôn, bạt rao vặt trái phép, lập biên bản đề nghị ngành viễn thông cắt vĩnh viễn các số điện thoại in trên tờ rơi mà không có chức năng xử phạt, xử lý dứt điểm.

Tuy công tác tuyên truyền, xóa quảng cáo, rao vặt bẩn vẫn chưa đến hồi kết nhưng không thể phủ nhận rằng, kể từ khi thành phố Đà Nẵng phát động phong trào xây dựng “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, các cấp, ngành liên quan tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ra quân tẩy xóa, kiểm tra xử phạt hành chính, đồng thời khen thưởng động viên những đơn vị, cá nhân tiêu biểu tham gia trực tiếp vào công tác này.

Ví như mới đây, UBND quận Hải Châu biểu dương và thưởng nóng cho hai đơn vị Công an và Tổ quy tắc đô thị phường Hòa Cường Nam 10 triệu đồng vì đã kịp thời phát hiện các đối tượng dán quảng cáo, phát tờ rơi trái phép lên trụ điện, thu giữ hơn 1.500 tờ rơi, 11 băng-rôn, 25 decal.

Không dừng lại ở đó, công tác tuyên truyền trong giới trẻ cũng được lãnh đạo thành phố quan tâm, đốc thúc nhằm tạo hiệu ứng mạnh mẽ hơn. Tại buổi “Đối thoại tháng 3: Thanh niên với Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” diễn ra sáng 26-3, khi đề cập đến công tác ra quân xóa quảng cáo, rao vặt trái phép được thực hiện thời gian qua, Bí thư Thành ủy Trần Thọ yêu cầu các ngành chức năng phải ráo riết xử phạt, kiên quyết cắt liên lạc các số điện thoại được in trong tờ rơi.

“Cái này tuy nhỏ nhưng làm khó, do đó thành phố phải chọn giải pháp tuyên truyền, giáo dục. Nhưng ai là người đi dán? Nếu truy ra thì cũng là thanh niên, sinh viên, học sinh. ĐH Đà Nẵng về nói với sinh viên của mình nên đi tìm việc khác kiếm tiền…”, ông Trần Thọ nói.

Bên cạnh những mặt hạn chế như ảnh hưởng mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông tại các giao lộ, có thể nói quảng cáo, rao vặt mang lại cho khách hàng rất nhiều thông tin đa dạng, cần thiết. Do đó, bên cạnh hoạt động ra quân tẩy xóa, tuyên truyền người dân quảng cáo đúng nơi quy định, thiết nghĩ thành phố cần có những biện pháp hướng đến lợi ích cộng đồng, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận những thông tin, dịch vụ cần thiết trong đời sống đô thị hiện nay.

TIỂU YẾN

.